Ái nữ của Bộ trưởng giấu việc mang bầu để được tham gia chiến dịch Quảng Trị lịch sử

Ái nữ của Bộ trưởng giấu việc mang bầu để được tham gia chiến dịch Quảng Trị lịch sử
8 giờ trướcBài gốc
TTND.PGS.TS Nguyễn Kim Nữ Hiếu chăm sóc thương binh tại chiến trường Quảng Trị
Bà là TTND.PGS.TS Nguyễn Kim Nữ Hiếu, nguyên Phó giám đốc BV Trung ương Quân đội 108, một cựu binh tham gia chiến dịch bảo vệ thành cổ Quảng Trị năm 1972, người có quyền tự hào vì những đóng góp vào trang sử vàng 50 năm thống nhất đất nước hôm nay.
Bước chân vào căn hộ của bà, tôi ngạc nhiên khi thấy bà, ở tuổi 84, vẫn đang tự học tiếng Anh và trò chuyện với bà, càng thêm kính trọng khi cảm nhận được năng lượng sống tích cực ở người phụ nữ trí thức mẫu mực này.
Dù tuổi đã cao, lại bị bạo bệnh và còn chăm sóc người bạn đời - GS Nguyễn Lân Dũng – cũng mắc bệnh hiểm nghèo, nhưng bà không chỉ lạc quan sống, mà còn truyền cảm hứng sống tích cực qua mỗi việc làm.
Thật ngạc nhiên khi bà cụ 84 tuổi cho biết bà chuẩn bị lên Sơn La để hỗ trợ phụ nữ vùng biên trồng chè, nuôi dê. Bà chỉ đi trong ngày, 4h sáng đi, 22h đêm về, vì sợ ông ở nhà một mình.
Tôi chợt hiểu vì sao, bà, một tiểu thư “cành vàng lá ngọc”, lại dũng cảm giấu việc mình mang thai, để lên đường vào chiến trường khói lửa, thực hiện khát vọng được góp sức cho non sông sớm liền một dải.
Trong căn phòng nhìn ra sông Hồng đầy gió, bà đưa tôi ngược về quá khứ hơn 50 năm trước, trên những nẻo đường Trường Sơn huyền thoại.
Gác bút nghiên, nhập ngũ
Chưa kịp tốt nghiệp Trường Đại học Y Dược Hà Nội, Nguyễn Kim Nữ Hiếu, ái nữ của Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên và bà Vi Kim Ngọc, đã xung phong nhập ngũ.
Rồi bà được phân công về Viện Quân y 108 (nay là BV Trung ương Quân đội 108), được chăm sóc sức khỏe cho các Anh hùng LLVT Kan Lịch, Tạ Thị Kiều, Hồ Đức Vai …
PGS.TS Nguyễn Kim Nữ Hiếu cùng gia đình trước ngày vào Quảng Trị (từ trái qua: Cố Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên, PGS Nữ Hiếu, bà Vi Kim Ngọc, chị gái bà Nữ Hiếu và 2 cháu).
Chiến tranh ngày càng ác liệt, bà cùng Khoa A1 (cán bộ cao cấp của Quân đội) sơ tán lên Lập Thạch (Vĩnh Phú). “Chúng tôi đóng quân ở cánh rừng lim rậm rạp, tự cung, tự cấp, gánh từng thùng nước về đun cho bệnh nhân dùng. Các khoa cách xa nhau, hàng ngày, chúng tôi phải mang theo thiết bị y tế, luồn rừng đi khám cho bệnh nhân. Đêm lại chia nhau trực, theo dõi sức khỏe từng bệnh nhân”- bà Nữ Hiếu kể.
Nhưng bà vẫn khao khát được ra chiến trường, trực tiếp “chia lửa” với đồng đội. Vì thế, tháng 1/1972, bà vui mừng khi nhận quyết định tham gia Đoàn chuyên gia 730B Viện Quân y 108 vào chiến trường Quảng Trị, dù bà mới cưới được 4 tháng và đang mang thai con đầu lòng ở tuổi 30.
Là bác sĩ, bà hiểu hơn ai hết những hiểm nguy với phụ nữ mang bầu nơi rừng thiêng nước độc, chiến trường khốc liệt. Nhưng bà đã giấu đơn vị việc mang thai và được “hậu thuẫn” của chồng và bố mẹ đẻ, bà trở thành nữ bác sĩ duy nhất của Viện Quân y 108 vào chiến trường trong kháng chiến chống Mỹ.
