90% hàng giả được bán online, quản lý thế nào trong kỷ nguyên số?

90% hàng giả được bán online, quản lý thế nào trong kỷ nguyên số?
6 giờ trướcBài gốc
Người tiêu dùng cần thận trọng khi mua sắm online, nhất là với sản phẩm giá rẻ bất thường. Ảnh minh họa: IT
Siết chặt thương mại điện tử để kiểm soát hàng thật - hàng giả
Theo số liệu từ Bộ Công thương, trong 6 tháng đầu năm năm 2025, các sàn thương mại điện tử đã gỡ bỏ hơn 33.000 sản phẩm; đóng 11.000 shop có các hành vi vi phạm liên quan đến hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Đây là một tín hiệu tích cực cho thấy nỗ lực quyết liệt của cơ quan quản lý nhà nước và các nền tảng thương mại điện tử trong việc làm sạch môi trường kinh doanh trực tuyến, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và nâng cao uy tín thị trường nội địa.
Bộ Công Thương cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các sàn thương mại điện tử, lực lượng quản lý thị trường và các đơn vị chức năng để tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người bán và người tiêu dùng về tầm quan trọng của việc tuân thủ pháp luật trong hoạt động thương mại điện tử.
Được biết, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương) cũng đang tham mưu lãnh đạo Bộ Công Thương trình Chính phủ ban hành Luật Thương mại điện tử nhằm quản lý tốt hơn trên môi trường thương mại điện tử và tăng cường kiểm tra xử lý vi phạm. Thời gian tới, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cũng sẽ xây dựng các cơ sở dữ liệu. Khi xây dựng Luật Thương mại điện tử cũng sẽ có nội dung yêu cầu các sàn thương mại điện tử phải báo cáo, nội dung này cục đã đưa vào dự thảo luật.
Để nâng cao hiệu quả trong việc đấu tranh chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, gian lận thương mại trong thời gian tới, nhất là vi phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử, đại diện nhiều cơ quan quản lý cho rằng phải ứng dụng được công nghệ số vào xử lý các vi phạm trên môi trường số.
Xử lý vi phạm hàng giả bằng ứng dụng công nghệ là một giải pháp
Sự tiện lợi, nhanh chóng và giá cả cạnh tranh là những lý do khiến thương mại điện tử ngày càng thu hút người tiêu dùng. Tuy nhiên, chính những ưu điểm này lại trở thành “mảnh đất màu mỡ” cho hàng giả, hàng nhái len lỏi phát triển. Việc các gian hàng có thể dễ dàng đăng tải sản phẩm, vận hành kinh doanh chỉ bằng vài cú nhấp chuột khiến cơ quan quản lý khó có thể kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ hay tính xác thực của hàng hóa.
Một trong những câu hỏi lớn hiện nay là: các sàn thương mại điện tử đóng vai trò gì trong việc để hàng giả tràn lan? Trên thực tế, nhiều sàn vẫn chỉ đóng vai trò là "nền tảng kết nối" giữa người bán và người mua, né tránh trách nhiệm pháp lý khi có tranh chấp phát sinh. Trong khi đó, người tiêu dùng lại không có đủ công cụ hoặc hiểu biết để phân biệt thật – giả, và thường chỉ phát hiện sự việc sau khi đã nhận hàng.
Để khắc phục tình trạng này, Luật Giao dịch điện tử sửa đổi, có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, và Nghị định số 85/2021/NĐ-CP đã quy định rõ hơn về trách nhiệm của các sàn thương mại điện tử trong việc kiểm tra, giám sát và xử lý các gian hàng vi phạm. Tuy nhiên, việc thực thi luật cần đi kèm với chế tài nghiêm khắc và cơ chế giám sát độc lập, minh bạch.
Theo các chuyên gia, một trong những ứng dụng đáng chú ý trong cuộc chiến chống hàng giả mà các nước trên thế giới đang áp dụng hiệu quả là sử dụng AI để phân tích dữ liệu mua bán hàng ngày. Hệ thống AI có thể rà soát hàng triệu giao dịch mua bán chỉ trong vài giây, tìm kiếm những dấu hiệu nghi ngờ về sản phẩm hoặc hành vi tiêu dùng.
Khi phát hiện ra những bất thường, hệ thống AI sẽ đưa ra cảnh báo, giúp các cơ quan chức năng can thiệp kịp thời. Hệ thống dữ liệu lớn cũng giúp theo dõi và phân tích xu hướng tiêu dùng của người dân. Thông qua việc kết nối với các cơ sở dữ liệu toàn quốc, các cơ quan chức năng có thể dễ dàng xác định các vùng có tỷ lệ tiêu thụ sản phẩm giả cao, từ đó triển khai các chiến dịch kiểm tra, giám sát chặt chẽ.
Bên cạnh đó, dữ liệu Blockchain là một công nghệ quan trọng khác trong việc ngăn chặn hàng giả. Blockchain cung cấp một hệ thống dữ liệu không thể sửa đổi và minh bạch, giúp theo dõi quá trình sản xuất, phân phối và tiêu thụ của mỗi sản phẩm.
Chỉ cần quét mã QR trên bao bì, người tiêu dùng có thể tra cứu ngay lập tức nguồn gốc sản phẩm, biết được thông tin về chất lượng và các tiêu chuẩn sản xuất mà sản phẩm này đã tuân thủ. Điều này không chỉ giúp tăng cường niềm tin của người tiêu dùng, mà còn ngăn chặn hành vi gian lận.
Quang Minh
Nguồn Công dân & Khuyến học : https://congdankhuyenhoc.vn/90-hang-gia-duoc-ban-online-quan-ly-the-nao-trong-ky-nguyen-so-179250717180341335.htm