"Chúng tôi sẽ giải cứu toàn bộ con tin và xóa sổ Hamas. Nhóm vũ trang sẽ không còn tồn tại", Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố hôm 2/7. "Chúng tôi sẽ hủy diệt họ đến tận gốc rễ".
Tuyên bố được Thủ tướng Netanyahu đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 1/7 thông báo Israel "đã đồng ý những điều kiện cần thiết để hoàn tất thỏa thuận ngừng bắn 60 ngày" tại Dải Gaza. Lãnh đạo Israel chưa bình luận về tuyên bố của Tổng thống Mỹ.
Ngoại trưởng Israel Gideon Saar trước đó xác nhận Tel Aviv đã đồng ý với đề xuất ngừng bắn do Steve Witkoff, đặc phái viên của Tổng thống Trump về Trung Đông, đưa ra.
"Chúng tôi thật sự nghiêm túc với mong muốn đạt được thỏa thuận trao đổi con tin và ngừng bắn", ông nói. "Mục tiêu của chúng tôi là bắt đầu đàm phán gián tiếp càng sớm càng tốt".
Nhóm vũ trang Hamas nói đang nghiên cứu các đề xuất mới nhất từ hai nước trung gian là Qatar và Ai Cập, thêm rằng mục tiêu của họ là "đạt được thỏa thuận giúp chấm dứt hành động gây hấn, khiến Israel rút quân khỏi Dải Gaza và giúp người dân tại đây nhận được hỗ trợ khẩn cấp".
Tổ chức Jihad Hồi giáo, đồng minh của Hamas tại Gaza, cũng tuyên bố ủng hộ đàm phán để tiến tới ngừng bắn, song yêu cầu có đảm bảo rằng Israel sẽ "không tiếp tục hành động gây hấn" sau khi các con tin được thả.
Chiến dịch trả đũa của Tel Aviv vào Dải Gaza - sau khi Hamas tung ra đòn tấn công vào Israel - đã khiến hơn 57.000 người thiệt mạng.
Thành viên cấp cao Hamas tiết lộ nhóm đã mất kiểm soát khoảng 80% Dải Gaza, tổ chức quân sự sụp đổ hoàn toàn và 95% lãnh đạo thiệt mạng.
"Thực tế là bộ máy an ninh của chúng tôi hầu như chẳng còn gì. Khoảng 95% lãnh đạo đã chết. Tất cả thành viên chủ chốt đều đã bị hạ", một thành viên cấp cao giấu tên của Hamas tiết lộ với BBC ngày 6/7.
Thành viên này còn mô tả tình trạng hiện nay của tổ chức này và bày tỏ bức xúc khi Israel liên tục từ chối thỏa thuận ngừng bắn và chấm dứt cuộc chiến tại Dải Gaza.
Người này được BBC mô tả là một "sĩ quan cấp cao" trong Hamas, mang cấp bậc trung tá và từng bị thương trong cuộc đột kích vào Israel hồi tháng 10/2023.
Ông thừa nhận nhóm đã mất kiểm soát khoảng 80% Dải Gaza, dẫn đến tình trạng các bộ lạc và nhóm vũ trang mới nổi cướp hàng viện trợ nhân đạo mà không có bất kỳ sự can thiệp nào từ lực lượng an ninh của Hamas.
"Kể từ khi lệnh ngừng bắn cuối cùng chấm dứt vào tháng 3, quân đội Israel đã giáng đòn vào những cấu trúc chỉ huy còn sót lại của Hamas, khiến toàn bộ máy rơi vào tình trạng rối loạn", ông mô tả.
Ông nói trụ sở cơ quan an ninh Hamas, tổ hợp Ansar ở phía tây Gaza City và từng là cơ quan đầu não của tổ chức này để điều hành Gaza trước cuộc chiến, đã bị người dân kéo đến cướp phá.
Thành viên Hamas mô tả thêm rằng hệ thống liên lạc nội bộ tổ chức không còn hoạt động, còn ông cũng không nhận thấy tổ chức của mình còn bất kỳ lãnh đạo hay chỉ huy nào ở Dải Gaza.
Các thành viên tổ chức bị chậm lương, và khi tiền được giải ngân thì ông cũng không thể dùng. "Một số thành viên Hamas đã thiệt mạng chỉ vì cố gắng đi nhận lương", ông nói.
Nguồn tin này nhận định cuộc chiến tại Dải Gaza đang dần đi đến hồi kết và mọi điều kiện hiện tại đều có lợi cho Tel Aviv.
Ông nhận định rằng sự ủng hộ quốc tế lẫn từ các nước Arab dành cho Dải Gaza đã suy giảm, trong khi cấu trúc xã hội ở vùng lãnh thổ này đã sụp đổ còn các băng nhóm tội phạm trỗi dậy công khai.
Israel hôm 28/5 tuyên bố đã hạ sát Mohammed Sinwar, thủ lĩnh của Hamas ở Dải Gaza.
Hiện chưa rõ ai là người lãnh đạo Hamas ở Gaza, sau khi loạt chỉ huy cấp cao hoặc thủ lĩnh như Mohammed Deif, Ismail Haniyeh và Yahya Sinwar bị Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) hạ sát hồi năm ngoái.
Việt Hùng
Theo Times of Israel, BBC, Reuters, AFP