Israel được lợi từ ý tưởng của ông Trump
Tổng thống Mỹ Donald Trump từng nhiều lần nhấn mạnh giá trị kinh tế của Gaza - vùng đất có vị trí đắc địa nằm giáp Địa Trung Hải, trấn giữ nút giao thương giữa kết nối Ai Cập với Levant. Hồi tháng 1 vừa qua, vấn đề Gaza cũng một lần nữa xuất hiện trong bài phát biểu nhậm chức của tân Tổng thống Mỹ.
"Đó là một vị trí tuyệt vời, giáp biển, với thời tiết lý tưởng. Mọi thứ đều rất thuận lợi. Một số điều tuyệt vời có thể được thực hiện ở đó”, ông Trump nói, nhấn mạnh ý định tham gia vào quá trình tái thiết khu vực.
Sự quan tâm của Tổng thống Mỹ tới Gaza rõ ràng đã tiến thêm một bước trong những tuần tiếp theo, dẫn đến tuyên bố đầy bất ngờ tại cuộc gặp với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 4/2: Mỹ sẽ tiếp quản Gaza, tiến hành di dời khoảng 2 triệu người Palestine sống tại Gaza đến các quốc gia láng giềng như Jordan và Ai Cập, đồng thời biến vùng đất này thành "Riviera của Trung Đông” với các cơ hội kinh tế mới.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Getty
Không rõ ông Netanyahu có ủng hộ ý tưởng này hay không nhưng nhà lãnh đạo Israel đã mỉm cười khi nghe ông chủ Nhà Trắng đề cập đến việc tiếp quản Gaza.
Theo ông Grigory Lukyanov, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Ả Rập và Hồi giáo thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, mặc dù vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ nhiều phía, từ các quốc gia Ả Rập như Ai Cập, Jordan và Saudi Arabia đến các đồng minh châu Âu của Mỹ như Anh, Đức, Pháp, đề xuất của Tổng thống Donald Trump mang lại nhiều lợi ích chiến lược cho Israel.
Đối với Israel, việc đồng minh Mỹ tiếp quản Gaza sẽ giúp củng cố thất bại chiến lược của lực lượng Hamas sau hơn 1 năm giao tranh vừa qua, đồng thời tạo đòn bẩy giúp Tel Aviv hiện thực hóa mục tiêu "vẽ lại bản đồ" khu vực. Dù đã làm suy yếu đáng kể lực lượng ủy nhiệm Hezbollah của Iran ở Lebanon cũng như chứng kiến Tổng thống Assad thân Iran ở Syria sụp đổ, giới quan sát vẫn nhận định rằng, Israel không thể hoàn toàn kiểm soát tình hình Gaza thời hậu chiến. Sự hiện diện của Mỹ sẽ giúp Tel Aviv đảm bảo an ninh, bảo đảm Hamas không tái lập quyền kiểm soát tại Gaza. Đây là mục tiêu mà Israel đã cố gắng thực hiện qua các chiến dịch quân sự nhưng chưa thành công. Ngoài ra, đề xuất di dời khoảng 2 triệu người dân Palestine ra khỏi Gaza cũng giảm bớt đáng kể gánh nặng tài chính cho Israel thời hậu chiến.
Thêm một dấu hiệu đáng mừng cho Israel là trong lần tái nhiệm này, ông Trump dường như một lần nữa gắn chặt chính sách của Mỹ với chương trình nghị sự của Thủ tướng Israel. Ngoài tuyên bố tiếp quản Gaza, Tổng thống Trump mới đây đã yêu cầu Quốc hội phê duyệt việc chuyển giao gói vũ khí mới trị giá khoảng 1 tỷ USD cho Israel, đồng thời ký các sắc lệnh hành pháp tái áp đặt "áp lực tối đa" lên Iran – đối thủ truyền thống của Tel Aviv.
Mỹ cũng chính thức rút chân khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc và Cơ quan Cứu trợ người tị nạn Palestine ở Trung Đông (UNRWA). Tel Aviv từng cáo buộc hai tổ chức này này kích động chống lại Israel và dính dáng đến phong trào kháng chiến Hamas ở Gaza. Chính phủ Netanyahu mới đây cũng cấm UNRWA hoạt động trên lãnh thổ Israel.
Ý tưởng còn đang bỏ ngỏ
Tuy vậy, cho đến nay, tuyên bố này của ông Trump mới dừng ở mức ý tưởng. Các quan chức cho biết, đề xuất này chủ yếu nhằm thúc đẩy tiến trình tái thiết Gaza trong bối cảnh chưa có quốc gia nào đưa ra giải pháp hợp lý cho vấn đề này. Sau hơn 1 năm giao tranh giữa Israel và Hamas, Dải Gaza đã bị tàn phá nặng nề. Trung tâm vệ tinh Liên Hợp Quốc (UNOSAT) ước tính, tính đến đầu tháng 12/2024, khoảng 69% cơ sở hạ tầng tại đây đã bị phá hủy hoặc hư hại nghiêm trọng, một nửa số bệnh viện buộc phải đóng cửa; trong khi mạng lưới giao thông gần như tê liệt.
