Ai đã biến ông Trump thành 'ngôi sao'?

Ai đã biến ông Trump thành 'ngôi sao'?
20 ngày trướcBài gốc
Vào cuối mùa hè năm 2003, một nhóm nhà sản xuất truyền hình bước ra khỏi thang máy tầng 26 tại Tháp Trump, háo hức khảo sát bối cảnh cho chương trình thực tế mới. Sau nhiều năm quay phim tại các khu rừng, họ đến đây để tìm một cảm giác khác - những chi tiết nhỏ gợi lên sự giàu có và quyền lực.
Tuy nhiên, họ ngay lập tức nhận thấy điều bất cập.
Đầu tiên là mùi hôi, mùi thảm ẩm mốc vây quanh họ như một đám mây u ám vô hình. Tiếp đó, họ phát hiện hàng loạt vết trầy xước trên bề mặt bàn gỗ và tủ đựng tài liệu. Phong cách trang trí lạc hậu, khiến cả không gian trông như một cỗ máy thời gian ngưng lại từ những ngày đầu khi tỷ phú Donald J. Trump mở tòa nhà.
Không khí bên trong cũng khá ảm đạm. Chưa đến 50 nhân viên làm việc tại trụ sở của Trump Organization ở Manhattan. Tại phòng của ông Trump, bàn làm việc không có dấu hiệu của công việc - không có màn hình máy tính hay hợp đồng, chỉ có một loạt bài báo tập trung vào chủ đề duy nhất - bản thân ông.
"Khi bước vào văn phòng của một tỷ phú, bạn sẽ không nghĩ phải thấy đồ đạc trầy xước hay ngửi mùi thảm ẩm mốc”, ông Bill Pruitt, một trong những nhà sản xuất của NBC, nhớ lại.
Chương trình “The Apprentice”, về cơ bản là một trò chơi truyền hình, với phần thưởng cuối cùng là vị trí trong văn phòng ông Trump. Nhưng phần thưởng đó lại có mùi ẩm mốc, theo nghĩa đen.
“Tất cả chúng tôi đều thấy điều này vô lý”, ông Alan Blum, một nhà sản xuất khác, kể lại.
New York Times đã thuật lại những năm đầu tiên của ông Trump trong “The Apprentice” và số tiền ông kiếm được từ chương trình này trong cuốn sách sắp ra mắt “Lucky Loser: How Donald Trump Squandered His Father’s Fortune and Created the Illusion of Success” (Kẻ thua cuộc may mắn: Ông Donald Trump đã lãng phí tài sản của cha mình và tạo ra ảo tưởng về thành công như thế nào).
Cuốn sách được viết dựa trên hàng chục cuộc phỏng vấn kéo dài nhiều năm, tài liệu nội bộ từ chương trình, hồ sơ tài chính và thuế của gia đình Trump qua hàng thập kỷ. Ông Trump, hiện tranh cử tổng thống lần thứ ba, không trả lời yêu cầu phỏng vấn cho cuốn sách này.
Bàn tay tạo nên phiên bản Trump khác
Không khí trong văn phòng hôm đó chỉ phản ánh một phần nhỏ khó khăn mà ông Trump phải đối mặt. Những khoản vay cho sòng bạc, dịch vụ hàng không và khách sạn khi đó đã đẩy ông đến bờ vực phá sản.
Ông Trump đã xây dựng một tập đoàn đa ngành dựa trên các khoản vay dễ dàng từ ngân hàng và sự giàu có của cha mình. Cuối cùng, các chủ nợ buộc ông phải trả lại gần như tất cả. Vị tỷ phú cũng phải tuyên bố phá sản sòng bạc và một khách sạn để thoát khỏi các khoản nợ khác.
Dù ông Trump luôn phủ nhận tài sản kế thừa và chế nhạo cha mình là người làm ăn nhỏ để khiến thành tựu của bản thân vẻ vang hơn, việc sinh ra trong giàu có là bước may mắn đầu tiên trong cuộc đời nhiều vận may của cựu tổng thống.
Nhà sản xuất Mark Burnett - bàn tay tạo nên hình ảnh mới cho ông Trump. Ảnh: New York Times.
Ông Trump đã được nhà sản xuất Mark Burnett phát hiện khi ở tuổi 57. Các chương trình truyền hình của ông Burnett luôn được khán giả mong chờ. Với “The Apprentice”, đội ngũ của ông Burnett sẽ lo tất cả khía cạnh sáng tạo và kinh doanh, ông Trump chỉ cần đóng vai một phiên bản đã được tái tạo của chính mình.
