Á khoa toàn quốc khối C00 ước mơ làm cô giáo

Á khoa toàn quốc khối C00 ước mơ làm cô giáo
13 giờ trướcBài gốc
Lang Thị Nguyệt Nhi (học sinh lớp 12A5, Trường PTTH DTNT tỉnh Nghệ An).
Từ bản làng heo hút đến Á khoa toàn quốc
Cùng với hành trang chỉ vỏn vẹn vài cuốn sách, Lang Thị Nguyệt Nhi (học sinh lớp 12A5, Trường PTTH DTNT tỉnh Nghệ An) cô học trò người dân tộc Thái đến từ bản Mường Cạ, xã Thông Thụ (tỉnh Nghệ An) đã khiến bao người xúc động khi xuất sắc trở thành Á khoa khối C00 toàn quốc kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025. Nữ sinh ghi dấu ấn với tổng điểm 29.5, trong đó có hai điểm 10 tuyệt đối môn Lịch sử và Địa lý.
Nguyệt Nhi chia sẻ khi biết điểm thi, em vô cùng bất ngờ và đã lập tức nhắn tin nhờ bạn kiểm tra lại, bởi chưa từng nghĩ mình có thể đạt thành tích cao đến vậy. Chỉ khi chắc chắn, em mới gọi mẹ vào phòng để cùng chia sẻ niềm vui.
“Lúc đó, em và mẹ ôm chầm lấy nhau rồi bật khóc. Em rất vui vì giọt nước mắt ấy không phải rơi bởi sự nuối tiếc, mà khóc vì hạnh phúc, vì bao tháng ngày vất vả đã được đền đáp bằng trái ngọt”, Nhi xúc động kể lại.
Niềm vui ấy không chỉ dừng lại trong căn nhà nhỏ mà còn lan rộng khắp bản Mường Cạ. Bạn bè, thầy cô và bà con trong bản ai nấy đều xúc động và tự hào khi biết tin cô học trò người Thái đã làm nên kỳ tích.
Nguyệt Nhi mong muốn trở thành cô giáo.
Sinh ra trong một gia đình thuần nông, bố mẹ quanh năm làm nương rẫy, Nguyệt Nhi sớm cảm nhận được nỗi nhọc nhằn của cha mẹ khi lo hai chị em ăn học. Thấu hiểu hoàn cảnh gia đình, em không đi học thêm, cũng không đăng ký bất kỳ khóa học online nào. Thay vào đó, em tập trung bài giảng trên lớp và tự ôn luyện thêm.
“Vì thương bố mẹ vất vả nên em không đăng ký học thêm hay học online. Em chỉ học trên lớp với thầy cô rồi tự ôn luyện là chính”, Nhi chia sẻ.
Với em, mỗi trang sách là một cơ hội, mỗi giờ học là một bước tiến gần hơn đến giấc mơ thay đổi cuộc đời. Ý thức được hoàn cảnh của mình, Nhi luôn cố gắng tận dụng mọi khoảng thời gian trong ngày để học tập. Em bám sát lịch học ở trường, tranh thủ làm đề và tìm dẫn chứng hay trên mạng xã hội. Ngoài ra, em cũng chủ động trao đổi với bạn bè và nhờ thầy cô hỗ trợ khi gặp chỗ chưa hiểu.
Chia sẻ về phương pháp học, Nguyệt Nhi cho biết, với môn Lịch sử - môn đạt điểm tuyệt đối, em từng tham gia đội tuyển học sinh giỏi tỉnh nên đã có nền tảng vững chắc. Trong quá trình ôn thi, em tập trung hệ thống lại kiến thức còn hổng và luyện đề để làm quen với nhiều dạng câu hỏi.
Với môn Địa lí, em chăm luyện đề, nghe cô chữa bài rồi về rà lại kỹ những phần sai. Em cũng thường xuyên xem bản đồ và atlat để rèn kỹ năng phân tích trực quan.
Môn khiến em cảm thấy lo lắng nhất là Ngữ văn. Dù từng tham gia đội tuyển Văn từ cấp 2, nhưng em tự ti vì nét chữ của mình hơi xấu, sợ rằng giáo viên chấm bài sẽ khó đọc hết những gì em viết, dẫn đến mất điểm đáng tiếc.
