Ai bánh tráng mắm ruốc không?

Ai bánh tráng mắm ruốc không?
20 giờ trướcBài gốc
Mọi người gọi nhau. Nhiều người đang tơ mơ thiu ngủ trong các chòi lá tránh nắng trưa dội lửa lên bãi cát bên bờ biển choàng dậy, vác gọng chủ đẩy ruốc lao xuống nước. Họ đi theo vệt ruốc sẫm màu thoáng ẩn hiện trong làn nước, cái gọng chủ chúi về phía trước, đàn ruốc trôi về sau làm căng phồng cái đãy. Đàn ruốc bị đám người vây bủa, trôi xa bờ dần. Không dừng lại, những người đầy ruốc chống gọng chủ vào nước làm điểm tựa, tháo cặp cà kheo mang theo, xỏ cà kheo vào chân để đuổi theo đàn ruốc chạy trốn. Phía ngoài xa, mấy chiếc xuồng máy với vàng lưới giăng trước mũi đảo quanh đón đầu đàn ruốc, quyết tận diệt những con ruốc nhỏ bé. Những thân người đi trên cà kheo chúi về phía trước tạo nên những chấm nhỏ di động trên mặt phẳng xanh rộng lớn của biển chói chang nắng.
Trên bờ, những người phụ nữ với quang gánh tụm năm tụm ba dõi mắt nhìn những chấm di động, thỉnh thoảng có chấm tiến vào bờ, vài người ùa tới, sang ruốc từ cái đãy lưới vào rổ rồi bươn bả gánh băng qua bãi cát lóa nắng để về nhà. Những cái nia, những tấm đệm được bày ra bất cứ chỗ nào có nắng để phơi ruốc, hay chỉ cần quét sạch cái sân gạch rồi đổ lớp ruốc mỏng cho ánh nắng làm héo những con ruốc nhỏ bé. Chỉ phơi héo con ruốc chớ không phơi khô mới có loại mắm ruốc đỏ tươi và có hương vị đặc trưng.
Một nắng, chỉ cần phơi một nắng nếu nắng tốt. (Mà, sao cái gì một nắng ở miền biển cũng “ngon” hết vậy ta? Như mực một nắng, cá đù một nắng… Còn gái một “lửa” thì sao? Ông bà nói chẳng lẽ sai? Gái một “lửa” hay một con trông mòn con mắt! Nhưng cái sự gái một con này chắc chắn không chỉ đúng ở miền biển). Trước khi trộn ruốc héo với lượng muối vừa phải, người làm mắm cẩn thận lượm rác rến lẫn trong ruốc, rồi họ cho vào cái cối to và giã nhuyễn. Đó là làm mắm với số lượng ít, còn làm mắm số lượng lớn thì phải dùng máy xay, người xưa còn dùng sức người bằng cách cho ruốc vào thùng gỗ rồi đạp bằng đôi chân vạm vỡ mang đôi guốc gỗ to tướng. Sau đó, mắm được ủ trong lu, khạp hay thùng gỗ một thời gian cho mắm chín mới ăn được. Mắm ruốc là món quà của đại dương làm đậm đà hương vị cho bữa cơm, trong các món ăn chơi và làm phong phú nghệ thuật ẩm thực của quê hương.
Hằng tơ mơ thiu ngủ. Gió đầy lòng chiếc xe khách nhỏ xua cái nóng bốc lên từ mặt đường nhựa, tỏa xuống từ trần xe thấp; đuổi cái mùi không mấy dễ chịu của dầu chạy máy xe đốt cháy, cả hơi nước có mùi khét thoát ra từ cái đầu máy xe già nua. Bao giờ, từ Phan Thiết về nhà ở Long Hương, Hằng ngoài nỗi nôn nao gặp lại cha mẹ và em gái, trong cô còn xen lẫn một nỗi vui khó tả và… rất khó nói với người không thân tình!
Chiếc xe dừng ở Ngã ba cầu Nam làm Hằng tỉnh rụi như chưa hề thiu ngủ. Người lơ xe đập tay mạnh vào hông thùng xe, la lớn:
- Phan Rí Cửa! Phan Rí Cửa! Ai xuống Phan Rí Cửa?
Xem chừng anh lơ xe la lớn nhưng đơn độc, không át được tiếng đám đông đồng thanh bao quanh xe.
- Ai bánh tráng mắm ruốc không? Bánh tráng mắm ruốc không?
“Ai bánh tráng mắm ruốc không”; hay “bánh tráng mắm ruốc hông”; hay cụt ngủn “bánh tráng, mắm ruốc”… đều là rao bán một món ăn chơi đặc trưng của miền biển quê hương. Cả chục người cắp bên hông cái rổ tre hay cái giỏ nhựa, trong đó có món hàng duy nhất là bánh tráng nướng được bao bọc cẩn thận trong túi ni-lon và cái ơ hay cái xoong nhỏ có nắp đậy đựng mắm ruốc.
