Hồ Band-e Amir tại tỉnh Bamiyan, Afghanistan. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo hãng tin AP, chính quyền Taliban - lực lượng nắm quyền tại Afghanistan từ hơn ba năm trước nhưng chưa được quốc tế chính thức công nhận - đang thể hiện thiện chí chào đón các nhóm du khách quốc tế.
“Người dân Afghanistan nồng hậu và hiếu khách, luôn mong muốn tiếp đón khách du lịch và giao lưu với bạn bè quốc tế. Du lịch mang lại nhiều lợi ích cho đất nước. Chúng tôi đã cân nhắc những lợi ích này và đặt mục tiêu khai thác tối đa tiềm năng của ngành", Thứ trưởng Bộ Du lịch Qudratullah Jamal phát biểu trong một cuộc phỏng vấn đầu tháng 6.
Ngành đầy tiềm năng
Du lịch là ngành kinh tế tỷ đô tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, với Afghanistan - nơi đang bị cô lập trên trường quốc tế vì các quy định hà khắc của Taliban đối với phụ nữ và trẻ em gái, ngành này vẫn là một viễn cảnh xa vời.
Phần lớn trong số 41 triệu người dân Afghanistan hiện sống trong nghèo đói. Trong bối cảnh đất nước khó thu hút đầu tư nước ngoài, giới chức kỳ vọng du lịch có thể trở thành điểm sáng kinh tế.
“Chúng tôi đã có một nguồn thu đáng kể từ ngành du lịch và hy vọng lĩnh vực này sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong tương lai. Chúng tôi tin rằng du lịch sẽ trở thành một trụ cột kinh tế quan trọng, đóng góp tích cực vào nền kinh tế quốc gia", ông Jamal nhấn mạnh.
Để thu hút du khách quốc tế trở lại, chính quyền Afghanistan đã đơn giản hóa quy trình cấp thị thực du lịch, đồng thời tăng cường các chuyến bay từ các trung tâm trung chuyển lớn như Dubai và Istanbul. Chính phủ cũng thành lập học viện đào tạo nghề cho nam giới muốn làm việc trong ngành khách sạn và du lịch.
Mặc dù lượng khách còn khiêm tốn, nhưng đang có xu hướng tăng. Năm ngoái, gần 9.000 du khách nước ngoài đã đến Afghanistan. Chỉ trong ba tháng đầu năm nay, con số đã đạt 3.000 người.
Sau gần bốn thập kỷ xung đột liên miên, phần lớn du khách từng tránh xa đất nước không giáp biển này, vốn chỉ có những dãy núi cao chót vót và hẻm núi hiểm trở. Việc Taliban tiếp quản chính quyền từ tay lực lượng do Mỹ hậu thuẫn vào tháng 8/2021 đã kết thúc tình trạng hỗn loạn, cũng như chấm dứt phần lớn các vụ đánh bom và tấn công liều chết.
Tuy nhiên, tình hình an ninh vẫn chưa hoàn toàn ổn định. Một nhánh của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng vẫn hoạt động ở Afghanistan. Trong một vụ tấn công hồi tháng 5/2024 tại Bamiyan, một điểm du lịch nổi tiếng, các tay súng đã sát hại sáu người, trong đó có ba du khách Tây Ban Nha.
Mặc dù nhiều quốc gia phương Tây vẫn khuyến cáo công dân không nên đến Afghanistan, nhưng giới chức địa phương khẳng định tình hình an ninh đã được cải thiện đáng kể so với thời kỳ có hiện diện quân sự của Mỹ.
“Afghanistan đã trải qua nhiều năm chiến tranh và khủng hoảng. Giờ đây, chúng tôi muốn du khách đến để trải nghiệm truyền thống, văn hóa và cuộc sống của người dân nơi đây, cũng như thấy được sự kiên cường và sáng tạo của họ", ông Jamal nói, đồng thời khẳng định lực lượng an ninh được triển khai trên khắp cả nước để đảm bảo an toàn cho du khách.
Câu hỏi đạo đức về du lịch tại Afghanistan
Phụ nữ choàng khăn Burqa tại Herat, Afghanistan. Ảnh: AFP/TTXVN
Dù du lịch có thể mang lại lợi nhuận cho một quốc gia kiệt quệ vì chiến tranh, nhưng không ít nhà phê bình đặt câu hỏi về mặt đạo đức của việc đến thăm một đất nước mà chính quyền vẫn áp đặt các chính sách phân biệt nghiêm ngặt với phụ nữ.
Tại Afghanistan, trẻ em gái chỉ được học đến hết tiểu học. Phụ nữ trưởng thành bị hạn chế nghiêm ngặt trong hầu hết các lĩnh vực xã hội, bị cấm đến công viên, phòng tập thể dục hay các tiệm làm đẹp. Phụ nữ phải che mặt nơi công cộng và có rất ít cơ hội việc làm.
Một số du khách cho biết họ từng đắn đo về yếu tố đạo đức, nhưng cuối cùng vẫn quyết định đến để trực tiếp quan sát thực tế tại địa phương.
Trái ngược với sự hà khắc đối với phụ nữ Afghanistan, chính quyền lại tỏ ra mềm mỏng hơn với nữ du khách nước ngoài. Dù vẫn phải đội khăn trùm đầu nơi công cộng, nhưng họ thường không bị yêu cầu che kín mặt và có thể tiếp cận một số khu vực bị hạn chế.
Theo Thứ trưởng Jamal, việc mở cửa đón du khách quốc tế không chỉ phục vụ mục tiêu kinh tế mà còn góp phần tạo cầu nối giữa các nền văn hóa.
“Du lịch là cách tuyệt vời để tăng cường giao lưu giữa các quốc gia. Nó thúc đẩy thương mại, xây dựng quan hệ quốc tế và mang lại lợi ích về tinh thần, văn hóa cũng như chính trị. Khi người nước ngoài đến đây, người dân Afghanistan cũng học hỏi được rất nhiều điều từ họ", ông nhấn mạnh.
Bảo Hà/Báo Tin tức và Dân tộc