Ai chịu trách nhiệm về 220 dự án tồn đọng, dừng thi công ở TP Hồ Chí Minh?

Ai chịu trách nhiệm về 220 dự án tồn đọng, dừng thi công ở TP Hồ Chí Minh?
2 ngày trướcBài gốc
Theo Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi, đến giữa tháng 10 vừa qua thành phố mới giải ngân được gần 16,8 nghìn tỷ đồng, tương ứng với tỷ lệ hơn 21%, trong khi đó tổng số vốn đầu tư công thành phố phải giải ngân năm nay lên đến hơn 79,2 nghìn tỷ.
Cụ thể, với 4 dự án được đầu tư công từ nguồn ngân sách Trung ương, tổng số tiền phải giải ngân trong năm nay là hơn 2,5 nghìn tỷ nhưng đến hết quý 3 mới chỉ có 742 tỷ đồng được giải ngân. Dù cố gắng hết sức thì đến hết năm 4 dự án này cũng chỉ giải ngân được hơn 1,5 nghìn tỷ đồng.
Ngoài ra thành phố có 105 dự án lớn với tổng số vốn cần giải ngân trong năm lên đến hơn 60 nghìn tỷ đồng, nhưng đến cuối quý 3 mới chỉ giải ngân được hơn 7,2 nghìn tỷ đồng. Mục tiêu đặt ra là đến cuối năm các dự án này sẽ giải ngân được hơn 48 nghìn tỷ. Với thực trạng trên, việc các dự án đầu tư công tiếp tục phải chạy nước rút về tiến độ, về khối lượng thi công để kịp giải ngân số tiền rất lớn trong 3 tháng cuối năm tiếp tục diễn ra. Từ đây, vấn đề đặt ra là liệu chất lượng dự án, khối lượng các công việc cần hoàn thiện có đảm bảo khi chỉ được thực hiện trong khoảng thời gian ngắn như vậy?
Trong số các dự án tồn đọng, dừng thi công trên có gần 50 công trình xây dựng, mở rộng trường học. Đa phần trong số này đã được phê duyệt đầu tư cách đây 4-5 năm, thậm chí có những dự án đã kéo dài cả chục năm.
Quá tải phương tiện trên tuyến quốc lộ 1 tại TP Hồ Chí Minh.
Điều khiến dư luận người dân bức xúc là tình trạng quá tải trường lớp diễn ra gay gắt, nhưng các dự án đầu tư xây dựng mới, mở rộng trường học chậm tiến độ đã bị để kéo dài trong nhiều năm. Ông Tiến - một kỹ sư xây dựng bức xúc đặt câu hỏi: Nhà nước chuẩn bị sẵn tiền nhưng nhiều năm trường chưa được xây xong, vậy trách nhiệm của đơn vị được giao làm chủ đầu tư dự án này ở đâu?
Một loạt dự án mở rộng bệnh viện, xây dựng trung tâm y tế, dự án hạ tầng, công trình giao thông quan trọng có vốn đầu tư công cũng đang trong tình trạng chậm tiến độ.
Với các dự án có vốn đầu tư tư nhân và dự án PPP chậm tiến độ đang gây cản trở không nhỏ đến phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, dự án xây dựng một đoạn đường Vành đai 2 với chiều dài 2,75km đã phải gánh lãi vay 15 tỷ đồng/tháng trong nhiều năm. Theo hợp đồng BOT thành phố đã ký với nhà đầu tư, số tiền này sẽ được tính vào ngân sách thành phố.
Thông tin về tình hình thực hiện Dự án đường Vành đai 2, đoạn nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa - quốc lộ 1, ông Trần Thanh Lộc, Phó Ban điều hành dự án PPP - Ban Giao thông thành phố cho biết, dự án làm đoạn nối trên có mốc thời gian hoàn thành vào năm 2017 nhưng đã 2 lần được lùi thời gian hoàn thành vào các năm 2023 và năm 2026. Nhưng đến nay dự án dở dang này vẫn chưa thể tái khởi động sau 4 năm “đắp chiếu”.
Sau khi chỉ định tư nhân làm chủ đầu tư theo hình thức đối tác công - tư, hợp đồng BT, tháng 10/2015 UBND thành phố phê duyệt tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của dự án là 1.134 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng là 805 tỷ đồng, chi phí dự phòng lên đến 231 tỷ đồng. Khoản chi phí dự phòng lớn như vậy, nhưng tổng mức đầu tư trên được xác định chưa bao gồm khoản lãi vay phát sinh trong thời gian xây dựng. Đến tháng 11/2016 UBND thành phố và nhà đầu tư ký hợp đồng BT với tổng giá trị dự án là 2.765 tỷ đồng, trong đó riêng số tiền dành cho chi phí bồi thường, giải tỏa là 1.821 tỷ đồng, còn lại là chi phí xây dựng và thời gian thực hiện hợp đồng là 24 tháng.
Trả lời UBND thành phố về dự án BT trên vào ngày 6/12 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng, hợp đồng BT thành phố ký với nhà đầu tư đã quy định sử dụng 6 khu đất để thanh toán cho nhà đầu tư. Song các khu đất dự kiến thanh toán cho nhà đầu tư chưa thể hiện trong báo cáo nghiên cứu khả thi khi dự án được phê duyệt. Trong thông báo vào ngày 30/12/2019 đối với dự án trên, Kiểm toán Nhà nước cũng đã kiến nghị UBND TP Hồ Chí Minh rà soát, cập nhật lại các chỉ tiêu, số liệu tài chính và các nội dung chưa phù hợp của hợp đồng BT để điều chỉnh giá trị, tổng vốn đầu tư và các nội dung khác.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng UBND thành phố cần rà soát các khu đất, quỹ đất dự kiến thanh toán cho nhà đầu tư và hợp đồng dự án đã ký kết theo ý kiến của Kiểm toán Nhà nước để có cơ sở xem xét thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 98 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh. Ngoài ra, việc điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi theo phương án của UBND thành phố phải trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho phép. Căn cứ ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, UBND thành phố chịu trách nhiệm xem xét, phê duyệt điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi theo ý kiến của Kiểm toán Nhà nước.
Bảo Sơn
Nguồn CAND : https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/ai-chiu-trach-nhiem-ve-220-du-an-ton-dong-dung-thi-cong-o-tp-ho-chi-minh--i755673/