Dù thế nào đi nữa, việc ông Trump công bố ý tưởng tiếp quản Gaza đã gây chấn động. Một cố vấn về các vấn đề Trung Đông, người chưa từng nghe về đề xuất này trước đó, mô tả rằng những người đồng nghiệp của anh “rất sửng sốt” khi Tổng thống Mỹ bất ngờ đề cập đến ý tưởng này.
Tuy nhiên, một số ý kiến khác lại cho rằng, ông Trump đã tiết lộ ý tưởng này với nhóm thân cận ngay trước cuộc gặp mặt với ông Netanyahu. Trở về Washington sau chuyến thăm Gaza vào tuần trước, Đặc phái viên Trung Đông Steve Witkoff đã kể lại cho Tổng thống Mỹ những gì mà ông mô tả là “sự tàn phá khủng khiếp” ở Gaza, khiến người dân không thể tiếp tục sinh sống tại đây.
“Đó là những tòa nhà có thể đổ bất cứ lúc nào. Không có bất kỳ tiện ích nào ở đó, không có nước, điện, gas, không có gì cả. Chúa biết loại bệnh nào có thể đang hoành hành ở đó”, ông Witkoff chia sẻ với các phóng viên. “Vì vậy, khi Tổng thống Trump nói về việc dọn dẹp nó, ông ấy nói về việc làm cho nó có thể ở được. Và đây là một kế hoạch dài hạn”.
Đặc phái viên Trung Đông Steve Witkoff. Ảnh: Getty
Câu chuyện của ông Witkoff dường như đã để lại ấn tượng sâu sắc với ông chủ Nhà Trắng. Trong các cuộc trò chuyện với các trợ lý, nhà lãnh đạo Mỹ thường xuyên bày tỏ nỗi bận tâm về quá trình tái thiết Gaza nhằm ổn định cuộc sống cho người dân.
Một ngày sau, Hạ nghị sĩ Michael Waltz tiết lộ rằng ý tưởng này đã được cân nhắc từ lâu. Xuất hiện trên CBS hôm ngày 5/2, ông nói: "Chúng tôi đã xem xét vấn đề này trong nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng. Thành thật mà nói, ông ấy đã suy nghĩ về nó từ ngày 7/10/2023".
Theo Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt, kế hoạch tái thiết Gaza sẽ bao gồm việc di dời "tạm thời" người Palestine khỏi vùng đất này. Tổng thống Mỹ không cam kết gửi quân đội đến Gaza, mặc dù ông đang để ngỏ khả năng này và hạ thấp các nghĩa vụ tài chính có thể có của Mỹ trong việc đảm bảo "quyền sở hữu lâu dài" đối với dải đất này. Một nguồn tin thân cận với CNN cho biết, nhóm phụ trách vấn đề Trung Đông của Trump đang nỗ lực đảm bảo tất cả các bên "giữ đúng lời hứa", cũng như đảm bảo thỏa thuận ngừng bắn và tiến trình trao trả con tin diễn ra suôn sẻ.
Tuy nhiên, kế hoạch tái thiết Gaza của Mỹ sẽ cần thêm thời gian cân nhắc, bởi việc triển khai quân đội Mỹ đến Gaza sẽ đi ngược lại với lập trường lâu nay của Trump về việc tránh can thiệp vào các cuộc xung đột nước ngoài. Ông Trump từng là một trong những người chỉ trích mạnh mẽ chủ trương "xây dựng quốc gia" của Đảng Cộng hòa dưới thời cựu Tổng thống George W. Bush.
"Chúng ta đang chấm dứt kỷ nguyên của những cuộc chiến tranh bất tận. Thay vào đó, chúng ta sẽ tập trung sáng suốt vào việc bảo vệ các lợi ích sống còn của nước Mỹ. Quân đội Mỹ không có nhiệm vụ giải quyết những cuộc xung đột kéo dài hàng thế kỷ ở những vùng đất xa xôi mà nhiều người thậm chí chưa từng nghe đến”, ông Trump tuyên bố trước các học viên Học viện Quân sự West Point vào năm 2020.
Bên cạnh đó, theo một quan chức Washington, ông Trump vẫn giữ vững niềm tin có thể ký kết một thỏa thuận với Jordan và Ai Cập để hợp thức hóa quá trình di dời người tị nạn từ Gaza vào hai quốc gia này. Đây sẽ là nội dung trọng tâm trong cuộc thảo luận giữa Tổng thống Mỹ với Quốc vương Abdullah II của Jordan tại chuyến thăm Nhà Trắng vào tuần tới. Giống như nhiều nhà lãnh đạo khác trong khu vực, Quốc vương Jordan hiện đang phải đối mặt với một câu hỏi nan giải: Phải làm gì với Gaza ở giai đoạn hậu chiến?
Diệp Thảo/VOV.VN Theo CNN, The Washington Post