Ngày 9/5, Thái tử Ả-rập Xê-út Saudi Mohammed bin Salman nhấn mạnh rằng Riyadh sẽ không chấp thuận bình thường hóa quan hệ với Israel cho đến khi cuộc xung đột ở Dải Gaza kết thúc và xác định được lộ trình thành lập Nhà nước Palestine.
Thái tử Ả-rập Xê-út Mohammed bin Salman tại một hội nghị ở Riyadh. Ảnh: THX/TTXVN
Đây là lời tái khẳng định của Thái tử Salman với tân Phó Chủ tịch Ủy ban điều hành Tổ chức Giải phóng Palestine, ông Hussein al-Sheikh.
Trong khi đó, báo Times of Israel đưa tin, các quan chức Palestine xác nhận Ả-rập Xê-út sẽ nối lại viện trợ tài chính cho Chính quyền Palestine và công bố quyết định này tại Hội nghị thượng đỉnh thường niên của các nhà lãnh đạo Ả-rập được tổ chức vào cuối tháng này tại Baghdad, Iraq.
Trước đó, truyền thông Israel cũng đưa tin Ả-rập Xê-út đã yêu cầu rằng trong chuyến thăm khu vực tuần tới, Tổng thống Mỹ Donald Trump không được đưa ra bất kỳ thông báo bất ngờ nào có thể gây khó xử cho Riyadh.
Giới chức Ả-rập Xê-út lo ngại nhà lãnh đạo Mỹ có thể đưa ra tuyên bố về việc bình thường hóa quan hệ giữa Riyadh và Tel Aviv, hành động mà Ả-rập Xê-út đã nhiều lần khẳng định sẽ không được thực hiện nếu xung đột ở Dải Gaza chưa kết thúc và chưa có triển vọng chính trị thành lập Nhà nước Palestine.
Theo tờ Jerusalem Post, ngay sau khi xuất hiện các thông tin cho rằng Tổng thống Trump không còn yêu cầu Ả-rập Xê-út bình thường hóa quan hệ với Israel như một điều kiện để khởi động tiến trình đàm phán hợp tác hạt nhân dân sự giữa Washington và Riyadh, ngày 9/5, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth đã hủy chuyến thăm Israel được lên lịch vào tuần tới, trước chuyến thăm của Tổng thống Donald Trump tới Trung Đông dự kiến diễn ra từ 13-15/5.
Mặc dù vậy, ông Hegseth vẫn sẽ tháp tùng Tổng thống Trump tới Ả-rập Xê-út, Qatar và Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE).
Trong khi đó, báo Times of Israel ngày 10/5 dẫn lời một quan chức cấp cao am hiểu vấn đề cho biết Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) đã từ chối đề nghị của Israel về việc tài trợ cho một sáng kiến mới nhằm nối lại việc phân phối viện trợ nhân đạo vào Dải Gaza sau hơn 2 tháng bị phong tỏa.
Động thái này là đòn giáng mạnh vào sáng kiến vốn chưa kịp triển khai đầy đủ, khi Israel kỳ vọng sự hậu thuẫn từ UAE sẽ giúp thuyết phục các quốc gia và tổ chức quốc tế khác cùng tham gia.
Nguồn tin trên cho biết các quan chức Israel đóng vai trò tích cực trong việc thành lập Quỹ Nhân đạo Gaza (GHF), với mục tiêu điều phối viện trợ vào Gaza theo cách tránh để Hamas chiếm đoạt.
Tuy nhiên, một bản ghi nhớ do GHF gửi các nhà tài trợ tiềm năng cho biết, trong giai đoạn đầu chưa xác định rõ thời gian, các Địa điểm Phân phối An toàn (SDS) do GHF thành lập để phân phát viện trợ ban đầu sẽ chỉ có thể hỗ trợ phần nào cho khoảng 60% dân số Gaza (tương đương khoảng 1,2 triệu người).
Bản ghi nhớ thừa nhận rằng dân thường ở Gaza đang "chịu đựng sự thiếu thốn cùng cực”. Khoảng 4 SDS mới có khả năng hỗ trợ cho toàn bộ 2 triệu dân sinh sống tại đây.
Trước đó trong tuần, LHQ và nhiều tổ chức quốc tế đã ra tuyên bố từ chối hợp tác với sáng kiến do Israel đưa ra, cho rằng kế hoạch này không giải quyết đầy đủ cuộc khủng hoảng nhân đạo và có nguy cơ biến viện trợ thành công cụ chính trị.
