Lực lượng cứu hộ tìm kiếm nạn nhân dưới đống đổ nát sau cuộc không kích của Israel xuống khu dân cư Shuja'iyya, phía Đông thành phố Gaza, ngày 9/4/2025. Ảnh: THX/TTXVN
Theo tuyên bố chung sau cuộc hội đàm tại Doha ngày 14/4, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận các nỗ lực khôi phục lệnh ngừng bắn tại Gaza, thúc đẩy việc trao đổi con tin giữa Israel và Phong trào Hamas, cũng như ứng phó với tình trạng nhân đạo nghiêm trọng ngày càng gia tăng trong khu vực. Tổng thống El-Sisi và Quốc vương Sheikh Tamim nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo viện trợ nhân đạo đầy đủ nhằm ngăn chặn một thảm họa nhân đạo toàn diện. Cả hai nhà lãnh đạo khẳng định ủng hộ mạnh mẽ đối với kế hoạch tái thiết Gaza đã được các quốc gia Arập thông qua hồi tháng 2/2025 và bác bỏ mọi nỗ lực cưỡng bức di dời người Palestine khỏi quê hương.
Hai bên tái khẳng định lập trường vững chắc của Ai Cập và Qatar về các quyền hợp pháp của người Palestine, đặc biệt là quyền thành lập một nhà nước độc lập theo các nghị quyết quốc tế và sáng kiến hòa bình đã được công nhận. Đồng thời, hai nhà lãnh đạo cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải đạt được hòa giải dân tộc giữa các phe phái Palestine, nhằm thống nhất ban lãnh đạo, kích hoạt các thể chế quốc gia và đáp ứng nguyện vọng chính đáng của người dân Palestine.
Ngoài vấn đề Palestine, Tổng thống El-Sisi và Quốc vương Sheikh Tamim cũng trao đổi quan điểm về nhiều vấn đề khu vực như tình hình tại Syria, Liban và Sudan. Hai bên kêu gọi duy trì sự toàn vẹn lãnh thổ và ổn định chính trị của các quốc gia này. Quốc vương Sheikh Tamim khẳng định: “Chúng tôi mong muốn thiết lập an ninh và hòa bình lâu dài trong khu vực".
Về quan hệ song phương, hai nhà lãnh đạo nhất trí thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Ai Cập và Qatar. Cụ thể, hai nước cam kết hỗ trợ mối quan hệ đối tác chiến lược bằng việc triển khai gói đầu tư trực tiếp trị giá 7,5 tỷ USD từ Qatar, với mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững cho cả hai bên.
Cùng ngày, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 14/4 đã kêu gọi tiến hành “cải cách” Chính quyền Palestine như một phần trong kế hoạch trao quyền điều hành Dải Gaza thời hậu chiến cho cơ quan này, sau khi Hamas rút khỏi quyền lực tại khu vực.
Pháp là một trong số các quốc gia châu Âu ủng hộ việc trao lại quyền kiểm soát Dải Gaza cho Chính quyền Palestine có trụ sở tại Ramallah. Trên mạng xã hội, ông Macron nhấn mạnh sự cần thiết phải giải giáp Hamas, thiết lập một khuôn khổ quản trị đáng tin cậy và cải cách Chính quyền Palestine”, từ đó tiến tới giải pháp hai nhà nước và hội nghị hòa bình dự kiến diễn ra vào tháng 6 tới.
Tổng thống Macron cho biết Pháp đang cân nhắc khả năng công nhận Nhà nước Palestine – một bước đi chưa từng có tiền lệ – nhằm giải quyết xung đột Israel – Palestine. Dải Gaza hiện đang do Hamas kiểm soát kể từ năm 2007.
Trong diễn biến liên quan, Liên minh châu Âu (EU) ngày 14/4 đã công bố gói hỗ trợ tài chính mới trị giá 1,6 tỷ euro (khoảng 1,8 tỷ USD) dành cho người Palestine, nhằm góp phần ổn định khu vực và chuẩn bị cho tương lai quản trị tại Dải Gaza và Bờ Tây.
Gói viện trợ được công bố trong cuộc họp cấp cao đầu tiên giữa EU và Thủ tướng Palestine Mohammed Mustafa tại Luxembourg. Theo Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại của EU Kaja Kallas, khoản hỗ trợ sẽ giúp ổn định Bờ Tây và Gaza, đồng thời tạo điều kiện để Chính quyền Palestine tăng cường khả năng phục vụ người dân.
Bà Kallas nhấn mạnh rằng EU phản đối việc phong tỏa viện trợ nhân đạo vào Gaza, đồng thời cảnh báo rằng “không thể có giải pháp quân sự cho cuộc xung đột”. EU hiện là nhà tài trợ quốc tế lớn nhất cho người Palestine, dù khối vẫn đối mặt với thách thức trong việc thống nhất lập trường giữa 27 quốc gia thành viên.
Thủ tướng Palestine Mohammed Mustafa kêu gọi cộng đồng quốc tế thể hiện lập trường rõ ràng và yêu cầu trách nhiệm từ phía Israel.
Nguyễn Trường - Nguyễn Tùng - Lan Phương (TTXVN)