Cúm là một bệnh nhiễm trùng do vi-rút rất dễ lây lan ở đường hô hấp, có thể gây ra bệnh nặng và các biến chứng đe dọa tính mạng (bao gồm cả viêm phổi), đặc biệt nguy hiểm đối với trẻ em và người có hệ miễn dịch suy yếu. Bệnh ảnh hưởng đến mọi người ở mọi lứa tuổi. Cúm thường lây lan qua việc hít phải các giọt bắn từ ho và hắt hơi có chứa vi-rút.
Hiện nay dịch cúm đang hoành hành với các chủng như cúm A, cúm B,... với các biểu hiện như sốt, đau họng, ho, đau đầu, khó thở. Để làm giảm các triệu chứng của bệnh cũng như đẩy nhanh quá trình hồi phục, mọi người có thể sử dụng 9 loại thảo mộc này.
1. Gừng
Gừng là loại gia vị quen thuộc và hầu như nhà nào cũng luôn có sẵn trong nhà bếp. Gừng có rất nhiều công dụng đối với sức khỏe, đặc biệt có thể hỗ trợ điều trị cảm cúm và cảm lạnh.
Gừng chứa rất nhiều chất chống oxy hóa và có các đặc tính kháng vi-rút, kháng khuẩn và chống viêm nên có thể giúp kiểm soát cơn đau họng và giảm tình trạng tắc nghẽn liên quan đến cảm cúm và tình trạng viêm.
Cách sử dụng gừng để giảm triệu chứng cảm cúm
- Nhai một miếng gừng tươi
- Uống một cốc trà gừng, bạn có thể cho thêm một chút mật ong để tăng hiệu quả. Mật ong cũng có đặc tính kháng khuẩn, kháng vi-rút nên cũng rất hữu ích đối với người bị cảm cúm.
Uống trà gừng giúp giảm nghẹt mũi, ho hoặc đau họng (Ảnh: ST)
Thận trọng: Gừng có thể tương tác với thuốc làm loãng máu, thuốc trị tiểu đường, thuốc trị huyết áp cao. Do đó, nếu đang sử dụng bất kể loại thuốc nào, bạn nên tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ khi bổ sung gừng vào chế độ ăn uống.
2. Hoàng kỳ
Hoàng kỳ là loại thảo mộc có rất nhiều lợi ích đối với sức khỏe, chẳng hạn như có thể giúp bảo vệ cơ thể khỏi các bệnh như ung thư và tiểu đường. Hoàng kỳ còn được sử dụng để bảo vệ và hỗ trợ hệ thống miễn dịch, hạ huyết áp, điều trị bệnh tiểu đường và bảo vệ gan. Đặc biệt, loại thảo mộc này có thể ngăn ngừa và hỗ trợ làm giảm triệu chứng cảm lạnh, cảm cúm và nhiễm trùng đường hô hấp trên.
Chiết xuất từ rễ hoàng kỳ cải thiện chức năng của các tế bào bạch cầu, thậm chí làm tăng mức kháng thể ở những người khỏe mạnh. Hoàng kỳ cũng có thể làm tăng mức interferon, protein kích hoạt miễn dịch chống lại các bệnh nhiễm trùng do vi-rút và khối u. Những lợi ích này giúp ngăn ngừa các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên, đặc biệt là ở những người dễ bị cảm lạnh và cúm.
Thận trọng: Phụ nữ có thai hoặc cho con bú không nên sử dụng rễ hoàng kỳ. Những người mắc bệnh tự miễn nên tham khảo ý kiến bác sĩ.
3. Cúc tím
Cây cúc tím nổi tiếng là có tác dụng lên hệ thống miễn dịch, bao gồm tăng phản ứng kháng thể với nồng độ interferon cao để chống lại vi-rút và kích thích tế bào bạch cầu chống lại nhiễm trùng.