Thiếu tướng Ghassan Alian, người đứng đầu Cơ quan Điều phối Hoạt động của Chính phủ Israel tại các vùng lãnh thổ (COGAT), cùng trợ lý của Bộ trưởng Các vấn đề Chiến lược Ron Dermer - bà Moran Stav, đã đến UAE hôm 8/5 để gặp Bộ trưởng Hợp tác quốc tế Reem Al Hashimy, nhằm vận động sự ủng hộ từ phía Abu Dhabi.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Hashimy đã nói rõ rằng UAE không thể tài trợ cho sáng kiến này trong tình trạng hiện tại, vì chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu nhân đạo cấp thiết tại Gaza. Dù vậy, bà nhấn mạnh lập trường của Abu Dhabi có thể thay đổi nếu kế hoạch được điều chỉnh phù hợp hơn với tình hình.
Một nhà ngoại giao phương Tây tiết lộ rằng GHF dự kiến công bố sáng kiến trong tuần này, song việc thiếu sự ủng hộ quốc tế dường như đã khiến quá trình công bố bị trì hoãn. Thay vào đó, các nhà tổ chức chỉ mở một buổi họp báo vào ngày 9/5 với sự tham gia của Đại sứ Mỹ tại Israel Mike Huckabee.
Quan chức Mỹ xác nhận hệ thống phân phối viện trợ nhân đạo mới cho Gaza thông qua các công ty tư nhân đã được khởi động và kêu gọi cộng đồng quốc tế ủng hộ sáng kiến. Ông mô tả hệ thống này là một nỗ lực nhằm ngăn Hamas kiểm soát viện trợ nhân đạo ở Gaza.
Đại sứ Huckabee cho biết thêm rằng Israel sẽ không tham gia vào việc vận chuyển vào hoặc phân phát thực phẩm cho Dải Gaza theo kế hoạch do Mỹ đứng đầu nhưng sẽ vẫn đóng vai trò gìn giữ an ninh khu vực. Theo đó, lực lượng Israel sẽ đảm bảo an ninh ở khoảng cách xa điểm phân phối, trong khi các nhà thầu khác chịu trách nhiệm tại các điểm phân phối.
Ông Huckabee bày tỏ hy vọng có thể sớm triển khai kế hoạch, đồng thời cho biết có một số đối tác đã đồng ý tham gia vào nỗ lực này.
Trong phản ứng ngay sau tuyên bố trên, Hamas đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc của Đại sứ Huckabee về việc phong trào này kiểm soát viện trợ nhân đạo ở Gaza; cho rằng phát ngôn của phía Mỹ "trái ngược với thực tế" và là "sự lặp lại những lời nói sai lệch của Israel” mà tất cả các tổ chức và cơ quan của LHQ hoạt động tại Gaza đã chỉ ra.
Israel đã áp đặt lệnh phong tỏa viện trợ vào Gaza kể từ ngày 2/3 năm nay trong bối cảnh bế tắc trong các cuộc đàm phán với Hamas và nối lại tấn công quân sự vào dải đất hẹp ven Địa Trung Hải này hôm 18/3, chấm dứt lệnh ngừng bắn kéo dài 2 tháng giữa 2 bên trong cuộc xung đột nổ ra kể từ tháng 10/2023 sau khi Hamas đột kích Israel gây nhiều thương vong và bắt giữ hàng trăm con tin.
Trong diễn biến khác, ngày 9/5, một ủy ban của LHQ cảnh báo nguy cơ làn sóng di dời quy mô lớn đối với người Palestine, gợi lại ký ức về Nakba - thảm họa năm 1948 khi hàng trăm nghìn người Palestine bị trục xuất khỏi quê hương trong bối cảnh thành lập Nhà nước Israel.
Trong báo cáo được công bố sau chuyến công tác thường niên tại Amman (Jordan), Ủy ban đặc biệt của LHQ điều tra các hành vi ảnh hưởng tới quyền con người của người Palestine đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình hiện nay tại khu vực, cho rằng thế giới “rất có thể đang chứng kiến một Nakba thứ 2".
Theo báo cáo, những diễn biến hiện nay có thể dẫn đến một kịch bản tương tự, với nguy cơ di dời quy mô lớn và hệ lụy nhân đạo nghiêm trọng.
Ủy ban đặc biệt của LHQ được Đại hội đồng thành lập năm 1968, hiện gồm đại diện của Sri Lanka, Malaysia và Senegal tại trụ sở LHQ ở New York.
H.N (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)