AI: Cơ hội hay cái bẫy?

AI: Cơ hội hay cái bẫy?
3 giờ trướcBài gốc
AI là cơ hội hay cái bẫy bất bình đẳng thu nhập. Ảnh: Pixel Weavers.
Cơ hội đột phá và rủi ro phân hóa
Trên thực tế, AI không chỉ là công cụ hỗ trợ mà đang dần trở thành trung tâm điều phối của nhiều ngành công nghiệp. Khác với các làn sóng tự động hóa trước đây vốn thường chỉ tập trung vào nhà máy và sản xuất, AI hiện nay đang hiện diện ngày càng nhiều trong các lĩnh vực sáng tạo và trí tuệ.
Trong sản xuất và logistics, robot AI đảm nhiệm việc điều phối chuỗi cung ứng và vận hành kho vận. Trong tài chính, thuật toán AI được sử dụng để xử lý giao dịch, phát hiện gian lận và thậm chí ra quyết định đầu tư. Trong y tế, AI hỗ trợ bác sĩ phân tích hình ảnh y khoa. Trong dịch vụ khách hàng, trợ lý ảo thay thế nhân viên tổng đài. Trong lĩnh vực pháp lý, phần mềm có thể rà soát hợp đồng với tốc độ vượt xa cả luật sư tập sự...
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), khoảng 40% việc làm toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng bởi AI. Đặc biệt, tại các nền kinh tế phát triển, con số này có thể lên tới 60%, đồng nghĩa với việc nhiều công việc sẽ thay đổi đáng kể, từ nâng cao hiệu suất đến bị thay thế hoàn toàn. Trong khi đó, các quốc gia đang phát triển tuy chịu tác động trực tiếp thấp hơn (khoảng 40% ở các nước mới nổi và 26% ở nhóm thu nhập thấp), nhưng lại phải đối mặt với rào cản về hạ tầng số và thiếu hụt kỹ năng lao động, làm khoảng cách giữa các nền kinh tế càng bị nới rộng.
Sự chuyển dịch của thị trường lao động dưới tác động của AI là điều tất yếu. Nhưng điều khiến nó trở nên đặc biệt nguy hiểm chính là tốc độ và quy mô. Lịch sử đã chứng minh rằng mỗi cuộc cách mạng công nghệ đều tạo ra các ngành nghề mới, đồng thời loại bỏ hàng triệu công việc cũ. Nhưng AI mang một đặc điểm khác biệt: nó không chỉ thay thế lao động phổ thông mà còn đe dọa cả các công việc vốn đòi hỏi kỹ năng và tư duy phức tạp.
Một ví dụ đáng chú ý là Klarna - Công ty Công nghệ tài chính tại Thụy Điển đã thay thế 700 nhân viên dịch vụ khách hàng chỉ trong vòng một năm bằng một hệ thống AI có khả năng xử lý khối lượng công việc tương đương. Đáng tiếc là phần lớn nhân sự bị thay thế không được đào tạo lại để tiếp tục tham gia vào chuỗi giá trị mới do AI tạo ra.
Bất bình đẳng lan rộng, không chỉ là thu nhập
Những lao động có trình độ cao như kỹ sư phần mềm, nhà khoa học dữ liệu, chuyên gia nội dung kỹ thuật số đang tận dụng AI để tăng năng suất, cải thiện chất lượng công việc và nhận mức lương cao hơn. Ngược lại, nhóm lao động kỹ năng thấp, lao động phổ thông hoặc làm việc trong các ngành không dễ số hóa như thủ công, bán lẻ, dịch vụ trực tiếp lại gặp khó trong việc tiếp cận hoặc sử dụng AI một cách hiệu quả. Điều này không chỉ khiến họ mất đi lợi thế cạnh tranh, mà còn làm tăng nguy cơ bị thay thế hoặc gạt ra ngoài thị trường lao động.
