Tiến sỹ Tôn Văn Bân, Giám đốc Trung tâm Biên niên sử Hong Kong. Ảnh: Xuân Vịnh/PV TTXVN tại Hong Kong
Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Hong Kong, Tiến sỹ Tôn Văn Bân, Giám đốc Trung tâm biên niên sử Hong Kong, cho biết có khá nhiều câu chuyện và sự kiện liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh trong quá trình hoạt động tại Hong Kong dưới tên gọi Tống Văn Sơ trong khoảng thời gian từ năm 1930-1933. Tuy nhiên, điều khiến bà ấn tượng sâu sắc nhất chính là việc Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sáng suốt lựa chọn thời gian và địa điểm để chủ trì hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản để thành lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 3/2/1930.
Theo Tiến sỹ Tôn Văn Bân, Chủ tịch Hồ Chí Minh khi đó với tư cách là đại điện của Quốc tế cộng sản đã đến Hong Kong để thực hiện nhiệm vụ hợp nhất ba tổ chức cộng sản trong nước của Việt Nam là Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản liên đoàn thành một chính đảng thống nhất. Tại đây, sau khi nghe các đồng chí của mình báo cáo, kết hợp trực tiếp nghiên cứu và tìm hiểu tình hình, Người đã quyết định lựa chọn một số địa điểm tại khu vực gần Tống Vương Đài (Sung Wong Toi) và đối diện với miếu Hầu Vương thuộc Bán đảo Cửu Long, Hong Kong, để tổ chức hội nghị thành lập đảng và thời gian sẽ là trong những ngày Tết Nguyên đán Canh Ngọ.
Vào những dịp lễ hoặc Tết Nguyên đán, người dân Hong Kong thông thường sẽ tập trung đến các cơ sở thờ tự để thắp hương cầu may hoặc tham quan và ngắm cảnh. Do vậy, trong bối cảnh nhộn nhịp tại miếu Hầu Vương và khu vực Tống Vương Đài, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí của mình đã tổ chức hội nghị hợp nhất, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam một cách bí mật, an toàn và thuận lợi. Đây chính là sự lựa chọn phù hợp và sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đánh giá về ý nghĩa của việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Hong Kong và Macau Lê Đức Hạnh cho rằng, đây là sự kiện có ý nghĩa lịch sử sâu sắc, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong phong trào cách mạng Việt Nam. Việc hợp nhất các tổ chức cộng sản thành Đảng Cộng sản Việt Nam đã tạo ra một lực lượng chính trị mạnh mẽ, đóng vai trò quan trọng trong việc lãnh đạo cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc khi đó, cũng như xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa sau này. Những năm tháng Chủ tịch Hồ Chí Minh hoạt động cách mạng tại Hong Kong là thời kỳ đầy gian khó, nhưng rất quan trọng trong chặng đường bôn ba tìm đường cứu nước của Người. Lúc này, Hong Kong là thuộc địa của Anh và được biết đến như là nơi hoạt động bí mật của nhiều nhà hoạt động cách mạng, nhà hoạt động dân chủ của các nước tại khu vực và trên thế giới, trong đó có lãnh tụ tiên phong cho phong trào cách mạng dân chủ của Trung Quốc Tôn Trung Sơn, anh hùng dân tộc của Philippines José Rizal và Chủ tịch Hồ Chí Minh của chúng ta.
Tổng Lãnh sự Lê Đức Hạnh nhấn mạnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh khi đó đã sống và làm việc tại nhiều địa điểm khác nhau tại Hong Kong, trong đó có số nhà 186 đường Tam Kung, nơi được coi là trụ sở bí mật để gặp gỡ và liên lạc giữa Người với các đồng chí khác. Đây cũng cũng chính là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bị chính quyền thực dân Anh bắt vào ngày 6/6/1931, sau đó đưa đến giam giữ tại Nhà tù Victoria (Trung tâm Văn hóa và Nghệ thuật Tai Kwun hiện nay). Di sản Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại không chỉ là những di tích vật chất mà còn là những giá trị tinh thần vô giá, tạo nên sự kết nối tốt đẹp giữa hai bên từ trước đến nay và mãi về sau. Tại Nhà tù Victoria hiện vẫn lưu giữ hình ảnh của Tống Văn Sơ, người chiến sỹ cộng sản dũng cảm, kiên cường, sau này đã trở thành Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Qua đó, người dân Hong Kong biết đến Việt Nam như một đất nước giàu bản sắc lịch sử và văn hóa. Không những vậy, những địa danh lịch sử gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Người tại Hong Kong cũng đang và sẽ trở thành những điểm tham quan hấp dẫn cho du khách Việt Nam và các nước mỗi khi đặt chân đến đây.
Trong thời gian dự Hội nghị Cấp cao “Vành đai và Con đường” tại Hong Kong diễn ra đầu tháng 9/2024 vừa qua, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình và đoàn đại biểu Việt Nam cũng đã tới thăm di tích Nhà tù Victoria, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh từng bị giam giữ vào đầu những năm 1930 với tên gọi Tống Văn Sơ. Phó Thủ tướng đã có ấn tượng sâu sắc về những di sản, giá trị văn hóa mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại, đồng thời mong muốn nơi đây sẽ tiếp tục là địa chỉ có ý nghĩa để người dân Hong Kong cùng du khách các nước hiểu biết hơn về Chủ tịch Hồ Chí Minh và Việt Nam.
Hội nghị hợp nhất các tổ chức Cộng sản để thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam tại Hong Kong năm 1930 là một mốc son chói lọi trong lịch sử của cách mạng Việt Nam. Sự kiện này không chỉ tạo ra bước ngoặt vô cùng quan trọng, quyết định sự phát triển của dân tộc và chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối và tổ chức lãnh đạo phong trào yêu nước của Việt Nam trong những năm đầu thế kỷ 20, đồng thời cũng khẳng định vai trò và công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Với sự kết hợp sáng tạo giữa giữa Chủ nghĩa Mác - Lênin, phong trào công nhân và phong trào yêu nước tại Việt Nam, Đảng đã nhận được sự ủng hộ to lớn của phong trào tiến bộ và nhân dân thế giới, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, làm nên những chiến thắng vẻ vang, hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, vững bước đi lên trên con đường xã hội chủ nghĩa và sẵn sàng chinh phục những mục tiêu trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Mạc Luyện - Xuân Vịnh (TTXVN)