AI giúp giải mã cuộn giấy cổ bị cháy trong vụ phun trào núi lửa 2.000 năm trước

AI giúp giải mã cuộn giấy cổ bị cháy trong vụ phun trào núi lửa 2.000 năm trước
3 giờ trướcBài gốc
Cuộn giấy PHerc. 172 tại thư viện Bodleian, Đại học Oxford, được giải mã với nội dung bằng tiếng Hy Lạp cổ. Ảnh: The Guardian
Cuộn giấy này là một trong hàng trăm tài liệu được tìm thấy trong thư viện của một dinh thự La Mã tại Herculaneum, một thị trấn ven biển phía tây Italy bị chôn vùi sau thảm họa núi lửa năm 79 sau Công nguyên.
Dinh thự này được cho là thuộc sở hữu của Lucius Calpurnius Piso Caesoninus - bố vợ Julius Caesar, từng lưu giữ một bộ sưu tập lớn các cuộn giấy cói. Tuy nhiên, phần lớn tài liệu đã bị cháy đen hoàn toàn và khiến chữ viết gần như không thể đọc được. Các cuộn giấy cũng quá mỏng manh, dễ vỡ vụn khi mở ra, đã làm cho việc nghiên cứu gặp nhiều khó khăn suốt nhiều thế kỷ.
Nhờ sự phát triển của công nghệ X-quang 3D và trí tuệ nhân tạo (AI), các nhà khoa học đã có thể "mở" kỹ thuật số cuộn giấy cói PHerc. 172, một trong ba cuộn giấy Herculaneum được lưu trữ tại thư viện Bodleian của Đại học Oxford. Quá trình xử lý dữ liệu cho thấy nhiều cột văn bản bên trong, trong đó có từ διατροπή (dịch là "ghê tởm") xuất hiện hai lần trong cùng một đoạn văn. Phát hiện này mang lại manh mối quan trọng, giúp các học giả tiếp tục giải mã nội dung văn bản cổ.
Dự án giải mã này được thúc đẩy bởi Vesuvius Challenge - một cuộc thi công nghệ khuyến khích các giải pháp đọc văn bản từ các cuộn giấy bị cháy. Tiến sĩ Brent Seales - đồng sáng lập cuộc thi - đánh giá đây là bước tiến lớn nhất trong việc phục hồi văn bản từ các cuộn giấy Herculaneum từng được quét. Hình ảnh X-quang 3D thu được giúp tái tạo cấu trúc vật lý của cuộn giấy và cho phép các nhà nghiên cứu "mở" tài liệu mà không gây hư hại hiện vật.
Việc đọc được văn bản trên các cuộn giấy bị cháy là một thách thức lớn do mực viết bằng carbon đen, vốn không phản chiếu dưới ánh sáng thông thường hoặc tia hồng ngoại. Điều này khiến các bản quét truyền thống không thể phát hiện nội dung chữ viết. Tuy nhiên, nhờ công nghệ AI mà các nhà nghiên cứu đã có thể nhận diện dấu vết mực giữa các sợi giấy cói và từng bước khôi phục ký tự.
Năm ngoái, Vesuvius Challenge đã trao giải thưởng 700.000 USD cho nhóm ba sinh viên gồm Youssef Nader (Đức), Luke Farritor (Mỹ) và Julian Schilliger (Thụy Sĩ) sau khi họ thành công trong việc đọc hơn 2.000 chữ cái Hy Lạp từ một cuộn giấy Herculaneum khác. Nhóm này đã kết hợp X-quang 3D với thuật toán AI để xác định vị trí mực trên giấy cói, sau đó giải mã nội dung văn bản. Cuộn giấy này, được cho là của triết gia theo trường phái khoái lạc Philodemus, bàn luận về các nguồn vui trong cuộc sống, từ âm nhạc đến ẩm thực và phân tích liệu sự thỏa mãn đến từ sự dồi dào hay khan hiếm của thực phẩm.
Cuộn giấy PHerc. 172 vốn được Vua Ferdinand IV của Naples và Sicily tặng cho thư viện Oxford vào thế kỷ 19. Một đặc điểm đáng chú ý là mực trên cuộn giấy này hiển thị rõ hơn dưới tia X so với các cuộn giấy khác, cho thấy nó có thể được viết bằng loại mực đặc hơn. Ông Richard Ovenden - thủ thư của Bodleian, nhận định đây là một bước đột phá khi các thủ thư và nhà khoa học máy tính phối hợp cùng các học giả cổ điển để giải mã những văn bản bị chôn vùi gần 2.000 năm.
Việc phục hồi các cuộn giấy Herculaneum không chỉ giúp giới học giả tiếp cận những văn bản chưa từng được đọc trước đây mà còn mở ra cơ hội hiểu rõ hơn về tư tưởng, văn hóa và triết học của thời kỳ La Mã cổ đại. Thư viện Herculaneum - nơi lưu giữ các cuộn giấy này, được cho là chứa nhiều tác phẩm triết học quan trọng, bổ sung vào những mảnh ghép còn thiếu trong lịch sử nhân loại.
Với sự phát triển nhanh chóng của AI, các nhà nghiên cứu hy vọng rằng trong những năm tới, nhiều cuộn giấy cổ bị chôn vùi dưới lớp tro núi lửa sẽ tiếp tục được giải mã, đồng thời giúp phục dựng một phần lịch sử từng bị thời gian lãng quên.
Hoàng Anh/Báo Tin tức (Theo The Guardian)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/khoa-hoc-cong-nghe/ai-giup-giai-ma-cuon-giay-co-bi-chay-trong-vu-phun-trao-nui-lua-2000-nam-truoc-20250206080118172.htm