Abdulla Mursalov - nhà tình báo bị bỏ quên chiến công

Abdulla Mursalov - nhà tình báo bị bỏ quên chiến công
4 giờ trướcBài gốc
Từng quen biết Stalin. Sau chiến tranh, Mursatov trở thành nhà ngôn ngữ kiêm nhà sử học. Ông đã sống một cuộc đời phong phú và thú vị. tuy nhiên, khi về già, ông phải đối mặt với sự thờ ơ của chính quyền.
Trường đào tạo tình báo
Nhà tình báo tương lai Abdulla Mursalov sinh năm 1926 tại làng Akhty, quận Samursky, Cộng hòa Dagestan. Bố ông, Magomed-bek Mursalov, là đảng viên Bolshevik kỳ cựu ở Dagestan, từng tham gia cuộc Nội chiến, năm 1926, ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương của Cộng hòa XHCN Xôviết Tự trị Dagestan.
Abdulla Mursatov.
Thế chiến thứ hai ập đến như tiếng sét giữa trời quang, buộc cậu học sinh lớp tám phải tạm gác việc học hành vô thời hạn. Giống như nhiều bạn bè cùng trang lứa, Abdulla tình nguyện ra mặt trận. Nhưng chàng trai 15 tuổi bị gửi về nhà để lớn thêm chút nữa. Cậu phải tham gia các khóa huấn luyện quân sự, nơi người ta dạy lăn lê bò toài, ngụy trang, bắn súng và đơn giản là sống sót. Năm 1943, Abdulla ra mặt trận. Ban đầu là Mặt trận Ukraine thứ 2, sau đó là Mặt trận Ukraine thứ 3.
Người lính trẻ chưa từng xông pha trận mạc, nay phải bắn giết hàng ngày, tâm lý thật nặng nề, nhưng cần phải sống sót bằng mọi giá. Tiếp theo, trong cuộc đời Abdulla xảy ra một bước ngoặt hoàn toàn bất ngờ. Ông được vào học Trường đào tạo tình báo. Một lần, tham mưu trưởng Nikolay Biryukov về đơn vị tuyển chọn những người có trình độ trung học và biết ngoại ngữ. Và Abdulla đã có chút mưu mẹo. Ở trường phổ thông, ông học rất giỏi, nhưng trình độ tiếng Đức (theo chương trình) của ông còn xa mới hoàn hảo. Mặc dù vậy, Abdulla vẫn bước ra khỏi hàng quân khi được hỏi. Cuối cùng, ông cũng phải kiểm tra ngoại ngữ, nhưng đã vượt qua. Nhóm của Abdulla được gửi đến Trường đào tạo tình báo ở Moskva, nơi có chương trình huấn luyện nghiêm ngặt.
Học viên học võ sambo, judo, vật tự do, nhảy dù, bắn súng, chạy đường trường với những cự ly khác nhau. Đối với một nhân viên tình báo, rèn luyện thể chất là vấn đề hết sức quan trọng. Ở đây người ta cũng dạy ngoại ngữ. Abdulla Mursalov không chỉ hoàn thiện môn tiếng Đức của mình mà còn học thêm tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha. Ngoài ra, ông còn được dạy những kỹ năng hoạt động tình báo.
Khi học tại Trường tình báo, Abdulla Mursalov tham gia đội bảo vệ Lãnh tụ Josept Stalin. Sau này, trong hồi ức của mình, nhà tình báo nhớ lại rằng Joseph Stalin đối xử với họ như người thân trong gia đình. Lúc bấy giờ, ông có cảm giác đang bảo vệ một người ruột thịt chứ không phải một Tổng tư lệnh Tối cao. Còn phía trước, Abdulla Mursalov sẽ phải đối mặt với hoạt động bí mật đầy nguy hiểm.
Nikolay Biryukov.
Bắt đầu hoạt động bí mật
Sau khi tốt nghiệp Trường tình báo Moscow, Abdulla Mursalov được cử về một đơn vị đặc nhiệm. Nhiệm vụ rất đa dạng, nhưng tất cả đều được giữ bí mật. Chiến dịch đầu tiên diễn ra trên lãnh thổ Đức Quốc xã. Những người lính Xôviết mặc quân phục Đức nhảy dù xuống hậu phương địch, sau đó thâm nhập vào các sân bay. Kế hoạch như sau: tiến lại gần bọn lính gác, chào hỏi bằng tiếng Đức. Tiếp theo, áp một miếng vải tẩm dung dịch đặc biệt vào mặt khiến chúng bất tỉnh hoặc giết chết, rồi giấu xác. Đồng thời, cài chất nổ trên máy bay. Một thời gian dài, Đức Quốc xã không thể hiểu tại sao máy bay của chúng lại thường phát nổ trên không. Bằng cách đó, đơn vị của Abdulla Mursatov đã phá hủy 30 máy bay của bọn phát xít.
