'Ai mua cát không?'

'Ai mua cát không?'
4 giờ trướcBài gốc
Những xe cát trắng xuất hiện khắp nơi mỗi khi Tết về. Ảnh: MC
Một buổi chiều tháng Chạp, không khí lạnh tăng cường. Trời quang mây và có gió, những cơn gió cuối đông cuộn nhẹ nhưng vẫn đủ để tiếng rao bán cát của chị Nguyễn Thị Thơm (Vinh Thanh, Phú Vang) vang xa thêm một quãng. Liên tục di chuyển qua lại trên các trục đường vòng ngoài chợ Bến Ngự, chị chia sẻ: “Từ đầu tháng Chạp, tôi đã từ quê lên phố, nách cát đi bán. Tuy nhiên, trước rằm thì chỉ gọi là đi cho có chứ vẫn chưa có người mua. Chỉ đến thời điểm cách ngày cúng ông Công, ông Táo mấy hôm thì sức mua mới tăng. Ngày nhiều nhất, tôi bán được khoảng 150 ngàn”.
Chị Thơm kể thêm: “Để có cát bán vào dịp Tết, gia đình tôi phải thu mua cát từ mùa hè. Khoảng tháng Năm, tháng Sáu, thời tiết nắng ráo, những người đàn ông khỏe mạnh trong làng sẽ bắt đầu khai thác cát rồi đem bán lại cho ai có nhu cầu. Mỗi xe trâu cát ẩm, còn lẫn tạp chất sẽ được bán với giá khoảng hai trăm ngàn đồng”.
Đối với vợ chồng chị Đỗ Thị Cúc và anh Nguyễn Đăng Tiến (phường An Đông, Thuận Hóa) thì khác. Hai người không thu mua cát lại từ các mối mà sẽ tự khai thác. Chị chia sẻ: “5 năm gần đây, chồng tôi sức khỏe giảm sút, tôi cũng chỉ loanh quanh ở nhà, buôn bán nhỏ. Thu nhập bấp bênh nên Tết nhất năm nào cũng khó khăn. Năm ngoái và năm nay, do được một người bà con mách nước nên ngay từ đầu tháng Mười, vợ chồng tôi đã tay bao, tay xẻng, chạy xe máy về cánh đồng cát ở Phú Đa để xúc cát. Mỗi lần đi, mỗi người sẽ xúc được khoảng hai bao cát trắng, loại bao 20kg”.
Sau khi mang đủ lượng cát về nhà, anh Tiến và chị Cúc sẽ bắt tay vào công đoạn “gạn đục khơi trong”. Theo chị Cúc, đãi cát là một công việc cần nhiều sự nhẫn nại, tỉ mỉ nên sẽ phù hợp với phụ nữ hơn. Canh những ngày thời tiết đẹp, những mẻ cát còn lẫn tạp chất sẽ được đem ra vút rửa nhiều lần bằng nước sạch. Đến khi nào nước trong chậu rửa trở nên trong veo, cát mới đủ tiêu chuẩn để trải lên bạt, đem ra sân phơi nắng.
Nếu đãi cát, lọc cát cần sự khéo léo của người phụ nữ thì chủ nhân những chiếc xe rùa bán cát di động lại thường là những người đàn ông có sức khỏe dẻo dai. Là người có nhiều kinh nghiệm trong việc bán cát dạo, anh Lê Văn Thanh (Quảng Phước, Quảng Điền) chia sẻ: “Tôi không gọi việc bán cát là nghề, đây chỉ là công việc tạm thời, mang tính thời vụ, mỗi năm chỉ duy trì trên dưới mươi ngày. Nghề chính của tôi là phụ hồ nhưng cuối năm, các công trình ngưng xây dựng nên tôi chuyển sang bán cát để có thêm đồng ra đồng vào phụ vợ trang trải dăm ba ngày Tết”.
Mặc dù chỉ tranh thủ, nhưng không vì thế mà việc bán cát được anh Thanh thực hiện hời hợt. Anh chọn mua cát trắng loại “thượng hạng” ở mối sỉ chợ Đông Ba, sau đó về chia lẻ thành từng bịch loại ba lon, sáu lon, chín lon. Bán cát sạch ngày Tết là một công việc ngắn hạn. Việc bán cát phập phù, chìm nổi tùy thuộc vào nhiều yếu tố thị trường. Tuy nhiên, với truyền thống luôn hướng đến ông bà, tổ tiên thì cơ hội tạo thêm thu nhập từ nghề bán cát sạch ngày Tết của những lao động nghèo vẫn còn nhiều niềm vui, hy vọng.
DIỆU THÔNG
Nguồn Thừa Thiên Huế : https://huengaynay.vn/doi-song/ai-mua-cat-khong-150257.html