AI không thay thế con người – chỉ thay người không chịu học

AI không thay thế con người – chỉ thay người không chịu học
một ngày trướcBài gốc
Đó là chia sẻ trong Podcast “Hành trình kiến tạo tương lai” số 3 do Báo Tiền Phong phối hợp cùng Trường ĐH Mở TPHCM thực hiện, với chủ đề: Ngành học đi trước tương lai, không bị AI thay thế.
AI không thay thế con người – chỉ thay người không chịu học
Trí tuệ nhân tạo đang ngày càng phát triển và len lỏi vào mọi lĩnh vực, từ y tế, giáo dục đến truyền thông, kỹ thuật,.... Nhiều người lo ngại rằng chính những công nghệ này sẽ làm lu mờ giá trị con người, khiến con người hoàn toàn bị phụ thuộc đặc biệt là giới trẻ khi được tiếp xúc với công nghệ từ sớm.
“Chúng ta đừng sợ máy móc thay thế con người chúng ta nên sợ con người thay thế con người, ta phải đặt dấu hỏi rằng là liệu có ai thay thế mình không”, theo TS.Nguyễn Hữu Long chia sẻ và cho rằng AI chỉ là công cụ, và mọi công cụ đều cần con người điều khiển.
Nếu được tận dụng đúng cách, AI giúp tiết kiệm thời gian, nâng cao năng suất và mở ra cơ hội phát triển. Nhưng nếu chỉ lệ thuộc vào công nghệ mà không rèn luyện nội lực, con người rất dễ bị tụt lại phía sau – nhất là với người trẻ chưa đủ kiến thức để đánh giá đúng vai trò của AI.
Nhiều trường đại học đang mở các ngành học gắn với AI, dữ liệu, đổi mới sáng tạo và truyền thông số. Trường ĐH Giao thông Vận tải TPHCM là một ví dụ với ngành Kinh tế số và trí tuệ nhân tạo – kết hợp giữa logistics, giao thông, công nghệ và kinh tế số.
AI không thể thay thế con người, nhưng nó sẽ thay thế những con người không chịu học hỏi. Chuyên gia - TS.Nguyễn Hữu Long chia sẻ thêm “Tôi rất ủng hộ những ngành học mới. Chúng kích thích khả năng tự học, khơi dậy tinh thần cầu tiến và giúp chúng ta tiếp cận gần hơn với tri thức thế giới”
Những ngành học này cung cấp nền tảng kiến thức về các công cụ hiện đại, từ đó góp phần nâng cao hiểu biết và năng lực ứng dụng của người học trong quá trình phát triển xã hội. Việc tiếp cận hiệu quả đòi hỏi sự đào tạo bài bản, cùng với quá trình tương tác và thực hành thường xuyên.
Làm chủ AI hay bị dẫn dắt?
Việc dùng AI để tìm câu trả lời là chưa đủ. Người học phải biến những câu trả lời ấy thành kiến thức của riêng mình. “Tôi có thể đọc được phần còn lại khi sinh viên mới nói nửa câu – vì tôi đã tra trước. Điều tôi mong đợi là các bạn nghĩ ra cái mới, thay vì lặp lại như một chiếc máy”, ông chia sẻ.
Trong kỷ nguyên số, AI sẽ tiếp tục phát triển. Nhưng con người vẫn là trung tâm. Chính sự hiểu biết, khát vọng và tư duy độc lập mới là “lá chắn” giúp mỗi cá nhân không bị công nghệ điều khiển.
Việc làm chủ máy móc bắt đầu từ việc hiểu rõ cách thức vận hành và ứng dụng. Khi được sử dụng đúng cách, trí tuệ nhân tạo có thể trở thành một công cụ hỗ trợ hiệu quả, giúp con người tiết kiệm thời gian và nâng cao năng suất. Ba điều cần có chính là: hiểu biết, mục tiêu rõ ràng, khát vọng phát triển
Đây cũng là điều ông Nguyễn Hữu Long thường chia sẻ với sinh viên: “Nếu bạn không có khát vọng, thì dù có trong tay 10 công cụ AI, bạn vẫn không thể vượt lên. Nhưng nếu bạn có khát vọng, hiểu biết và đam mê công nghệ, bạn sẽ biết cách dùng công nghệ như một bàn đạp để sáng tạo và phát triển.”
Ông dẫn chứng từ một tình huống giảng dạy: “Tôi hỏi sinh viên một câu hỏi, và các bạn dùng AI để trả lời. Nhưng tối hôm trước tôi đã tra sẵn trên Google và Chat GPT rồi. Tôi biết hết các đáp án, nên sinh viên nói chưa hết câu là tôi đọc được phần còn lại. Không phải tôi giỏi hơn, tôi chỉ nhanh hơn các bạn một bước. Vậy nên, điều tôi chờ đợi là các bạn phải biến câu trả lời đó thành câu chữ, ngôn ngữ, tư duy của chính mình – chứ không phải lặp lại như cái máy.”
Muốn tránh điều đó, người trẻ cần phát huy nội lực – tức là khả năng tư duy độc lập, ý chí học hỏi, khát vọng cống hiến và trưởng thành. Có khát vọng, mới có động lực để vượt lên, để học, để làm chủ.
Theo ông, để không bị công nghệ dẫn dắt, người trẻ cần phát huy nội lực – tức là khả năng tư duy độc lập, ý chí học hỏi và khát vọng cống hiến. “Có khát vọng mới có động lực để học hỏi, để trưởng thành và làm chủ công nghệ.”
Trí tuệ nhân tạo đang ngày càng len lỏi vào mọi lĩnh vực, từ y tế, giáo dục đến truyền thông, kỹ thuật. Nhiều người lo ngại rằng công nghệ này sẽ làm lu mờ giá trị con người, nhưng thực tế, AI chỉ là một sản phẩm chứng minh cho năng lực phát minh, sáng tạo vượt bậc của chính nhân loại.
“Như vậy, để tồn tại trong kỉ nguyên số, trong thời buổi hiện nay thì lúc nào cũng hướng đến sự phát triển và tận dụng sự phát triển của công nghệ để mình tự đào tạo, tự học tập, tự đo trình độ và đặc biệt là phải có bản lĩnh để không bị nó điều khiển mình.”, theo TS. Nguyễn Hữu Long.
Ngọc Ly - Hồng Giàu
Nguồn Tiền Phong : https://tienphong.vn/ai-khong-thay-the-con-nguoi-chi-thay-nguoi-khong-chiu-hoc-post1763395.tpo