Lang Thị Nguyệt Nhi ở giữa.
“Để khắc phục, em cố gắng trình bày cẩn thận, luyện đề thường xuyên và chú ý nghe cô chữa bài để rút kinh nghiệm. Em cũng tích cực tìm thêm dẫn chứng từ mạng xã hội, các bản tin thời sự để bài viết thêm sinh động, sát với thực tế hơn”, Nguyệt Nhi nói thêm.
Trong phòng thi, Nhi luôn cẩn trọng từng bước: đọc kỹ đề, gạch chân từ khóa, làm xong lượt một sẽ quay lại kiểm tra những câu còn phân vân. Sau khi tô xong đáp án, em còn dò lại một lần cuối để chắc chắn không bị tô nhầm.
Ước mơ về bản gieo chữ
Sau thành tích Á khoa toàn quốc khối C00, Lang Thị Nguyệt Nhi tiếp tục khiến nhiều người khâm phục bởi một ước mơ bình dị mà đầy cao đẹp: được trở về quê hương để gieo mầm tri thức cho những thế hệ sau.
Với Nguyệt Nhi, học không chỉ để đổi thay cuộc đời mình, mà còn để mang tri thức về bản làng nơi em sinh ra.
“Nguyện vọng 1 của em là khoa Lịch sử, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Khi tốt nghiệp, em mong muốn quay về bản làng để truyền lại những gì mình đã học, góp phần phát triển giáo dục ở quê hương”, nữ sinh niềm nở chia sẻ.
Chính ước mơ trở ấy đã giúp Nhi sớm định hình con đường học tập và em lựa chọn gắn bó với mảnh đất đã nuôi dưỡng mình khôn lớn. Với Nhi, được đi học là một may mắn, nhưng điều ý nghĩa hơn cả là có thể quay về, mang con chữ mình học được truyền lại cho thế hệ sau.
Để chạm tay đến ước mơ, cô học trò người Thái bắt đầu từ niềm đam mê với môn học Lịch sử. Từ đó, em nuôi dưỡng khát khao trở thành giáo viên để truyền cảm hứng cho những thế hệ học trò nơi miền núi xa xôi. Chính tình yêu với nghề dạy học đã giúp em vững vàng vượt qua mọi áp lực trong suốt hành trình ôn luyện.
Động lực giúp Nhi bền bỉ theo đuổi ước mơ không chỉ đến từ khát khao học tập, mà còn được bồi đắp từ những người luôn lặng lẽ ở bên.
Nữ sinh trải lòng: “Khoảng thời gian em cảm thấy áp lực nhất, bố mẹ, thầy cô và bạn bè luôn ở bên động viên em. Chính sự quan tâm, sẻ chia ấy đã tiếp thêm cho em niềm tin và sức mạnh để không ngừng cố gắng”.
Trong những năm học THPT, kỷ niệm đáng nhớ nhất với Nhi là lần tham dự kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử. Tưởng mình làm sai phần trắc nghiệm, em đã bật khóc trên đường về. Thế nhưng, nhờ những lời động viên từ thầy cô, bạn bè và gia đình, Nhi dần lấy lại tinh thần. Vài tuần sau, khi biết mình giành giải Ba toàn tỉnh, em lại bật khóc nhưng lần này là những giọt nước mắt vỡ òa trong niềm hạnh phúc.
“Những lúc như vậy, em hiểu rằng nước mắt không chỉ rơi khi ta buồn mà còn là khi nỗ lực được ghi nhận. Đó là cảm giác em sẽ không bao giờ quên”, Nhi chia sẻ.
Cô Trần Thị Thảo, giáo viên môn Ngữ văn, Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Nghệ An chia sẻ: "Nguyệt Nhi thông minh, nhanh nhẹn, tiếp thu bài nhanh và rất chăm học. Đặc biệt, em giỏi công nghệ thông tin, có khả năng thuyết trình tốt, mạnh dạn. Gia đình hộ nghèo nhưng em luôn vượt khó, quyết tâm học tốt để thoát nghèo và rất tự tin, tự hào về dân tộc mình".
Liêm Anh - Phùng Ánh
Nguồn GD&TĐ : https://giaoducthoidai.vn/a-khoa-toan-quoc-khoi-c00-uoc-mo-lam-co-giao-post740151.html