Tác động của AI cũng lan rộng theo chiều không gian. Các trung tâm công nghệ như San Francisco, London, Singapore và Thượng Hải đang chiếm ưu thế trong cuộc đua AI nhờ hạ tầng số mạnh mẽ, đội ngũ nhân lực chất lượng cao và dòng vốn đầu tư liên tục. Trong khi đó, các vùng nông thôn, thị trấn nhỏ và các nước đang phát triển nơi thiếu hụt cả hạ tầng và nhân lực phù hợp, ngày càng bị gạt ra ngoài cuộc chơi công nghệ.
Báo cáo AI Preparedness Index của IMF công bố năm 2024 cho thấy các quốc gia thu nhập cao chiếm áp đảo trong nhóm dẫn đầu, với Singapore, Hoa Kỳ và Đan Mạch đứng top 3. Ngược lại, tại các nước thu nhập thấp, chi phí internet có thể chiếm tới 31% thu nhập bình quân đầu người và tỷ lệ tiếp cận internet chỉ dừng ở mức 27%.
Không chỉ vậy, AI đang góp phần tái cấu trúc thị trường việc làm thông qua sự mở rộng nhanh chóng của nền kinh tế việc làm tự do. Mặc dù mô hình này mang lại tính linh hoạt, nhưng phần lớn công việc dạng tự do như giao hàng, lái xe công nghệ, làm việc theo dự án ngắn hạn… lại thiếu ổn định và không có chế độ bảo vệ lao động như bảo hiểm, nghỉ phép hay hưu trí. Trong bối cảnh đó, việc AI tiếp tục xâm nhập các lĩnh vực này thông qua robot giao hàng, xe tự lái, dịch vụ tự động hóa, đang khiến nguồn thu vốn đã bấp bênh càng thêm dễ tổn thương.
Giáo sư Erik Brynjolfsson - Giám đốc Viện Trí tuệ nhân tạo lấy con người làm trung tâm tại Đại học Stanford (Mỹ) cảnh báo: “Nếu không có sự can thiệp chính sách kịp thời, AI có thể đẩy nhanh quá trình chuyển dịch thu nhập từ lao động sang vốn, từ vùng nghèo sang vùng giàu và từ người bình thường sang những cá nhân hoặc tổ chức kiểm soát công nghệ”. Ông nhấn mạnh rằng giải pháp không nằm ở việc kìm hãm AI, mà ở chỗ phân phối lợi ích một cách công bằng thông qua các chính sách đào tạo, tái phân bổ đầu tư và hạ tầng kỹ thuật số.
Các Chính phủ cần tăng cường đầu tư vào hạ tầng công nghệ số hiện đại, đồng thời đưa giáo dục STEM (bao gồm các môn khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) trở thành nền tảng phổ biến trong hệ thống giáo dục, giúp thế hệ trẻ trang bị tư duy và kỹ năng phù hợp với thời đại AI. Song song đó, cần mở rộng các chương trình đào tạo lại cho người lao động để thích nghi với công việc mới và xây dựng hệ thống an sinh xã hội linh hoạt nhằm bảo vệ những đối tượng dễ bị tổn thương trong quá trình chuyển đổi.
IMF đề xuất đưa kỹ năng AI vào chương trình giáo dục phổ thông và tích hợp đào tạo công nghệ vào các cấp đại học, cao đẳng và giáo dục nghề. Đồng thời, cần nghiên cứu các chính sách tài khóa mới để bảo vệ người lao động trong bối cảnh vai trò của họ trong chuỗi giá trị đang dần bị thay thế.
Một nghiên cứu công bố trên tạp chí Science năm 2024 bởi nhóm gồm Tyna Eloundou, Daniel Rock, Pamela Mishkin và Sam Manning chỉ ra rằng AI mang lại hiệu suất cao nhất cho nhóm lao động có thu nhập từ 90.000 USD/năm trở lên - tức là tầng lớp thu nhập cao. Trong khi đó, nhóm lao động phổ thông, đặc biệt là lao động chân tay và dịch vụ, gần như không tiếp cận được các công cụ AI một cách hiệu quả.
Hồng Nhung
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/ai-co-hoi-hay-cai-bay-10304082.html