Thấy tôi ngạc nhiên, PGS Nữ Hiếu giải thích giản dị: Khi đó, biết bao bà mẹ đã gác tình riêng để động viên chồng, con, nhập ngũ, thì tôi không thể chỉ lo cho hạnh phúc riêng mình, khi các thương, bệnh binh ở chiến trường đang rất cần chúng tôi. Hạnh phúc của vợ chồng tôi chỉ trọn vẹn khi cả dân tộc, cả đất nước được đón ngày hòa bình, độc lập.
Hai mẹ con cùng ra trận
Bà cùng đoàn chuyên gia 20 người, có 5 bác sĩ, lên ô tô vào Quảng Bình, rồi hành quân bộ đến Quảng Trị. Do sức yếu, lại đang mang thai nên gần đến Quảng Trị thì bà bị đuối sức. Trưởng đoàn, bác sĩ Nguyễn Huy Phan (sau này là Thiếu tướng, Phó Giám đốc BV Trung ương Quân đội 108) yêu cầu bà và y tá Thúy Quỳnh ở lại trạm giao liên để quay về Bắc.
TTND.PGS.TS Nguyễn Kim Nữ Hiếu trên đường hành quân vào Quảng Trị
Nhưng 2 chị em đều không chịu về, mà báo cáo với trạm trưởng là sẽ rèn luyện thêm để vào chiến trường. Rồi hàng ngày, 2 chị em đeo chiếc ba lô nặng, vượt đèo, lội suối, tập nhìn xuống vực sâu cho quen.
Một tuần sau, có Đoàn văn nghệ hành quân vào Quảng Trị, 2 người xin nhập Đoàn, thì một người nói “nhận lệnh đón chị ra Bắc”. Bà cương quyết: “Tôi không ra Bắc, tôi chỉ vào Nam, vì các thương, bệnh binh đang đợi chúng tôi”, rồi cùng Đoàn vào Quảng Trị.
Ròng rã nhiều ngày, bà cùng đồng đội đeo balo, súng đạn, gạo, nước, mắm... hành quân từ 4h sáng đến tối, băng rừng, lội suối trên những cung đường hiểm trở, thời tiết khắc nghiệt.
“Khi đoàn vượt sân bay Tà Cơn thì địch phát hiện, cho máy bay quần thảo cả đêm. Rất may, bộ đội ở bờ Bắc đã nổ súng đánh lạc hướng, giúp đoàn rút vào rừng an toàn” – Bà Nữ Hiếu nhớ lại.
Tới Quảng Trị, vừa đặt ba lô xuống, bà đã tham gia hội chẩn một chiến sĩ bị hôn mê. Với kinh nghiệm của mình, bà nhanh chóng xác định bệnh nhân bị sốt rét ác tính và đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả.
Bà cùng đoàn 730B được tăng cường cho Đội điều trị 204 ở làng Hoàng Tập, khe By Hiêm, huyện Hướng Hóa. Giặc bắn phá ác liệt, nên phòng mổ liên tục sáng đèn để cứu chữa thương binh. Các y, bác sĩ phải đào hầm, gùi gạo, dựng lán... riêng bà, vì mang bầu nên được phân công chăm sóc thương, bệnh binh, đảm nhiệm công việc của cả bác sĩ, lẫn y tá, hộ lý...
Bà còn tranh thủ tự học để nâng cao tay nghề, cùng các bác sĩ giảng bài, tập huấn chuyên môn cho đồng nghiệp. Bà đăng ký 2 đề tài nghiên cứu khoa học về điều trị sốt rét ác tính và sốt rét sơ nhiễm.
“Những ngày đó, chứng kiến bộ đội bị thương, phải để lại một phần thân thể, có nữ chiến sĩ rối loạn thần kinh do ở rừng lâu ngày, hay khi phải tiễn biệt đồng đội nằm lại chiến trường, chúng tôi luôn làm mọi việc hết sức mình với quyết tâm thắng giặc”- Bà Hiếu chia sẻ.
