Không Lực Một là tên gọi chỉ bất kỳ máy bay nào của Không quân Mỹ có tổng thống sử dụng, nhưng nó thường được dùng để nói đến chiếc chuyên cơ nổi bật màu xanh-trắng hiện nay. Đây là máy bay được thiết kế đặc biệt, có khả năng hoạt động như trung tâm chỉ huy bay an toàn, độc lập trong mọi tình huống khẩn cấp.
Tổng thống Mỹ Donald Trump bước xuống từ chuyên cơ Không Lực Một. Ảnh: Getty
Theo các chuyên gia an ninh, nếu Mỹ sử dụng một máy bay do quốc gia nước ngoài tặng để làm phương tiện chuyên chở tổng thống, việc nâng cấp để đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn và phòng thủ sẽ rất phức tạp và tốn kém.
“Sẽ tốn một khoản kinh phí khổng lồ để nâng cấp chiếc máy bay được tặng này theo đúng tiêu chuẩn của Không quân, Bộ Quốc phòng và Mật vụ Mỹ”, ông Marc Polymeropoulos, cựu sĩ quan cấp cao của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), từng tham gia nhiều nhiệm vụ tại Trung Đông, cho biết.
Món quà miễn phí trị giá khoảng 400 triệu USD?
Trong bài đăng trên mạng xã hội Truth Social tối 11/5, ông Trump cho rằng Bộ Quốc phòng Mỹ có thể tiếp nhận một chiếc Boeing 747 “miễn phí” để thay thế tạm thời chiếc Air Force One hiện tại đang xuống cấp. Ông nhấn mạnh việc tiếp nhận này sẽ “hoàn toàn minh bạch và công khai.”
Chiếc Boeing 747 mà ông Trump nói đến là một phiên bản đặc biệt do hãng Boeing sản xuất cho hoàng gia Qatar, với giá trị ước tính khoảng 400 triệu USD. Theo ABC News, nếu nhận món quà này, ông Trump dự định sẽ sử dụng nó cho đến gần cuối nhiệm kỳ và rời nhiệm sở vào năm 2029.
Chuyên cơ của Tổng thống Mỹ hiện nay là một chiếc Boeing 747-200B, có màu trắng-xanh. Chiếc máy bay này được trang bị thiết bị liên lạc an toàn và có thể tiếp nhiên liệu trên không. Máy bay cũng được trang bị khả năng tác chiến điện tử và các biện pháp đối phó tên lửa.
Không quân Mỹ đang vận hành hai chiếc Boeing 747-200B đã được quân sự hóa, có tên định danh VC-25A, với số hiệu đuôi là 28000 và 29000. Những máy bay này đã hoạt động suốt 35 năm. Một phiên bản mới, VC-25B, đã được phát triển từ năm 2015 nhưng liên tục bị trì hoãn, và có thể phải đến năm 2027 mới đi vào hoạt động.
Trong một phát biểu ngày 12/2, ông Trump bày tỏ thất vọng vì Boeing mất quá nhiều thời gian để chế tạo phiên bản Không Lực Một mới. Ông cũng khẳng định không có thỏa thuận đổi chác nào với Qatar và coi hành động này là một “cử chỉ thiện chí.”
“Chúng tôi đã bảo vệ Qatar và các nước láng giềng của họ như Saudi Arabia và UAE trong nhiều năm. Nếu không có Mỹ, có thể họ đã không còn tồn tại. Và tôi nghĩ đây chỉ là một cử chỉ thiện chí”, ông nói thêm.
Ông Trump cũng cho biết, ông không có ý định sử dụng chiếc 747 từ Qatar sau khi ông rời nhiệm sở và sẽ chuyển cho thư viện tổng thống của ông.
“Cơn ác mộng an ninh”
Thông tin về chiếc 747 được tặng từ Qatar đã làm dấy lên phản ứng trái chiều từ các nghị sĩ Mỹ, với nhiều lo ngại rằng việc chấp nhận một món quà giá trị như vậy từ một chính phủ nước ngoài có thể phạm luật và gây ra “ác mộng an ninh”.
Hạ nghị sĩ Joe Courtney, thành viên đảng Dân chủ đứng đầu tiểu ban giám sát Không Lực Một thuộc Ủy ban Quân vụ Hạ viện, nhận định: “Việc cải tạo máy bay từ Qatar sẽ rất tốn kém và gây ra rủi ro an ninh nghiêm trọng, cản trở tiến trình sản xuất Air Force One đúng chuẩn, dự kiến hoàn thành vào năm 2027”.
Chiếc máy bay mà Qatar dự kiến tặng vốn được sản xuất để phục vụ hoàng gia nước này từ năm 2012. Máy bay này lớn hơn nhiều so với chiếc Boeing 757-200 “Trump Force One” của cá nhân ông Trump.
Theo ông Polymeropoulos, nếu Mỹ quyết định sử dụng chiếc máy bay do Qatar tặng, toàn bộ thân máy bay sẽ phải được tháo rời và kiểm tra từng bộ phận một cách kỹ lưỡng nhằm đảm bảo tiêu chuẩn bảo mật.
“Về cơ bản, việc đó không khác gì lắp ráp một chiếc máy bay hoàn toàn mới”, ông nói.
Ông Joseph LaSorsa, cựu đặc vụ Mật vụ Mỹ, người từng bảo vệ nhiều đời tổng thống Mỹ, cảnh báo một loạt rủi ro tiềm tàng nếu Mỹ tiếp nhận chiếc 747 từ Qatar. Theo ông, các nguy cơ bao gồm khả năng bị cài đặt thiết bị theo dõi, nghe lén, hoặc các thiết bị điều khiển từ xa ảnh hưởng đến hệ thống vận hành.
Theo ông LaSorsa, quá trình kiểm tra kỹ lưỡng toàn bộ máy bay có thể kéo dài một năm hoặc hơn.
“Nếu quyết định sử dụng, chắc chắn chính phủ Mỹ sẽ phải tiến hành đầy đủ các bước thẩm tra. Nhưng như vậy sẽ mất rất nhiều thời gian và chi phí cũng sẽ rất lớn”, ông nói.
Khi được hỏi về các lo ngại an ninh, Nhà Trắng dẫn lại phát biểu của Tổng thống Trump tại cuộc họp báo đầu tuần này. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Mỹ từ chối bình luận và chuyển câu hỏi về vấn đề này cho Nhà Trắng.
Phía Qatar cũng tuyên bố vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng về việc chuyển giao máy bay.
Hoàng Phạm/VOV.VN Theo Business Insider, CNN