Sau đó, một nhóm gồm 100 nhân viên tình báo được bí mật tung vào các nước Balkan. Mục tiêu của chiến dịch này là tìm kiếm địa điểm các nhà máy quốc phòng, nơi Đức Quốc xã sản xuất vũ khí hủy diệt hàng loạt. Đồng thời, cần phải xác định các tuyến đường vận chuyển vũ khí đến các kho bí mật. Rõ ràng là các điệp viên phải đối mặt với rất nhiều hiểm nguy. Nhưng thông tin này cần thiết cho đất nước. Suốt đời Abdulla Mursatov nhớ mãi cuộc gặp gỡ với Stalin. Không ai ngờ rằng Tổng tư lệnh Tối cao lại trò chuyện với họ như con cái trong nhà. Điều đó đã truyền cảm hứng mạnh mẽ. Và không ai cảm thấy sợ hãi nữa.
Một trường hợp thú vị đã xảy ra khi bọn lính đặc nhiệm Đức đánh lừa các điệp viên Liên Xô. Chúng cải trang thành những cô gái mại dâm và bắt đầu dụ dỗ họ vào các đường hầm để tiêu diệt. Nhưng các chiến sĩ Xôviết không mắc bẫy. Họ chỉ cười. Sau đó, diễn ra trận đánh giáp lá cà và các chiến sĩ Xôviết đã chiến thắng. Abdulla Mursalov cũng thực hiện các nhiệm vụ tình báo trên lãnh thổ Belarus. Những tọa độ chính xác của ông về vị trí đóng quân của địch có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
Abdulla Mursatov và các đồng đội của mình.
Nhiệm vụ sau chiến tranh
Hoạt động tình báo của Abdulla Mursalov không chỉ diễn ra trong thời kỳ cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, mà còn kéo dài nhiều năm sau khi chiến tranh kết thúc, đến năm 1951. Công việc đã đưa nhà tình báo đến nhiều nơi trên thế giới: Ba Lan, Pháp, Chile, Úc, Nam Mỹ và các quốc gia khác. Sau chiến tranh, bọn phát xít và những kẻ phản bội đã tản mác khắp nơi. Kẻ thù phải chịu trách nhiệm về những tội ác chúng gây ra đối với các dân tộc châu Âu.
Khi Reichstag bị chiếm, một số tướng lĩnh Đức đã kịp chạy trốn cùng với các tài liệu quan trọng. Biết chúng đang ở Nam Mỹ. Abdulla Mursalov cùng 10 điệp viên đã lên đường đến đó qua Đại Tây Dương, ban đầu trên một chiếc thuyền buồm, sau đó trên tàu ngầm.
Việc tìm kiếm đám tướng lĩnh đào tẩu không dễ dàng. Các điệp viên Liên Xô đã rà soát khu vực trong một thời gian dài. Cuối cùng, họ tìm thấy một dinh thự nơi quân Đức lập căn cứ. Ngôi nhà được bảo vệ cẩn mật ngay từ lối vào; khắp nơi có lính cầm vũ khí đứng gác. Các điệp viên đã tìm được một vị trí quan sát lý tưởng. Buổi sáng hôm đó, một số lính Đức đi đâu đấy, chỉ còn vài tên ở nhà. Trời nóng nực, chúng thường ra tắm tại bể bơi trong sân để giải nhiệt. Đúng lúc đó, các điệp viên đã lẻn vào ngôi nhà, họ dễ dàng tìm thấy các tài liệu và sao chép một số bản. Những tờ giấy quý giá này được bọc trong bao nilon và kẹp vào bụng của từng người. Nhưng họ bị phát hiện và bắt đầu một cuộc truy đuổi.
Một số điệp viên Liên Xô hy sinh. Những người còn lại đã trở về an toàn, trong đó có Abdulla Mursalov. Ông trực tiếp chuyển cho đồng chí Stalin những bản sao tài liệu thu được của bọn phát xít. Stalin đọc rất kỹ. Sau đó, ông hỏi còn bao nhiêu người sống sót. Trong số 10 người chỉ còn lại 4. Stalin gửi lời cảm ơn và tặng quà lưu niệm cho từng thành viên tham gia chiến dịch. Abdulla được tặng một chiếc đồng hồ bạc có khắc tên. Đây là món quà quý giá của đồng chí Stalin mà ông đã nâng niu suốt cuộc đời.
