Ai chi 100 USD cho 6 viên đá 'sạch' 100.000 năm tuổi?

Ai chi 100 USD cho 6 viên đá 'sạch' 100.000 năm tuổi?
10 giờ trướcBài gốc
Ly rượu cao cấp ở Nahaté Dubai có thể lên tới 218 USD mỗi ly khi được dùng kèm đá 100.000 năm tuổi. Ảnh: @arctic_ice_greenland/IG.
“Nếu có thứ gì Greenland không thiếu, thì đó chính là băng”, Thomas “Tyt” Mogensen (Greenland), CEO quỹ phát triển kinh doanh Nalik Ventures trị giá 130 triệu USD, khẳng định.
Hòn đảo lớn nhất thế giới với diện tích phần lớn bị bao phủ bởi băng tuyết đang thu hút làn sóng khởi nghiệp xuất khẩu băng.
Những tảng băng trôi từ Greenland, được quảng bá là sạch, tinh khiết và có tuổi đời lên đến 100.000 năm, hiện được chế tác thành đá lạnh và bán với giá hàng trăm USD trong các ly rượu tại những nhà hàng xa xỉ ở Dubai, theo Wall Street Journal.
Ngành công nghiệp vấp nhiều tranh cãi
Trong vòng 5 năm qua, chính quyền địa phương đã cấp 13 giấy phép cho 6 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thu hoạch băng và nước tan từ các sông băng.
Một trong những công ty đang tạo được tiếng vang là Arctic Ice, startup 2 năm tuổi chuyên “săn” các tảng băng trôi cỡ xe hơi tại vịnh hẹp phía tây Greenland. Đồng sáng lập Ittu Lilliendahl, người bản địa Greenland, cho biết công ty ưu tiên tìm kiếm phần băng trong suốt ở đáy sông băng, phần băng được nén chặt nhất, lâu đời nhất, và được cho là sạch nhất.
Sau khi được cắt nhỏ bằng cưa máy, các khối băng được đóng vào container đông lạnh và di chuyển hơn 16.000 km đường biển đến Dubai trong hành trình kéo dài 5 tuần.
Khi cập cảng, băng được chế tác thành những viên cầu tròn, đặt trong hộp tam giác cao cấp kèm theo một chiếc kẹp nhỏ. Mỗi hộp 6 viên được bán với giá 100 USD. Những khối băng này sau đó được đưa vào các nhà hàng cao cấp như Nahaté Dubai. Tại đây, khách hàng có thể phải trả 175 dirham (khoảng 48 USD) để thưởng thức ly Desert Whisper pha gin với đá Greenland.
Những viên đá lấy từ băng ở Greenland, sau đó được cắt nhỏ và bán cho các nhà hàng cao cấp. Ảnh: WSJ.
Valentin Pinault (28 tuổi, Dubai) cho biết anh chọn uống loại whisky 18 năm tuổi với đá Greenland tại nhà hàng này, mức giá cho trải nghiệm này là 800 dirham (khoảng 218 USD).
"Tôi thích cảm giác tinh khiết, không bụi bẩn hay vi khuẩn, và nó tan rất chậm. Loại đá này chỉ làm lạnh đồ uống, không làm nhạt vị”, doanh nhân người Pháp chia sẻ.
Giám đốc marketing Andrey Bolshakov của nhà hàng cho biết khách hàng thường bị thu hút khi nghe kể rằng những viên đá đang làm lạnh ly cocktail của họ có tuổi đời lên tới 100.000 năm.
"Chỉ cần nói vậy thôi cũng đủ khiến họ ấn tượng", ông chia sẻ. Dù vậy, không phải ai cũng dễ dàng tin vào những lời quảng bá này.
Giáo sư Mathieu Morlighem, chuyên gia nghiên cứu sông băng tại Đại học Dartmouth (Mỹ), cho biết băng ở Greenland hình thành từ tuyết tích tụ qua từng năm, tạo ra các lớp giống như vân gỗ. Tuy nhiên, một khi băng trôi từ nội địa ra biển, việc xác định chính xác tuổi đời của chúng là gần như bất khả thi.
Dẫu vậy, điều đó không cản được làn sóng khai thác băng và nước tan từ sông băng. Tại Tây Nam Greenland, doanh nhân Thomas Olsen đang gom nước tan từ sông băng và vận chuyển về Đan Mạch để chưng cất thành vodka và gin mang thương hiệu Point 660 Glacier Spirits. Mỗi chai được bán với giá khoảng 68 USD.
Nhưng Olsen thừa nhận, làm ăn ở hòn đảo này không dễ dàng.
“Bạn phải tự thân vận động trong điều kiện -40 độ C suốt nửa năm, không có hạ tầng, dân cư thưa thớt”, ông nói.
'Kho báu trắng' trị giá tỷ USD
Nhằm thu hút thêm đầu tư, chính quyền Greenland, dưới nhiệm kỳ của Bộ trưởng Thương mại và Kinh doanh Naaja Nathanielsen, đang soạn thảo khung pháp lý mới nhằm đơn giản hóa quy trình cấp phép và nâng cấp hệ thống cảng, đường sá.
“Nước và băng có thể trở thành nguồn lực quan trọng đối với Greenland”, bà nhận định.
Dù vậy, vùng đất này không phải nơi đầu tiên xuất khẩu băng tự nhiên. Năm 2015, một công ty từng cố gắng vận chuyển băng từ Na Uy bằng trực thăng nhưng thất bại vì vấp phải phản đối từ người dân. Từ thập niên 1970, kế hoạch kéo tảng băng từ Nam Cực về Saudi Arab để cung cấp nước ngọt cũng đổ vỡ.
Greenland đang khai thác “kho báu trắng” từ sông băng để phục vụ giới sành uống xa xỉ. Ảnh: WSJ.
Theo một nghiên cứu, thị trường băng toàn cầu có thể đạt 7,23 tỷ USD vào năm 2027. Với Greenland, dù hải sản vẫn chiếm đến 90% kim ngạch xuất khẩu, Naaja Nathanielsen tin rằng nước và băng có thể trở thành ngành xuất khẩu kế tiếp, nhất là khi sử dụng công nghệ tàu thủy chứa đệm nước nhẹ và linh hoạt để tiết kiệm chi phí vận chuyển.
Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng tình. Nhiều người chỉ trích việc đưa băng từ Greenland đến Vùng Vịnh bằng tàu container chạy dầu là hành động tốn kém và gây ô nhiễm, trong khi Dubai có thể tự sản xuất băng.
Như Phương
Nguồn Znews : https://lifestyle.znews.vn/ai-chi-100-usd-cho-6-vien-da-sach-100000-nam-tuoi-post1548682.html