Chuyên gia nghiên cứu về Việt Nam Lăng Đức Quyền. (Ảnh: Quang Hưng/TTXVN)
Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh nhân kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, chuyên gia nghiên cứu về Việt Nam Lăng Đức Quyền cho biết ngày 3/2 hằng năm là ngày toàn Đảng, toàn dân Việt Nam long trọng kỷ niệm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Cách đây 95 năm, vào ngày 3/2/1930, Chủ tịch Hồ Chí Minh (thời điểm đó mang tên Nguyễn Ái Quốc) được Quốc tế Cộng sản giao nhiệm vụ triệu tập một cuộc họp tại Cửu Long, Hong Kong (Trung Quốc), để thống nhất ba tổ chức Cộng sản ở miền Bắc, miền Trung và miền Nam Việt Nam thành một Đảng Cộng sản Việt Nam thống nhất. Đây là sự kiện mang tính bước ngoặt trong lịch sử Việt Nam.
Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và lãnh đạo đã trải qua bao gian khổ, hy sinh to lớn và đã tìm ra con đường đúng đắn để cứu nước, cứu dân thoát khỏi bao hiểm nguy, khổ cực. Cuối cùng đã giành được thắng lợi bằng cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945, tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Lịch sử đã chứng minh, Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng tổ chức và lãnh đạo phong trào giải phóng dân tộc, giành độc lập dân tộc của Việt Nam. Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập năm 1930 đến khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời năm 1945, đây là giai đoạn quan trọng trong lịch sử Việt Nam. Nếu không có sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam, sẽ không có đất nước Việt Nam năng động và phát triển nhanh chóng như ngày nay.
Đánh giá về những hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian ở Quảng Châu (Trung Quốc) có ý nghĩa như thế nào đối với sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Lăng Đức Quyền cho biết vào những năm 1920, phong trào cách mạng dâng cao ở Quảng Châu đã thu hút nhiều chiến sỹ cách mạng Việt Nam đến Quảng Châu hoạt động.
Quảng Châu trở thành căn cứ hải ngoại quan trọng của những người hoạt động cách mạng Việt Nam vào thời điểm đó. Từ tháng 11/1924-5/1927, Chủ tịch Hồ Chí Minh (Nguyễn Ái Quốc) đã tiến hành nhiều hoạt động cách mạng ở Quảng Châu.
Với sự giúp đỡ của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Người đã thành lập Hội Thanh niên Cách mạng Việt Nam tại Quảng Châu và tổ chức khóa đào tạo Chính trị cho Thanh niên Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người thầy chính của Lớp bồi dưỡng chính trị thanh niên Việt Nam. Những nhà lãnh đạo đầu tiên quan trọng của Đảng Cộng sản Trung Quốc như Chu Ân Lai, Lưu Thiếu Kỳ và Trần Diên Niên… đã được mời đến để giảng bài tại đây.
Hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Quảng Châu có ý nghĩa lịch sử to lớn, truyền bá ngọn lửa cách mạng của chủ nghĩa Marx–Lenin, chuẩn bị quan trọng về chính trị, tư tưởng, tổ chức và cán bộ cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930, đào tạo một nhóm cán bộ những nhà cách mạng tiêu biểu của Việt Nam. Đồng thời, lực lượng các nhà hoạt động cách mạng Việt Nam do đồng chí Hồ Chí Minh đại diện và Đảng Cộng sản Trung Quốc đã hình thành nên tình hữu nghị sâu sắc, cùng chia sẻ đau thương và cùng đoàn kết chiến đấu.
(Ảnh: Nguyễn Trọng Lịch/TTXVN)
Về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cũng như nhân tố quan trọng nào giúp Đảng Cộng sản Việt Nam luôn giữ được vai trò lãnh đạo cách mạng, chuyên gia Lăng Đức Quyền cho biết từ năm 1945-1975, nhân dân Việt Nam đã tiến hành hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ gian khổ và anh dũng, giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, trở thành tấm gương điển hình cho các dân tộc bị xâm lược và áp bức trên thế giới về “một nước nhỏ đánh bại một nước lớn, một nước yếu chiến thắng một nước mạnh.”
Thắng lợi hoàn toàn của Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ trước hết là nhờ sự lãnh đạo đúng đắn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam, nhờ ý chí kiên cường và tinh thần hy sinh quên mình của Quân đội và nhân dân Việt Nam trong giai đoạn quyết chiến quyết thắng. Nếu không có sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam, nếu không có những trận chiến đẫm máu của quân và dân Việt Nam, thì thắng lợi của hai cuộc chiến tranh này sẽ là điều không thể tưởng tượng được, và nền độc lập, chủ quyền và thống nhất của Việt Nam cũng sẽ là điều không thể tưởng tượng được.
Yếu tố quan trọng nhất để Đảng Cộng sản Việt Nam giữ vững vai trò lãnh đạo cách mạng là luôn kiên định lý tưởng và mục tiêu của Đảng, luôn dựa vào nhân dân, hết lòng phục vụ nhân dân, phấn đấu vì hạnh phúc của nhân dân. Sự thống nhất cao độ giữa ý chí của “ý Đảng lòng dân” chính là “vũ khí thần kỳ” đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản.
Ông Lăng Đức Quyền khẳng định từ năm 1975, Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới của công cuộc thống nhất đất nước và đổi mới. Trong năm thập kỷ qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn trong công cuộc xây dựng và đổi mới xã hội chủ nghĩa. Việt Nam đã chuyển mình từ một đất nước nghèo đói, bị chiến tranh tàn phá và kém phát triển thành một nước đang phát triển có thu nhập trung bình.
Quy mô kinh tế năm 2023 gấp 96 lần năm 1986, lọt vào Top 40 nền kinh tế thế giới và Top 20 về thương mại và thu hút đầu tư nước ngoài. Đời sống của hơn 100 triệu người dân Việt Nam được cải thiện đáng kể, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể; hoàn thành một số Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc trước thời hạn.
Năm 2025 là năm cực kỳ quan trọng đối với công cuộc cải cách của Việt Nam. Bắt đầu từ Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XIV, Việt Nam sẽ mở ra một kỷ nguyên mới- kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Tầm nhìn của kỷ nguyên mới là đạt được các mục tiêu chiến lược của “Hai mục tiêu 100 năm”: Đến năm 2030 (100 năm thành lập Đảng), Việt Nam trở thành nước đang phát triển có nền công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 (100 năm thành lập nước) trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa có thu nhập cao.
Hiện nay, tình hình quốc tế đang phức tạp và thay đổi. Việt Nam, giống như nhiều quốc gia khác, đang đứng trước những cơ hội lịch sử mới cũng như nhiều khó khăn, thách thức. Yếu tố quyết định trong việc hiện thực hóa đại kế hoạch phát triển đất nước là tăng cường sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, đoàn kết và lãnh đạo nhân dân Việt Nam tiếp tục tiến lên theo con đường và mục tiêu mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra.
Trong cuộc điện đàm gần đây với Tổng Bí thư Tô Lâm, Tổng Bí thư Tập Cận Bình bày tỏ tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam do đồng chí Tô Lâm đứng đầu, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam sẽ vững bước tiến tới và tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV; kiên định hướng tới thực hiện “Hai mục tiêu 100 năm” của mình./.
(TTXVN/Vietnam+)