Sau đó, Abdulla Mursatov cùng đơn vị đặc nhiệm được cử tới vùng Baltic và miền Tây Ukraine. Hóa ra, sau khi chiến tranh kết thúc, vẫn có những tên tay sai phát xít không chỉ ủng hộ mà còn làm việc cho chúng trong suốt chiến tranh. Bọn chúng tìm cách chạy trốn sự trừng phạt của Hồng quân. Vào thời điểm đó, những tên cựu cảnh sát và lính SS này đã hợp thành các băng đảng và tấn công các đại diện chính quyền, thậm chí cả thường dân.
Abdulla và vợ.
Giáo sư ngôn ngữ học và những chiến công bị lãng quên
Năm 1951, sau khi giải ngũ, Abdulla Mursalov trở về làng Akhty, Dagestan và làm giáo viên tại một trường phổ thông ở địa phương. Ông dạy ngoại ngữ, lịch sử và văn học cho học sinh. Dần dần, sau hơn 20 năm công tác, Abdulla Mursalov trở thành hiệu trưởng của trường. Vừa làm việc, ông vừa theo học Trường đại học Sư phạm và Đại học Ngoại ngữ. Cựu nhân viên tình báo cũng đã bảo vệ thành công hai luận án tiến sĩ - Tiến sĩ khoa học lịch sử (1972) với đề tài “Công tác tư tưởng của tổ chức Đảng Cộng sản Dagestan trong giai đoạn xây dựng nền tảng của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô (1926-1932)”, và Tiến sĩ khoa học giáo dục (1975) với đề tài “Phương pháp dạy phát âm tiếng Anh ở lớp 5 trường tiểu học”.
Không có gì ngạc nhiên là sau khi thôi giữ chức hiệu trưởng trường phổ thông, Abdulla Mursatov đã tham gia giảng dạy và nghiên cứu tại Trường Đại học Sư phạm Quốc gia Dagestan. Ông là giáo sư ngôn ngữ học biết hơn 10 ngoại ngữ. Về đời tư của ông với tư cách một nhân viên tình báo người ta biết rất ít. Sau khi trở về Dagestan, ông kết hôn với cô gái xinh đẹp tên là Gulsenem. Họ sống với nhau suốt đời, nhưng không có con.
Suốt nhiều thập kỷ, Abdulla Mursalov không thể tiết lộ mình là một nhà tình báo đã có nhiều cống hiến cho đất nước. Số là ông và nhiều chiến hữu của mình đã ký một thỏa thuận đặc biệt về việc giữ bí mật với thời hạn 50 năm. Việc vi phạm thỏa thuận này có thể khiến họ gặp phải những rắc rối nghiêm trọng. Thời hạn này kết thúc vào năm 2004. Đó là lý do tại sao Abdulla phải im lặng trong một thời gian dài như vậy. Đó cũng là lý do tại sao ông không được hưởng các chế độ ưu đãi và căn hộ mà nhà nước đáng lẽ phải cung cấp cho ông. Chỉ đến năm 2004, Abdulla Mursalov mới nhận được danh hiệu cựu chiến binh, nhưng chỉ có vậy thôi. Bộ Quốc phòng đã quên mất nhà tình báo này.
Abdulla Mursatov không chỉ cần hỗ trợ tài chính mà còn sự trợ giúp y tế, vì ông là thương binh loại I. Hơn nữa, ông vẫn chưa được nhận Huân chương "Vì công lao đối với Cộng hòa Dagestan" trong sự nghiệp khoa học như đã hứa, mặc dù việc trao tặng đã được công bố tại lễ kỷ niệm 90 năm ngày sinh của Abdulla Mursalov. Thay vì huân chương, ông chỉ nhận được một giấy chứng nhận.
Dù sao thì một người như Abdulla Mursalov cũng không còn mong chờ điều gì nữa. Ông đã hoàn thành nghĩa vụ của mình trước Tổ quốc và nhân dân, chiến công đó xứng đáng được tôn vinh. Mùa đông năm 2017, cựu nhân viên tình báo và giáo sư ngôn ngữ học đã qua đời tại căn hộ của vợ mình, hưởng thọ 91 tuổi. Abdulla Mursalov ra đi mà không kịp nhận những gì xứng đáng được hưởng.
Anh Duy
Nguồn ANTG : https://antg.cand.com.vn/ho-so-mat/abdulla-mursalov-nha-tinh-bao-bi-bo-quen-chien-cong-i748883/