Trước ông Trump, đội ngũ sản xuất đã liên lạc với một số ông trùm như Jack Welch, Warren Buffett và Richard Branson. Tuy nhiên, các nhà sản xuất cho rằng họ thường không có thời gian rảnh và thiếu sức hút truyền thông. Ngược lại, ông Trump - người luôn xuất hiện trên các trang báo lá cải ở New York, dù tốt hay xấu - sẽ dễ dàng thu hút sự chú ý và không bao giờ né tránh máy quay.
Trong chương trình “The Apprentice”, các thí sinh được chia thành hai đội và trải qua thử thách mỗi tuần. Cuối mỗi tập, đội thua cuộc sẽ gặp ông Trump. Ông sẽ nhìn vào một thí sinh và thốt lên câu nói đặc trưng: “Bạn bị sa thải!”. Phần thưởng cho người chiến thắng là một năm thực tập tại Trump Organization, với mức lương do đài truyền hình chi trả.
Nhiệm vụ của các nhà sản xuất không chỉ là ngăn khán giả biết thực trạng văn phòng của ông Trump, mà họ còn cần tạo ra một phiên bản Donald Trump khác xa thực tế - một người đàn ông chín chắn, suy nghĩ sâu sắc và giàu có vô tận.
“Chúng tôi không làm phim tài liệu mà là một chương trình giải trí phát sóng trên truyền hình”, nhà sản xuất Jonathon Braun nhớ lại.
“The Apprentice” đã tạo ra một ngôi sao truyền hình thực tế không ngờ, người có sức hút bí ẩn và không thể phủ nhận với khán giả, người cuối cùng đã tìm thấy sân khấu lớn nhất của mình trên con đường chính trị.
Biến ông Trump thành "vua của New York"
Việc tái xây dựng hình ảnh cho ông Trump bắt đầu vào một ngày gió lớn trên sân thượng của Tháp Trump. Theo kế hoạch, họ sẽ quay cận mặt ông Trump sau đó mở rộng ra toàn thành phố để khiến vị tỷ phú trông như “vua của New York”.
Sau khi kết thúc quay phim, đội ngũ sản xuất đã xem lại video. “Khi xem tới cảnh đó, cả phòng bật cười”, ông Harris nhớ lại.
Ông Trump nổi tiếng sau chương trình “The Apprentice”. Ảnh: New York Times.
Sau nhiều tuần quay phim và chỉnh sửa hậu kỳ, đội ngũ của ông Burnett đã hoàn thành video cuối cùng để xây dựng lại hình ảnh của ông Trump.
Đoạn video mang tên “Gặp gỡ tỷ phú” mở đầu với cảnh quay trên không, đưa khán giả qua nhiều cảnh quan ở New York. Trong đoạn video, ông Trump nhấn mạnh sự khắc nghiệt của New York kèm theo câu nói truyền cảm hứng “nếu làm việc chăm chỉ, bạn có thể thành công lớn”.
Ngay sau đó máy quay chuyển cảnh đến Seven Springs, khu bất động sản cũ kỹ ở phía bắc thành phố mà ông Trump đã mua nhiều năm trước, với kế hoạch xây dựng sân golf nhưng chưa thể thực hiện. Tiếp đến là ánh đèn neon rực rỡ bên ngoài sòng bạc Trump Taj Mahal ở Atlantic City, thuộc công ty sòng bạc chưa từng sinh lãi và đang trên đà phá sản lần nữa.
“Nhưng mọi chuyện không phải lúc nào cũng dễ dàng. Khoảng 13 năm trước, tôi gặp rắc rối nghiêm trọng và mắc nợ hàng tỷ USD. Song tôi đã chiến đấu và thắng lớn. Tôi dùng trí óc, kỹ năng đàm phán và giải quyết mọi thứ. Giờ đây, công ty của tôi lớn mạnh hơn bao giờ hết”, ông tiếp lời.
Song vị tỷ phú đã quên đề cập đến việc ông vừa yêu cầu các anh chị em bán hàng chục tòa nhà mà cha họ để lại, đi ngược lại với mong muốn giữ gìn đế chế gia đình của người cha quá cố.
“Chúng tôi đã biến ông ấy thành vua bằng mọi cách”, nhà sản xuất Bill Pruitt nói. “Nhiệm vụ của chúng tôi là đảm bảo tất cả khán giả đều tin làm việc cho ông ấy là một cơ hội lớn”.
Tính cách khó lường
Tính khó lường của ông Trump, một điểm yếu trong kinh doanh, đã trở thành điểm mạnh trong vai trò mới. Trong tập đầu tiên của “The Apprentice”, ông Trump bất ngờ sa thải một thí sinh có màn thể hiện khá tốt.
“Ông ấy sa thải nhầm người”, ông Braun nhớ lại, và dần nhận ra những lần ông Trump “không biết chuyện gì đang xảy ra và chỉ bịa ra một điều gì đó”.