Ngoài ra, trong cây cúc dại còn chứa một số hợp chất như polysaccharides, glycoprotein và alkylamide đều có tác dụng chữa bệnh giúp tăng cường hệ thống miễn dịch và ức chế vi-rút và vi khuẩn.
Với những công dụng này, cúc tím là một loại thảo dược tốt cho việc giảm triệu chứng cảm lạnh hoặc cảm cúm, đẩy nhanh quá trình lành bệnh hơn.
Bạn có thể sử dụng cúc tím đem pha như một loại trà thông thường, uống một ly trà cúc tím ấm sẽ giúp thông mũi và giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn.
Cúc tím có thể giúp tăng cường miễn dịch (Ảnh: ST)
Thận trọng: Không dùng cúc tím nếu bạn bị bệnh lao, bệnh bạch cầu, tiểu đường, rối loạn mô liên kết, đa xơ cứng, HIV hoặc AIDS, rối loạn tự miễn dịch hoặc rối loạn gan. Trong một số trường hợp hiếm gặp, cúc tím có thể gây ra phản ứng dị ứng.
4. Xạ hương
Các hợp chất trong cỏ xạ hương có thể giúp giảm ho do cảm lạnh hoặc cảm cúm. Ngoài ra, cỏ xạ hương có tác dụng chống co thắt và long đờm, nghĩa là loại thảo mộc này không chỉ làm dịu cơn ho mà còn giúp làm sạch chất nhầy phế quản. Xạ hương cũng có tác dụng kháng khuẩn và kháng vi-rút.
Một số hóa chất trong cỏ xạ hương, bao gồm thymol và carvacrol, tạo nên mùi thơm của cỏ có tác dụng long đờm và khả năng ức chế vi khuẩn, vi-rút và nấm.
Thận trọng: Những người mắc bệnh nhạy cảm với hormone nên tránh dùng cỏ xạ hương.
5. Tỏi
Tỏi vừa là một loại gia vị vừa là một loại thảo mộc có tác dụng giảm triệu chứng và ngăn ngừa cảm cúm và cảm lạnh. Tỏi có chứa một hợp chất gọi là alliin thể giúp tăng cường miễn dịch, từ đó giúp cơ thể chống lại vi khuẩn.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng tỏi có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh ngay từ đầu, cũng như thời gian bạn bị bệnh. Nó cũng có thể làm giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng của cảm cúm.
Để giảm triệu chứng cảm cúm, bạn có thể bổ sung thêm tỏi vào các món ăn hoặc pha trà tỏi mật ong.
Tỏi giúp rút ngắn thời gian bị bệnh cảm cúm (Ảnh: ST)
Thận trọng: Tỏi cũng có thể làm tăng nguy cơ chảy máu và gây ra phản ứng dị ứng ở một số người. Ăn quá nhiều tỏi có thể gây hôi miệng, ợ nóng, đầy hơi và tiêu chảy.
6. Cam thảo
Cam thảo có chứa hơn 300 hợp chất khác nhau, trong đó có những chất có đặc tính chống viêm, kháng virus và kháng khuẩn. Cam thảo có rất nhiều công dụng đối với sức khỏe như giảm chứng khó tiêu, chống ung thư,... đặc biệt loại thảo mộc này có thể hỗ trợ điều trị các bệnh đường hô hấp.
Uống hoặc sử dụng các sản phẩm từ cam thảo có thể hỗ trợ điều trị ho, làm dịu cơn đau họng cũng như có thể làm giảm triệu chứng hen suyễn.
Nếu bạn đang gặp một số triệu chứng do cảm cúm như đau họng, ho, cổ có đờm, mọi người có thể đun sôi vài nhanh cam thảo với nước, sau đó uống từ từ trong ngày. Hoặc các bạn cũng có thể kết hợp bột cam thảo với gừng, bột quế và pha thành trà uống trong ngày.
Thận trọng: Những người bị huyết áp cao, suy tim sung huyết, bệnh thận hoặc nồng độ kali thấp, phụ nữ có thai và cho con bú nên thận trọng khi sử dụng cam thảo. Nếu sử dụng quá liều, chất glycyrrhizin trong cam thảo có thể gây hại cho sức khỏe.
