AI của cha đẻ Facebook gây phản ứng ngược

AI của cha đẻ Facebook gây phản ứng ngược
8 ngày trướcBài gốc
Meta nỗ lực đưa AI vào sản phẩm khi đã chậm hơn đối thủ. Ảnh: Profit.
Tuy đã xuất hiện ở phiên bản tiếng Việt từ cuối năm 2024, gần đây nhiều người dùng nhận thấy sự xuất hiện dày đặc của công nghệ AI của Meta. Từ bài đăng Facebook, đến Instagram, Messenger, những vòng tròn tím liên tục hỏi thăm người dùng có cần trợ giúp, giải nghĩa thông tin gì không.
Trên thực tế, đây là bước đi chiến lược trong cuộc đua AI khốc liệt giữa các ông lớn công nghệ. Trong khi OpenAI đang giữ thế thượng phong với ChatGPT, Google phát triển mạnh Gemini, Meta tích cực đẩy mạnh AI trên hệ sinh thái nhằm tận dụng lợi thế nền tảng khổng lồ với hàng tỷ người dùng nhằm bắt kịp đối thủ.
Tuy nhiên, bước đi này của Meta cũng khiến người đặt ra câu hỏi về vấn đề bảo mật thông tin. Một số bày tỏ sự phiền phức khi công nghệ này ăn sâu vào cuộc sống hàng ngày của mọi người.
Meta AI là gì?
Đây là mô hình trợ lý ảo do Meta, công ty mẹ của Facebook, phát triển dựa trên mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) Llama3, và mới nhất là Llama 4. Meta đánh giá Llama 4 là bước tiến quan trọng trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, và sắp ra mắt Llama 4 Behemoth - LLM thông minh nhất thế giới.
Hiện tại, Meta AI đã được tích hợp vào Facebook, Instagram, Whatsapp và Messenger. Bạn có thể sử dụng AI bằng cách tạo một cuộc trò chuyện mới, hoặc nhắc đến @Meta AI trong các cuộc hội thoại đang diễn ra. Công cụ đã được hỗ trợ tiếng Việt từ tháng 10/2024.
Ngoài các tính năng trả lời câu hỏi, gợi ý nội dung và “Imagine” giúp tạo ảnh, Meta AI có thể giúp người dùng tiết kiệm thời gian hoặc hỗ trợ công việc sáng tạo như tạo bài đăng, chỉnh sửa ảnh, và tìm kiếm thông tin trực tiếp. Bạn có thể vào fanpage của Meta AI để tham khảo thêm các ứng dụng của công cụ.
Các ứng dụng của Meta AI trên hệ sinh thái. Ảnh: Facebook, Instagram.
Người dùng có thể tìm kiếm Reels liên quan đến chủ đề cuộc trò chuyện ngay trong hộp tin nhắn. Nếu như ChatGPT đang gây bão mạng xã hội với khả năng tạo nhân vật từ hộp đồ chơi, người dùng cũng có thể tạo và cá nhân hóa nhân vật AI theo sở thích trên Meta AI.
Từ đầu năm 2025, Meta AI được tùy chỉnh cho người dùng Việt, có khả năng hiểu văn hóa địa phương và tần suất hiển thị nhiều hơn. Trên hệ sinh thái của Meta, cứ lướt một vài bài đăng, hay vừa vào phần trò chuyện là sẽ xuất hiện vòng tròn tím của công cụ.
Bằng cách chủ động tích hợp AI dày đặc, Meta không chỉ muốn bạn dùng nhiều hơn mà còn tạo ra một hệ sinh thái nơi AI hỗ trợ từ tìm kiếm, mua sắm đến tương tác xã hội, từ đó tăng giá trị của các nền tảng này.
Phản ứng từ người dùng
Trong khi mang lại nhiều giá trị giải trí và sự tiện dụng cho người dùng trong các ứng dụng, Meta AI đang nhận nhiều đánh giá về vấn đề bảo mật thông tin cũng như tần suất quá dày đặc khiến nhiều người bị ngộp.
Thử tưởng tượng bạn đang trò chuyện với một người bạn, ví dụ như về bộ phim đã xem hôm qua hoặc điều gì đó tế nhị cần xin lời khuyên. Mặc dù sẽ rất tiện dụng nếu bạn dùng AI để giải thích nội dung của bộ phim, hoặc nói rõ ra vấn đề bạn muốn truyền đạt, nó sẽ làm giảm đi giá trị của giao tiếp.
Phóng viên Polly Hudson từ The Guardian cảm thấy bị ám ảnh với những vòng tròn màu xanh-tím, và cho rằng lý do khiến cộng đồng mạng phẫn nộ là vì họ không thể tắt tính năng này được.
“Chúng ta nên được phép tắt tính năng này, thay vì bị ép phải chấp nhận nó. Nó ở đây là một sự có mặt đe dọa ở góc màn hình, luôn hiện diện, theo dõi và chờ đợi”, cô viết.
Việc trò chuyện với nhau có dùng AI cảm giác như 2 người máy nói chuyện. Ảnh: The Guardian.
Trước đó, nhiều báo như Wired hay AP News đã phản hồi về việc Meta dùng dữ liệu người dùng để huấn luyện AI của họ. Trước đó, Meta cũng từng bị cấm phát hành AI ở thị trường châu Âu do vi phạm quyền riêng tư. Chính công ty mẹ của hàng loạt ứng dụng như Facebook, Instagram, Messenger cũng thừa nhận điều này.
Hiện tại, Meta đã có những cam kết chỉ sử dụng thông tin công khai và có giấy phép, đồng thời không sử dụng dữ liệu từ tin nhắn riêng tư hoặc của người dùng dưới 18 tuổi. Hãng cũng đã mã nguồn mở Llama 4 để tăng tính minh bạch khi cho cộng đồng tham gia vào quá trình tùy chỉnh, phát triển mô hình.
Tuy nhiên, Tổ chức Sáng kiến Mã nguồn mở (Open Source Initiative) vào năm 2023 cho rằng Llama 4 không còn được xếp vào danh mục mã nguồn mở nữa. Meta vẫn chưa công khai hoàn toàn cách họ thu thập và sử dụng dữ liệu người dùng để huấn luyện AI.
Trong tương lai, ứng dụng của AI sẽ ngày càng phổ biến. Người dùng có thể tận dụng lợi ích của chúng, đồng thời cũng cần kiểm chứng thông tin và bảo vệ dữ liệu cá nhân một cách phù hợp.
Nhật Tường
Nguồn Znews : https://znews.vn/ai-cua-cha-de-facebook-gay-phan-ung-nguoc-post1543996.html