“Ông ấy chỉ đơn giản chọn một cái tên. Và có thể đó là cái tên duy nhất ông ấy nhớ”, ông nói thêm.
Trong những tình huống hình ảnh của chương trình có nguy cơ bị đe dọa, đội ngũ của Burnett phải nhanh chóng biên tập lại để khiến quyết định của vị tỷ phú trông có vẻ hợp lí hơn.
Đến đêm chung kết mùa đầu tiên vào tháng 4/2004, “The Apprentice” đã trở thành một cú hit thực sự, với lượng khán giả trung bình 20,7 triệu người. Và ông Trump trở nên nổi tiếng hơn bao giờ hết.
“Tôi sắp trở thành ngôi sao truyền hình được trả lương cao nhất nước Mỹ!”, ông Trump tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn sau đó.
NBC đã đồng ý trả ông Trump 50.000 USD cho mỗi tập của mùa một. Sau đó, ông yêu cầu tăng lương để sánh ngang với các ngôi sao “Friends”. Song các giám đốc điều hành của NBC đã từ chối yêu cầu này.
Sòng bạc Trump Taj Mahal của ông Trump ở Atlantic City. Ảnh: New York Times.
Bệnh ngôi sao
Trong một buổi ghi hình, đội ngũ sản xuất đã sắp xếp khu vực riêng để trực thăng của ông Trump hạ cánh. Tuy nhiên, sau gần nửa giờ chờ đợi, nhà sản xuất cấp cao Dan Gill và Phó chủ tịch QVC Tim Megaw vẫn không thấy nhân vật chính xuất hiện. Cuối cùng, trực thăng của ông Trump bất ngờ bay về phía tòa nhà của QVC.
“Chuyện quái gì đang xảy ra vậy?”, ông Megaw nói với ông Gill.
Trực thăng đã hạ cánh tại bãi đỗ xe, cuốn theo hàng trăm viên đá nhỏ bắn tung tóe vào xe của nhân viên. Không ít người sau đó đã nộp đơn yêu cầu bù đắp thiệt hại.
Ông Megaw kinh ngạc. Ông Gill “giận dữ” và “xấu hổ”, chất vấn vệ sĩ của ông Trump tại sao trực thăng không hạ cánh tại bãi đáp đã chuẩn bị và câu trả lời còn khiến ông thấy tồi tệ hơn.
“Ông ấy không muốn giẫm lên cỏ và làm bẩn đôi giày của mình”, vệ sĩ nói.
Ông Trump khi đó đã trở thành một ngôi sao và ngày càng hành xử như một người nổi tiếng. “Tất cả những gì ông ấy quan tâm là số tiền thu được từ việc tích hợp sản phẩm (trong chương trình)”, ông Gill nói.
Ông Trump đã kiếm được hơn 200 triệu USD từ “The Apprentice” và “Celebrity Apprentice”. Nhờ khôi phục hình ảnh, ông cũng kiếm thêm 200 triệu USD nữa từ các thỏa thuận và quảng cáo. Số tiền này, tương đương với khoản thừa kế và cũng không đòi hỏi bất kỳ kiến thức kinh doanh nào. Sau đó, ông Trump đã mở đã một loạt doanh nghiệp mới, song tất cả đều thua lỗ.
Đến tháng 6/2015, ông Trump trở lại Tháp Trump, dàn dựng sự kiện công bố ứng cử tổng thống gợi nhớ đến cảnh quay quen thuộc trong “The Apprentice”. Tuy nhiên, trong bài phát biểu của mình, ông Trump đã không còn được bảo vệ bởi lớp vỏ biên tập. Cựu tổng thống gây sốc vì cáo buộc với người nhập cư từ Mexico.
“Họ mang theo ma túy, tội phạm và là những kẻ hiếp dâm. Tôi cho rằng chỉ một số là người tốt”, ông nói.
Các giám đốc NBC bị sốc. Ông Trump nhanh chóng rời khỏi chương trình và các thỏa thuận sử dụng tên tuổi của ông phần lớn cũng bị hủy.
Song ông Trump đã nhận lại một thứ có giá trị lớn hơn: Danh tiếng của một tỷ phú tự thân được xây dựng đầy khéo léo. Món quà đó từ ông Burnett sẽ là trung tâm cho sự nghiệp mới thậm chí còn khó tin hơn mà ông Trump vừa mới bắt đầu.
Điểm nhấn trong màn 'so găng' 105 phút giữa ông Trump và bà Harris Màn tranh luận trực diện Donald Trump - Kamala Harris tại Philadelphia, bang Pennsylvania hôm 10/9 (giờ địa phương) được cho là cơ hội lớn nhất để thay đổi cục diện cuộc bầu cử.
Hải Linh
Nguồn Znews : https://znews.vn/ai-da-bien-ong-trump-thanh-ngoi-sao-post1497946.html