ACV muốn chia cổ tức gần 65% sau 6 năm tạm ngưng

ACV muốn chia cổ tức gần 65% sau 6 năm tạm ngưng
12 giờ trướcBài gốc
Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) vừa thông báo sẽ lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về phương án phân phối lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế đến 31/12/2023, với số dư 21.192 tỷ đồng.
Theo đề xuất, ACV dự kiến trích 30% lợi nhuận, tương đương hơn 7.132 tỷ đồng, vào quỹ đầu tư phát triển. Phần còn lại là hơn 14.059 tỷ đồng, ACV dự kiến sẽ sử dụng để chia cổ tức bằng cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.
Tỷ lệ cổ tức dự kiến là 64,58%, nghĩa là cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ nhận 64,58 cổ phiếu mới (phần cổ phiếu lẻ bị hủy bỏ). Nếu thực hiện thành công, vốn điều lệ của ACV tăng từ 21.771 tỷ đồng lên hơn 35.830 tỷ đồng.
Cổ phiếu phát hành không bao gồm cổ phiếu quỹ và sẽ không bị hạn chế chuyển nhượng. Thời gian thực hiện dự kiến trong năm nay, tùy quyết định chốt quyền của HĐQT.
Trước đó, ACV đã có đề xuất với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) về việc chia cổ tức gần 65% từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối giai đoạn 2019-2023. Đây là mức cổ tức cao nhất từ khi ACV cổ phần hóa và lên sàn chứng khoán vào năm 2016.
Nhà ga T3, sân bay Tân Sơn Nhất mà ACV mới đưa vào khai thác. (Ảnh: Q.H)
Trong 3 năm đầu lên sàn, doanh nghiệp chia cổ tức đều đặn bằng tiền với tỷ lệ 6% - 9%, sau đó dừng chi trả cho cổ đông từ 2019 đến nay. Với vốn điều lệ tăng sau khi chia cổ tức bằng cổ phiếu lên đến 35.830 tỷ đồng, ACV sẽ lọt vào nhóm ít doanh nghiệp có vốn điều lệ tỷ USD trên sàn chứng khoán.
ACV hiện quản lý và vận hành 22 sân bay trên cả nước, bao gồm 9 cảng hàng không quốc tế. Tại các sân bay này, ACV đang độc quyền cung cấp dịch vụ hàng không cho các hãng bay trong và ngoài nước như dịch vụ an ninh, dịch vụ mặt đất, phục vụ hành khách, cất cánh và hạ cánh...
ACV cũng là chủ đầu tư dự án sân bay quốc tế Long Thành với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 336.630 tỷ đồng.
Sân bay một đường băng trong giai đoạn 1 sẽ cung cấp công suất 25 triệu hành khách và 1,2 triệu tấn hàng hóa; phục vụ khoảng 90% chuyến bay quốc tế cho TP. HCM và các tỉnh lân cận. Việc xây dựng bắt đầu vào cuối năm 2020 và được yêu cầu hoàn thành vào cuối năm nay.
Ngoài ra, ngày 19/4 vừa qua, ACV đã đưa vào khai thác nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất với tổng vốn đầu tư 11.000 tỷ đồng.
Về kết quả kinh doanh, trong quý I/2025, ACV ghi nhận kết quả kinh doanh khởi sắc khi doanh thu thuần tăng trưởng 13%, đạt mốc kỷ lục 6.350 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế 3.120 tỷ đồng, cao hơn 7% so với cùng kỳ và là con số lợi nhuận cao thứ hai trong lịch sử.
Đến hết quý I, ACV ghi nhận chi phí xây dựng dở dang dài hạn là hơn 23.000 tỷ đồng. Trong đó chi phí xây dựng ACV đã rót vào dự án sân bay quốc tế Long Thành là hơn 14.320 tỷ đồng.
Năm nay, ACV đặt mục tiêu tổng doanh thu 21.782 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 10.713 tỷ đồng. Như vậy, sau quý đầu năm, doanh nghiệp đã thực hiện được 36% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu ACV đang giao dịch ở vùng giá 95.000 đồng/CP. Vốn hóa thị trường ở mức 206.000 tỷ đồng, đứng thứ 6 trên sàn chứng khoán Việt Nam, sau Vietcombank, Vingroup, Vinhomes, BIDV và Viettel Global.
An Nhiên
Nguồn Nhà Quản Trị : https://theleader.vn/acv-muon-chia-co-tuc-gan-65-sau-6-nam-tam-ngung-d40114.html