Trao đổi với phóng viên Báo Cà Mau, ông Nguyễn Thế Phương, Phó Chánh án TAND tỉnh Cà Mau cho biết: “Chiến dịch này nằm trong lộ trình thực hiện Đề án 06 của Chính phủ, đồng thời nghiên cứu, đánh giá các giải pháp, lộ trình cắt giảm thủ tục hành chính, giấy tờ công dân. Trong đó, một trong những nhiệm vụ trọng tâm là đồng bộ, cập nhật thông tin tình trạng hôn nhân từ Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử với ;Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư số hóa, làm sạch dữ liệu thông tin ly hôn theo các bản án, quyết định của Tòa án. Qua đó cập nhật, hiển thị thông tin tình trạng hôn nhân của công dân trên ứng dụng định danh quốc gia, phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cắt giảm hồ sơ, đồng thời tiến tới cắt giảm thủ tục cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân.
Ông Nguyễn Thế Phương, Phó Chánh án Tòa án Nhân dân tỉnh Cà Mau.
TAND tỉnh Cà Mau đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các TAND cấp huyện, phân công một Phó Chánh án phụ trách trực tiếp cùng lãnh đạo Văn phòng theo dõi sát tiến độ. Sau đợt tập huấn phần mềm số hóa do TAND Tối cao tổ chức, các đơn vị đủ điều kiện để nhập và truyền tải dữ liệu.
Theo thống kê, từ năm 2010 đến nay, toàn tỉnh có 50.281 hồ sơ vụ việc cần nhập dữ liệu. Để đảm bảo tiến độ, thời gian qua, cán bộ, công chức các đơn vị phải tăng ca, làm ngoài giờ, kể cả ban đêm, khẩn trương, quyết liệt trên tinh thần không có ngày nghỉ, để đạt kết quả tốt nhất.
Tính đến 15 giờ ngày 23/6/2025, toàn tỉnh đã quét và số hóa các loại giấy tờ như bản án, quyết định ly hôn, CMND, giấy đăng ký kết hôn… đạt hơn 30%; trong đó, TAND tỉnh đạt trên 84%. Theo báo cáo từ các đơn vị, đến hết ngày 30/6, toàn bộ hồ sơ đã hoàn tất số hóa.
Số hồ sơ vụ việc cần thực hiện nhập dữ liệu (từ năm 2010 đến nay) là 50.281 vụ việc, đây là số lượng rất lớn.
- Việc triển khai chiến dịch lại trùng với thời điểm chuẩn bị hợp nhất 2 tỉnh. Vậy điều này đã gây ra những khó khăn gì, thưa ông?
Ông Nguyễn Thế Phương: Chiến dịch khởi động đúng vào lúc chuẩn bị hợp nhất đơn vị hành chính cấp tỉnh, chấm dứt hoạt động của các TAND cấp huyện để thành lập TAND khu vực. Các đơn vị phải vừa đảm bảo công việc chuyên môn thường lệ, vừa thống kê, báo cáo, xây dựng phương án bàn giao và sắp xếp tổ chức mới. Lượng công việc tăng vọt, tạo áp lực rất lớn. Ngoài ra, công tác bàn giao liên quan đến hồ sơ lưu trữ tại các tòa, đặc biệt là hồ sơ hôn nhân - gia đình, phải được phân loại, tách nhóm để nhập dữ liệu theo kế hoạch. Việc này gây ra không ít xáo trộn, ảnh hưởng tới tiến độ.
Một khó khăn khác là thiết bị phục vụ công tác scan không đủ. Mỗi đơn vị chỉ có một máy scan, nhiều người phải dùng điện thoại cá nhân để hỗ trợ công việc. Dữ liệu số lượng lớn (trên 50 ngàn vụ việc) gây quá tải về dung lượng lưu trữ. Một số hồ sơ cũ (từ năm 2010-2013) bị mờ, giấy đăng ký kết hôn không ghi số chứng minh nhân dân, khiến việc trích xuất và xác định thông tin gặp trở ngại rất nhiều.
Đặc biệt, TAND Tối cao chưa có văn bản hướng dẫn thống nhất về việc số hóa hồ sơ, khiến công việc phải điều chỉnh nhiều lần, ảnh hưởng đến tiến độ toàn chiến dịch.
Với phương châm không có ngày nghỉ, cán bộ phải làm việc cả ngày lẫn đêm.
- Với những khó khăn như vậy, liệu có khả năng hoàn thành đúng hạn không, thưa ông?
Ông Nguyễn Thế Phương: Dù gặp rất nhiều khó khăn, nhưng với sự chỉ đạo sát sao và tinh thần trách nhiệm cao của các đơn vị, chúng tôi quyết tâm hoàn thành trong tháng 7/2025, tức là trước thời hạn quy định (từ 31/5 đến 30/8/2025).
TAND Tối cao hiện đã tổ chức tập huấn sử dụng phần mềm quản lý, và các cán bộ tại Cà Mau đều đã được trang bị đầy đủ kiến thức, sẵn sàng cập nhật dữ liệu theo quy định. Chúng tôi tin tưởng rằng với sự đồng lòng và quyết tâm, TAND tỉnh Cà Mau sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa nền tư pháp.
Kim Cương thực hiện