Vợ chồng ông bà Nữ Hiếu - Lân Dũng cùng các con, cháu
Khi tôi hỏi về sức khỏe “bà bầu” ngày đó, PGS Nguyễn Nữ Hiếu xúc động: Con trai trong bụng mẹ ngày đó đã vô cùng can trường, khỏe mạnh để cùng mẹ tham gia kháng chiến, dù cuộc sống kham khổ và bom đạn cày xới. May mắn khi suốt nhiều tháng ở chiến trường, tôi không bị ốm, không mắc sốt rét, dù trong rừng sâu, thường xuyên tiếp xúc với các chiến sĩ bị sốt rét.
Khi thai nhi được 6 tháng, bà ra Bắc, tiếp tục công tác ở Viện Quân y 108. Nhưng bà vẫn hướng về chiến trường, bằng những đề tài nghiên cứu về sốt rét và lỵ trực khuẩn, là hai bệnh mà bộ đội mắc nhiều nhất, nhằm có phác đồ điều trị hiệu quả, để giảm tử vong cho bộ đội, đảm bảo sức chiến đấu.
Ký ức tự hào
Đất nước thống nhất, PGS Nữ Hiếu sang Ba Lan học chuyên ngành Quản lý BV, rồi trở về, làm Phó Giám đốc BV Quân y 108 đến khi nghỉ hưu năm 2003.
Không chỉ làm tốt nhiệm vụ quản lý và khám, chữa bệnh cho bộ đội, thương bệnh binh, bà còn có 44 công trình khoa học đăng trên các tạp chí và là tác giả của nhiều cuốn sách về nhi khoa và truyền nhiễm.
Bà rất tự hào khi BV Trung ương Quân đội 108 đã 2 lần được phong Anh hùng và khoa Truyền nhiễm nơi bà công tác cũng được phong Anh hùng thời kỳ chống Mỹ.
PGS Nữ Hiếu bên tấm ảnh chụp ở chiến trường Quảng Trị. Ảnh: Thanh Hằng
Nghỉ hưu hơn 20 năm, nhưng PGS Nữ Hiếu vẫn tham gia nhiều hoạt động xã hội: Giám đốc Chuyên môn của Phòng khám Đa khoa Bình Minh; hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam, tặng quà các cựu binh, nữ TNXP ở Hà Nội. Hàng năm, bà cùng bộ đội Biên phòng ở cửa khẩu Lóng Sập (Sơn La) tặng quà cho các gia đình, các cháu học sinh nghèo, giúp phụ nữ dân tộc xóa đói giảm nghèo bằng nuôi dê, trồng chè, nuôi lợn rừng…
Ở cương vị nào bà cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nên đã được ghi nhận bằng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Chiến công hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Ba, Huân chương Bảo vệ Tổ Quốc hạng Nhất, Huân chương Chiến sỹ vẻ vang hạng Nhì và Ba, các Huy chương: Vì thế hệ trẻ, Vì sự nghiệp KH&CN, Vì sự nghiệp giải phóng phụ nữ, Quân kỳ Quyết thắng.…
Bà cũng được trao Kỷ niệm chương Chiến sĩ bảo vệ thành cổ Quảng Trị năm 1972. 11 năm qua, bà liên tục được quận Hai bà Trưng (Hà Nội) khen thưởng và năm 2023, được công nhận danh hiệu “Hai tốt” của Hà Nội.
PGS Nữ Hiếu (trái sang) và các đồng đội trong đoàn công tác vào Quảng Trị họp mặt đầu năm 2025.
Nhắc về năm tháng hào hùng hơn nửa thế kỷ trước mà bà đã trải, PGS Nữ Hiếu rưng rưng: Em bé nằm trong bụng tôi ngày nào, kiên cường theo tôi vượt Trường Sơn vào chiến trường Quảng Trị ác liệt, giờ đã trở thành Giám đốc BV Đại học Y Hà Nội, đại biểu Quốc hội khóa XIV, XV, đó là PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu - một trong những chuyên gia tim mạch hàng đầu Việt Nam. Song, niềm vui lớn nhất của tôi là đất nước độc lập và đã phát triển vượt bậc về mọi mặt, đang nỗ lực bước vào giai đoạn kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc...
(Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Thanh Hằng
Nguồn VietTimes : https://viettimes.vn/ai-nu-cua-bo-truong-giau-viec-mang-bau-de-duoc-tham-gia-chien-dich-quang-tri-lich-su-post184887.html