Không riêng Hằng, nhiều người khách đã mua món ăn chơi này. Người bán cẩn thận mở bao ni-lon, nhẹ nhàng lấy cái bánh tráng nướng giòn vì sợ làm vỡ; rồi mở nắp vật đựng mắm ruốc, dùng cái muỗng múc mắm ruốc đặt giữa lòng cái bánh tráng. Hằng mới nhìn thấy mà nước miếng đã ứa ra, tuyến tiêu hóa của cô khẩn trương hoạt động, cả vị giác và khứu giác cùng chuyển động vì mùi mắm thơm lừng hương vị con ruốc hòa quyện cùng tỏi, ớt giã nhuyễn; rồi chua chua vị me, ngọt ngọt vị đường…Miếng bánh tráng giòn rụm bùi hương gạo, béo hương mè cùng hỗn hợp ruốc như tan trên đầu lưỡi, thấm kẽ răng và chậm rãi ngấm vào thực quản cô nữ sinh xa nhà cả tháng nay. Ờ! Mà ở Phan Thiết có lần quá thèm, Hằng mua bánh tráng mắm ruốc của bà lão bán ở đầu hẻm vào nhà cô trọ học nhưng cô đã thất vọng vì mắm không thơm và không có màu đỏ tươi của con ruốc mà là màu đỏ bầm của phẩm màu.
Khi chiếc xe khách già nua bắt đầu thở phì phò ì ạch leo dốc Cúng thì Hằng cũng vừa “dứt” xong món khoái khẩu. Cô phủi nhẹ mấy vụn bánh tráng bám trên áo quần trước khi xe vào bến.
*
Chùa Hang nằm trên ngọn đồi thấp ở xã Bình Thạnh khởi đầu từ các hang đá có mái che là những tảng đá công kênh nhau, (về sau mới hình thành ngôi chùa có nhà ngang nhà dọc như hiện nay). Nghỉ học, được vài ngày về nhà, Hằng thường rủ em gái đi chơi vườn Bình Thạnh và viếng cảnh chùa. Hai chị em đứng trên tảng đá cao nhìn ra biển, dõi theo các cánh buồm no gió xuôi về hướng Phan Rí Cửa. (Ngày đó ngư dân còn sử dụng thuyền buồm, không ra khơi vào lộng toàn thuyền máy công suất lớn như bây giờ). Nhiều lần sau này trở lại chùa Hang đông vui không còn vẻ u tịch như thời Hằng thiếu nữ, cô vẫn thích đứng trên tảng đá cao phía biển năm xưa mặc gió lồng lộng chà xát, dù đôi khi buồn bã vì mái tóc thanh xuân ngày nào đã rơi rụng nhiều theo thời gian. Hằng hít sâu vào lồng ngực vị muối trong gió biển, hình như có cả mùi tảo và bao sinh vật trong lòng đại dương được gió hào phóng mang đi ban phát cho vạn vật.
Bao giờ trước khi ra về, Hằng và em gái cũng dạo bãi đá con nhiều màu sắc, chọn vài viên đá đẹp để thả vào lồng kính cá kiểng, cho đàn cá bảy màu có hang hốc chơi trò trốn tìm. Bãi đá Bảy Màu có hàng vạn viên được sóng biển bào nhẵn và đánh tắp vào bờ không biết từ bao giờ là một cảnh đẹp độc đáo mà Hằng thường khoe với các bạn học, hứa hẹn sẽ một lần đưa các bạn về thăm. Thỉnh thoảng, hai chị em Hằng ghé thăm một người bà con, được người này cho một ba lô đầy chuối và chanh là hai đặc sản của làng cát Bình Thạnh. Những trái chuối sứ mập mạp, ngọt bùi cùng những trái chanh no tròn mọng nước và đượm mùi thơm là hai món quà sống mãi cùng ký ức những ngày tươi đẹp của chị em Hằng.
Quê hương Tuy Phong của Hằng là nơi chốn đẹp hơn cả! Hằng bắt chước câu nói của một người đi xa nhiều năm trở về nơi chôn nhau cắt rún trong một bài tập đọc trong sách giáo khoa mà cô học năm xưa. Khi được hỏi: “Ông đã đi nhiều nơi, theo ông thì nơi nào đẹp nhất?”. Trả lời: “Quê hương là nơi đẹp hơn cả!”. Thật vậy, quê hương của Hằng nào là nước suối Vĩnh Hảo, bãi đá Bảy Màu, chùa Hang, cá liệt dầu Bình Thạnh, nghề biển Phan Rí Cửa, rồi nho, táo… Và còn một món khoái khẩu nhắc tới là vị giác và khứu giác không chỉ của Hằng hoạt động khẩn trương: Mắm ruốc Duồng!
*
Hằng xa quê đã nhiều năm.
Mỗi lần về thăm nhà thờ tự do em gái gìn giữ, hai chị em có dịp ôn lại kỷ niệm thời thanh xuân.
- Chị nhớ quán cà phê trước bến xe của bác Tàu già không?
Cô em thỏ thẻ với nụ cười châm chọc.
- Nhớ chớ sao không?
- Có nhớ người mua bánh bao và cà phê cho chị không?
