ACB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2025 đạt 23.000 tỷ đồng, tăng 9,5% so với thực hiện năm 2024, đồng thời duy trì chính sách chi trả cổ tức ở mức cao, tổng tỷ lệ 25% (gồm 10% bằng tiền mặt và 15% bằng cổ phiếu). Đây là năm thứ 5 liên tiếp ngân hàng duy trì cổ tức cao, đặc biệt 3 năm gần đây thực hiện chia cổ tức bằng tiền, cho thấy hiệu quả kinh doanh và cam kết hài hòa lợi ích cổ đông.
ACB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 23.000 tỷ đồng, chia cổ tức 25% trong năm 2025
Tiếp tục đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng, công nghệ và an toàn bảo mật
Tại đại hội, các cổ đông đã thông qua kết quả kinh doanh năm 2024 và phương hướng hoạt động năm 2025, cùng nhiều nội dung trọng yếu như phân phối lợi nhuận, tăng vốn điều lệ, lựa chọn kiểm toán viên và sửa đổi điều lệ, quy chế quản trị nội bộ.
ACB tiếp tục theo đuổi định hướng trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu Việt Nam về quy mô và khả năng sinh lời. Các chỉ tiêu trọng yếu năm 2025 gồm: tổng tài sản tăng 14%, huy động vốn (bao gồm giấy tờ có giá) tăng 14%, tăng trưởng tín dụng đạt 16%, tương đương tốc độ toàn hệ thống. Ngoài thế mạnh bán lẻ, ngân hàng cũng sẽ đẩy mạnh khai thác khách hàng doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp đầu ngành và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Ông Trần Hùng Huy, Chủ tịch HĐQT ACB chia sẻ: "ACB đã hoàn thành chiến lược 5 năm với lợi nhuận tăng gấp 3 lần, duy trì chính sách cổ tức cao. Tuy nhiên, giai đoạn tới sẽ đối mặt nhiều thách thức từ cạnh tranh trong ngành ngân hàng và yêu cầu tuân thủ ngày càng cao. Vì vậy, ACB sẽ tiếp tục đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng, công nghệ, an toàn bảo mật nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và kiểm soát rủi ro”.
Theo ông Huy, chiến lược phát triển của ACB sẽ tập trung vào ba trụ cột: phát huy thế mạnh bán lẻ, mở rộng phân khúc khách hàng doanh nghiệp và phát triển năng lực mới nhằm thay đổi mô hình kinh doanh theo hướng bền vững.
Chủ tịch HĐQT ACB Trần Hùng Huy chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông
Duy trì đà tăng trưởng bền vững
Trả lời cổ đông về tác động của tình hình kinh tế đến kế hoạch năm 2025, ông Từ Tiến Phát, Tổng Giám đốc ACB cho biết: "Dù thị trường có nhiều biến động như chính sách thuế của Mỹ ảnh hưởng tỷ giá và dòng vốn đầu tư, ACB vẫn kiên định mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16% trong năm 2025. Ước tính quý I/2025, tín dụng tăng hơn 3%, huy động vốn tăng trên 2%”.
Đáng chú ý, tỷ lệ nợ xấu trong quý I/2025 của ACB giảm nhẹ xuống 1,34%, giúp ngân hàng duy trì hiệu quả hoạt động và khả năng kiểm soát rủi ro vượt trội so với mặt bằng chung.
Song song với mở rộng tín dụng và huy động, ACB sẽ tập trung tăng trưởng phí, đặc biệt trong các mảng thẻ, thanh toán quốc tế; đồng thời đầu tư cho các công ty con nhằm đa dạng hóa sản phẩm tài chính, gia tăng nguồn thu và năng lực cạnh tranh ngân hàng số.
Tổng Giám đốc ACB Từ Tiến Phát trả lời cổ đông
Năm 2024, ACB đạt lợi nhuận trước thuế 21.006 tỷ đồng, là một trong 7 ngân hàng đạt lợi nhuận trên 20.000 tỷ đồng và nằm trong top 3 ngân hàng TMCP tư nhân có lợi nhuận cao nhất. Tổng tài sản đạt 864.000 tỷ đồng, tăng hơn 20% so với cuối năm 2023 và vượt kế hoạch.
Dư nợ cho vay khách hàng đạt 581.000 tỷ đồng, tăng 19,1%, mức tăng cao nhất trong lịch sử hoạt động hơn 10 năm qua của ACB. Tín dụng khách hàng doanh nghiệp, đặc biệt nhóm doanh nghiệp FDI, ghi nhận mức tăng mạnh, với quy mô tăng gấp 2,5 lần so với năm trước.
Dù tăng trưởng mạnh, ACB vẫn kiểm soát nợ xấu chỉ ở mức 1,5%, thấp hơn mục tiêu dưới 2%. ROE duy trì trên 20%, thuộc nhóm cao nhất ngành ngân hàng.
ACB cũng chủ động đồng hành cùng chính sách của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước trong việc hỗ trợ khách hàng như: duy trì lãi suất cạnh tranh, triển khai cho vay ưu đãi mua nhà cho khách hàng trẻ, phát triển ngân hàng số giúp đơn giản hóa thủ tục và giải ngân online.
Dù sức mua tiêu dùng chung giảm, ACB vẫn nâng tỷ lệ CASA từ 22,9% lên 23,3%, phản ánh sự gia tăng bền vững của nguồn vốn chi phí thấp và lòng tin của khách hàng.
Không ngừng củng cố nền tảng quản trị, ACB duy trì tỷ lệ an toàn vốn theo Basel II ở mức gần 12%, cao hơn yêu cầu tối thiểu. ACB cũng nằm trong số 10 ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước chọn thí điểm triển khai phương pháp xếp hạng nội bộ (IRB) – bước tiến quan trọng để nâng cao năng lực quản trị rủi ro và chuẩn hóa hoạt động theo tiêu chuẩn quốc tế.
Việc hoàn tất IRB sẽ giúp ACB tối ưu hóa tính vốn, đồng thời nâng cao độ chính xác và phù hợp của các công cụ quản lý rủi ro, tiếp tục củng cố vị thế ngân hàng bán lẻ hàng đầu Việt Nam.
Phùng Xuân