Ngày 23/11, Sở Y tế TPHCM cho biết trên địa bàn ghi nhận trường hợp nữ bệnh nhân L.T.T.D (20 tuổi, ở huyện Bình Chánh) tử vong do sốt xuất huyết.
Theo thống kê của Bộ Y tế, tích lũy từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 114.906 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 19 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2023, số mắc giảm 20,2%, số tử vong giảm 22 ca.
Tại TPHCM, tính từ ngày 11-17/11 (tuần 46), ghi nhận 695 trường hợp mắc sốt xuất huyết, giảm 8,3% so với trung bình 4 tuần trước. Tổng số ca sốt xuất huyết tích lũy từ đầu năm 2024 đến tuần 46 là 12.013 ca. Các quận, huyện có số ca mắc trên 100.000 dân cao bao gồm quận 1, quận 7 và TP Thủ Đức.
Tại Hà Nội, cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, thành phố ghi nhận 6.243 trường hợp mắc sốt xuất huyết, giảm 80% so với cùng kỳ 2023.
Theo thông tin từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, sốt xuất huyết do virus dengue gây ra, trung gian truyền bệnh là muỗi vằn (tên khoa học Aedes aegypti). Bệnh không lây qua đường hô hấp, dịch tiết của người bệnh hoặc tiếp xúc trực tiếp.
Một bệnh nhân nguy kịch sau khi bị sốt xuất huyết. Ảnh: Đặng Thanh.
Trong 3 ngày đầu, người bệnh thường sốt cao, đau nhức toàn thân. Từ ngày 4 trở đi, tuy không còn sốt cao nhưng đây lại là giai đoạn bệnh bắt đầu chuyển nặng như tụt huyết áp, chảy máu nhiều.
Lưu ý, khi mắc sốt xuất huyết, người bệnh chỉ dùng thuốc hạ sốt paracetamol, không dùng thuốc hạ sốt dồn dập liên tục. Liều dùng cho trẻ em là 10-15 mg/kg/lần, mỗi lần uống cách nhau 4-6 giờ. Liều an toàn nên dưới 4g/ngày với người lớn và dưới 80mg/kg/ngày với trẻ em.
Trong bệnh sốt xuất huyết, tuyệt đối không dùng thuốc Ibuprofen và Aspirin để hạ sốt vì 2 loại thuốc này dễ gây xuất huyết tiêu hóa, làm tình trạng bệnh thêm nguy kịch.
Sử dụng kháng sinh không có tác dụng với bệnh sốt xuất huyết, vì đây là bệnh do virus gây ra. Không tự ý truyền dịch vì có thể dẫn đến phù, khó thở, thậm chí phù phổi, suy tim, nguy hiểm đến tính mạng. Truyền dịch chỉ nên thực hiện trong các cơ sở y tế và phải có sự theo dõi chặt chẽ của nhân viên y tế.
Biểu hiện nặng của bệnh
Theo các bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM, khi có biểu hiện sốt, người bệnh nên đi khám để được chẩn đoán có mắc sốt xuất huyết hay không. Tùy mức độ bệnh và kết quả các xét nghiệm, người bệnh có thể được hướng dẫn dùng thuốc, theo dõi và chăm sóc tại nhà. Bất cứ thời điểm nào trong ngày, người bệnh cần nhập viện nếu có các biểu hiện sau:
- Vật vã, bứt rứt hoặc lừ đừ, li bì.
- Tay chân lạnh.
- Đau bụng, nôn ói nhiều.
- Chảy máu răng, máu mũi, ói ra máu, tiêu phân đen.
Những đối tượng có nguy cơ cao diễn biến nặng khi mắc sốt xuất huyết là:
- Nhóm dưới 4 tuổi, đặc biệt dưới 12 tháng tuổi.
- Nhóm bệnh nền, dễ chảy máu, có bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn, có bệnh đông máu, khó cầm máu.
- Nhóm người béo phì, phản ứng với sốt xuất huyết rất mạnh mẽ, tỉ lệ nặng ở nhóm này cao hơn. Khi xảy ra diễn biến nặng, quá trình điều trị sẽ gặp khó khăn hơn rất nhiều.
- Phụ nữ mang thai bị sốt xuất huyết có thể sinh con bất cứ lúc nào. Nếu tiểu cầu giảm, nguy cơ chảy máu trong cuộc đẻ rất lớn.
Để phòng, chống sốt xuất huyết, người dân cần chú ý diệt muỗi và phòng muỗi đốt. Trong đó, thực hiện vệ sinh nơi ở, xử lý, loại bỏ, lật úp các dụng cụ có thể chứa nước để muỗi đẻ trứng như lọ hoa, chai lọ, bể cá, khu vực rác thải…; tích cực phối hợp với ngành y tế trong các chiến dịch diệt bọ gậy/lăng quăng và các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
Chủ động diệt bọ gậy, loăng quăng là cách hiệu quả nhất để loại bỏ muỗi, phòng bệnh sốt xuất huyết. Người dân cần phòng ngừa muỗi đốt bằng cách ngủ màn, dùng các sản phẩm khăn lau xua muỗi có hương sả tự nhiên, an toàn khi sinh hoạt ngoài trời, đặc biệt vào buổi tối. Đối với trẻ em nên mặc quần áo sáng màu, dùng tã quần xua muỗi.
Người bệnh nên uống nhiều nước, ăn đầy đủ, trẻ nhỏ có thể ăn thức ăn lỏng dễ tiêu, chia thành nhiều bữa. Tránh thức ăn, nước uống có màu đen hoặc đỏ, vì sẽ khó phân biệt khi người bệnh ói máu hoặc tiêu phân có máu.
Phương Thúy