Hằng nhìn em gái, cười bẽn lẽn. Nụ cười của một người luống tuổi mất mấy cái răng trông rất móm mém!
Bến xe hoạt động từ quá nửa đêm, chỉ vỏn vẹn vài chiếc xe khách nhỏ chạy tuyến Phan Thiết, Phan Rang, Đà Lạt… Thuở đó học xong chương trình trung học đệ nhất cấp ở Long Hương, Hằng và các bạn mà gia đình có điều kiện vào Phan Thiết để tiếp tục học các lớp trung học đệ nhị cấp. Mỗi lần trở lại trường, Hằng phải dậy thật sớm, vai xách nách mang lội bộ đến bến xe để kịp đi chuyến xe tài nhất tuyến Long Hương – Phan Thiết khởi hành lúc 4 giờ sáng. Mỗi lần chờ xe lăn bánh, Hằng lại được thưởng thức một ly cà phê sữa nóng và một cái bánh bao của tiệm bác Tàu già trước bến xe. Bánh bao nóng và cà phê nóng làm ấm bụng Hằng suốt hành trình một trăm cây số, cho tới giờ vào lớp học. Hằng thường nói đùa: Bánh bao và cà phê ngon không phải vì người làm bánh và người pha cà phê ngon mà vì cô… không phải trả tiền! Hằng được tặng bởi một người bạn học cùng lớp với cô, gia đình bạn trai này rất khá giả.
Tình yêu đôi khi bắt đầu từ cái liếc mắt đầu tiên, rồi bốn mắt chạm nhau thành cú sét choáng váng cả hai. Nhưng cũng nhiều khi, hai người ở cùng xóm cùng làng, ngồi cùng lớp, đi xe ngồi cùng hàng ghế, cùng sở thích ăn bánh bao và uống cà phê sữa nóng trong không khí mát lạnh rạng sáng mà thân thì thân, thương thì cũng mon men thương, có điều là không thể yêu nhau. Hằng nhiều lần tự hỏi tại sao mình không yêu người bạn học chung lớp chung trường bao năm đó? Dù bạn đã nhiều lần bày tỏ tình cảm sâu đậm của mình với cô.
Hằng viện dẫn nhiều nguyên nhân, có một nguyên nhân cô cho rằng không vững chắc nhưng cứ bám riết trong đầu cô. Nguyên nhân này liên quan đến món ăn chơi bánh tráng mắm ruốc mà cô khoái khẩu.
Trên một chuyến xe chung từ Phan Thiết về nhà, khi xe sắp đến cầu Nam Phan Rí Cửa, Hằng thổ lộ với người bạn trai niềm vui và điều khó nói với người không thân tình là cô… sắp được ăn bánh tráng mắm ruốc. Người bạn đã bĩu môi, xổ toẹt:
-Mắm ruốc hôi rình!
Cô hụt hẫng, có cảm giác mình bị phản bội và trả đũa bằng cách mua luôn hai cái bánh tráng mắm ruốc. Cô từ tốn bẻ từng miếng bánh nhỏ, quẹt bánh vào mắm và khoan thai nhai chậm rãi hết hai cái bánh tráng. Mùi mắm thơm lừng ớt, tỏi và miếng bánh tráng nướng giòn rụm qua hàm răng Hằng không hề tác động gì đến anh chàng ngồi bên. Anh ta dửng dưng liếc Hằng, vài lần tỏ vẻ khó chịu phủi vụn bánh tráng theo gió tạt bám vào áo.
Từ đó, Hằng tránh đi chung xe với người bạn. Cô cũng không bao giờ đi chuyến xe tài Nhất Long Hương – Phan Thiết nữa dù rất nhớ mùi bánh bao và hương cà phê sữa nóng.
Hằng có quá khắt khe? Cô chỉ muốn được tôn trọng. Món bánh tráng mắm ruốc là món ăn chơi mà cô ưa thích. Anh không thích thì anh đừng ăn. Anh chê hôi rình là anh xúc phạm tôi, xúc phạm quyền riêng tư của tôi. Chưa là gì với nhau mà anh thiếu tôn trọng tôi thì… Không nói nhiều! Anh đi chỗ khác chơi giùm tôi!
Bây giờ, xe khách lưu thông trên đường đóng cửa kính bít bùng và mở máy điều hòa. Các tài xế không thích khách ăn quà vì sợ thức ăn bốc mùi trong xe máy lạnh. Những người phụ nữ, những bé gái bán bánh tráng mắm ruốc chỗ cầu Nam Phan Rí Cửa giải nghệ từ lâu… mà Hằng vẫn còn thích ăn cái món ăn chơi khoái khẩu này thì phải làm sao? Thì… Hằng tìm mua mắm ruốc ngon, tự pha chế hợp khẩu vị và thưởng thức chớ làm sao? Một món ăn dân dã của quê hương đã ngấm vào máu thịt làm sao từ bỏ?!
TRUYỆN NGẮN CỦA HỒ VIỆT KHUÊ
Nguồn Bình Thuận : https://baobinhthuan.com.vn/ai-banh-trang-mam-ruoc-khong-129116.html