7. Hương thảo
Hương thảo là loại thảo mộc rất giàu chất chống oxy hóa, có đặc tính kháng khuẩn, giúp chống lại nhiễm trùng, chống lại chứng viêm nên có thể hữu ích cho những người bị cảm cúm. Hương thảo cũng chứa một lượng lớn vitamin A và C. Giống như cây xô thơm, hương thảo giúp tăng cường trí nhớ và thậm chí có thể làm giảm cơn ớn lạnh liên quan đến sốt.
Để làm giảm triệu chứng cảm cúm, bạn có thể thưởng thức một ly trà hương thảo ấm. Cách pha trà hương thảo rất đơn giản, bạn sử dụng một lượng hương thảo khô cho vào bình, sau đó đổ thêm nước sôi và ủ trong khoảng 5-10 phút. Bạn có thể cho thêm một chút mật ong để gia tăng hương vị là có thể thưởng thức.
Hương thảo có thể giúp chống lại nhiễm trùng (Ảnh: ST)
Thận trọng: Hương thảo có thể gây dị ứng nhưng không phổ biến. Loại thảo mộc này cũng có thể tương tác với một số loại thuốc như thuốc chống tiểu cầu và thuốc chống đông máu, thuốc ức chế ACE, thuốc lợi tiểu. Do đó, khi bạn đang sử dụng bất kể loại thuốc nào, nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi bổ sung hương thảo vào chế độ ăn uống.
8. Quế
Sử dụng trà quế và mật ong có thể giúp làm giảm các triệu chứng cảm cúm và đem lại sự dễ chịu cho người bệnh. Cả quế và mật ong đều chứa đặc tính chống viêm và chất chống oxy hóa có thể giúp làm dịu các triệu chứng cảm lạnh hoặc cảm cúm trong khi cơ thể bạn chống lại vi-rút. Một số bằng chứng còn cho thấy quế có thể làm loãng đờm, giảm tình trạng khó thở.
Cách pha trà quế mật ong: sử dụng 1/4 thìa bột quế, 1 thìa mật ong và 1 cốc nước. Đun sôi nước sau đó cho bột quế vào khuấy đều và để âm ỉ trong 2-3 phút. Sau đó, tắt bếp và cho thêm mật ong, để nguội và thưởng thức.
Thận trọng: Quế chứa một hợp chất gọi là coumarin có thể làm loãng máu và gây hại cho gan ở liều cao. Nếu bạn bị rối loạn đông máu, các vấn đề về gan hoặc dùng thuốc làm loãng máu hay đang có thai, bạn hãy trao đổi với bác sĩ về việc sử dụng quế an toàn.
9. Tía tô đất
Tía tô đất là một loại thảo mộc cùng họ với bạc hà. Cây tía tô đất chứa các chất hóa học có tác dụng an thần và làm dịu. Loại thảo mộc này cũng có thể làm giảm sự phát triển của một số loại vi-rút và vi khuẩn, chẳng hạn như vi-rút gây cảm cúm.
Do đó, uống trà tía tô đất hoặc bổ sung loại thảo mộc này vào chế độ ăn uống có thể làm giảm triệu chứng bệnh cũng như rút ngắn thời gian bị bệnh.
Thận trọng: Tía tô đất có thể tương tác với thuốc an thần. Phụ nữ có thai, trẻ em và người chuẩn bị phẫu thuật nên thận trọng khi sử dụng loại thảo mộc này.
Trên đây là 9 loại thảo mộc giúp giảm triệu chứng cảm cúm. Bên cạnh việc sử dụng các loại thảo mộc này, mọi người nên uống nhiều nước, nghỉ ngơi đầy đủ và ăn chế độ giàu dinh dưỡng để giúp quá trình hồi phục bệnh nhanh hơn.
Vân Anh (Tổng hợp)