Ai sẽ bảo vệ người dân khỏi những cuộc gọi lừa đảo hóa đơn điện, nước?

Ai sẽ bảo vệ người dân khỏi những cuộc gọi lừa đảo hóa đơn điện, nước?
4 giờ trướcBài gốc
Lừa đảo từ hóa đơn điện, nước
Một ngày đầu tháng 3/2025, bà Lan Phương (Long Biên, Hà Nội) nhận được cuộc gọi từ số điện thoại giới thiệu là nhân viên điện lực yêu cầu thanh toán hóa đơn tiền điện hàng tháng nếu không sẽ bị cắt điện.
Nhẹ dạ tin lời kẻ gian, bà Phương tải về ứng dụng lạ để truy cập và đóng tiền điện. Sau khi truy cập, tài khoản của bà đã bị trừ số tiền 10.000.000 đồng.
Không chỉ bà Phương, mà nhiều trường hợp người dân tại các thành phố lớn cũng ghi nhận các cuộc gọi lừa đảo tương tự với nhiều hình thức tinh vi, từ lừa đảo đóng giả nhân viên điện, nước cho tới các dịch vụ công...
Thực trạng này xuất phát từ vấn nạn đánh cắp dữ liệu cá nhân. Từ những thông tin định danh cơ bản như tên tuổi, địa chỉ, số điện thoại, đến dữ liệu nhạy cảm về sức khỏe, tài chính, thói quen tiêu dùng... tất cả đều có nguy cơ bị thu thập, mua bán trái phép, dẫn đến những hệ lụy khó lường.
Các đối tượng lừa đảo sẽ lợi dụng những dữ liệu này để xây dựng kịch bản tấn công tinh vi, nhắm trúng mục tiêu và chiếm đoạt tài sản của người dân.
Nghiên cứu từ Cybernews cho thấy, chỉ trong vòng một năm (từ tháng 4/2024 đến tháng 4/2025), thế giới đã chứng kiến hàng trăm vụ vi phạm dữ liệu nghiêm trọng, làm rò rỉ hàng tỷ mật khẩu.
Đáng lo ngại hơn, phần lớn mật khẩu bị lộ còn được người dùng tái sử dụng trên nhiều nền tảng khác nhau, tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc tấn công mạng liên hoàn. Tại Việt Nam, theo báo cáo của Công ty an ninh mạng Viettel, năm 2024 đã có khoảng 14,5 triệu tài khoản bị rò rỉ và lộ dữ liệu, một con số đáng báo động.
Trong bối cảnh, số lượng các vụ lừa đảo trực tuyến, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng ngày càng tăng lên, việc xây dựng một hành lang pháp lý đủ mạnh để bảo vệ dữ liệu cá nhân là vô cùng cấp bách.
Theo Bộ Công an, yếu tố lộ lọt, mua bán dữ liệu cá nhân chính là nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự gia tăng của các loại tội phạm lừa đảo này.
Tiếng nói từ nghị trường
Trước thực trạng đáng báo động, việc ban hành Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân đã trở thành yêu cầu cấp thiết, không chỉ đáp ứng quyền con người, quyền riêng tư mà còn phục vụ cho tiến trình chuyển đổi số quốc gia.
Dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân trên cơ sở phát triển quy định của Nghị định số 13/2023/NĐ-CP gồm 7 Chương, 68 Điều.
Dự thảo đưa ra 7 nguyên tắc bảo vệ dữ liệu cá nhân, bao gồm hợp pháp, minh bạch, đúng mục đích, hạn chế, chính xác, an ninh, giới hạn thời gian lưu trữ và trách nhiệm giải trình.
Cụ thể, dự thảo đưa ra các quy định về điều kiện bảo vệ dữ liệu cá nhân đối với các tổ chức kinh doanh dịch vụ xử lý dữ liệu cá nhân, tổ chức chứng nhận đủ điều kiện năng lực bảo vệ dữ liệu cá nhân, dịch vụ xếp hạng tín nhiệm bảo vệ dữ liệu cá nhân và dịch vụ tổ chức bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Bên cạnh đó, dự thảo yêu cầu các tổ chức, doanh nghiệp phải đánh giá tác động xử lý dữ liệu cá nhân và chuyển dữ liệu ra nước ngoài, như một cam kết trước pháp luật về hoạt động xử lý dữ liệu cá nhân. Dự thảo áp dụng mô hình "hậu kiểm" thay vì "tiền kiểm", cho phép tổ chức, doanh nghiệp tự chủ trong công tác xử lý dữ liệu cá nhân, đồng thời chịu sự kiểm tra, đánh giá của Bộ Công an.
Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang khẳng định, dữ liệu cá nhân gắn liền với quyền con người. Ảnh: Quochoi.vn
Tại phiên thảo luận về dự luật, Đại tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Công an đã nhấn mạnh sự phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ và Quốc hội trong việc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các đại biểu để hoàn thiện dự thảo luật.
Một trong những điểm được nhiều đại biểu quan tâm là việc phân loại dữ liệu cá nhân thành dữ liệu cơ bản và dữ liệu cá nhân nhạy cảm, bởi dữ liệu nhạy cảm đòi hỏi các biện pháp bảo vệ nghiêm ngặt hơn.
Đại biểu Hoàng Minh Hiếu (Nghệ An) cho rằng, cần quy định rõ ràng danh mục dữ liệu cá nhân nhạy cảm ngay trong luật, tương tự như kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới như Nhật Bản và Trung Quốc, nơi các thông tin về sức khỏe, tài chính, sinh trắc học, tín ngưỡng tôn giáo... được liệt kê cụ thể để có cơ chế bảo vệ đặc biệt.
Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) cũng chỉ ra một hành vi nguy hiểm cần được bổ sung vào dự thảo luật, đó là hành vi tạo ra thông tin dữ liệu sai sự thật, xuyên tạc lịch sử, thậm chí xuyên tạc thông tin của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, gây chia rẽ dân tộc.
Vấn đề mua bán dữ liệu cá nhân cũng được nhiều đại biểu lên tiếng phản đối mạnh mẽ. Bộ trưởng Lương Tam Quang khẳng định, dữ liệu cá nhân gắn liền với quyền con người, quyền riêng tư, không thể xem là hàng hóa thông thường mà là tài nguyên đặc biệt, cần được bảo vệ ở mức cao nhất.
"Cho phép mua bán dữ liệu cá nhân là cho phép mua bán quyền con người, quyền định đoạt thông tin của người khác", Bộ trưởng Quang nói và cho rằng đây là quan điểm phù hợp với thông lệ quốc tế, tức là xác định ranh giới giữa sử dụng và định đoạt.
"Vùng xám" dữ liệu cá nhân
Bộ Công an, cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân đã thể hiện quyết tâm cao trong việc xây dựng một hành lang pháp lý vững chắc để bảo vệ người dân trước vấn nạn này.
Bộ trưởng Lương Tam Quang nhấn mạnh rằng, việc sớm ban hành luật là vô cùng cần thiết trong bối cảnh chuyển đổi số sâu rộng và nguy cơ xâm hại dữ liệu cá nhân ngày càng gia tăng.
Mục tiêu của luật không chỉ là điều chỉnh các hành vi xâm phạm dữ liệu đang diễn ra mà còn mang tính dự báo, bao quát để ứng phó với những thách thức mới nổi trong kỷ nguyên số.
Từ thực tiễn đấu tranh với tội phạm xâm phạm dữ liệu cá nhân, Bộ Công an đã đề xuất những hành vi bị nghiêm cấm trong dự thảo luật, trong đó có việc cấm mua bán dữ liệu cá nhân dưới mọi hình thức.
Bộ trưởng Lương Tam Quang cũng chỉ ra rằng, nhận thức về bảo vệ dữ liệu cá nhân của nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân còn hạn chế, dẫn đến những "vùng xám" trong việc sử dụng dữ liệu.
Do đó, luật cần phải thiết lập rõ ràng ranh giới giữa việc sử dụng và định đoạt dữ liệu, ưu tiên phát triển kinh tế số, nhưng phải đi đôi với bảo vệ quyền riêng tư.
Để luật thực sự đi vào cuộc sống và có sức răn đe, nhiều đại biểu Quốc hội đã đề nghị cần đầu tư tương xứng cho lực lượng thực thi pháp luật, xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin và điều tra tội phạm sử dụng công nghệ cao.
Đồng thời, cần có cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành liên quan và chính quyền địa phương, tăng cường hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm về bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Quy trình tiếp nhận, giải quyết tin báo tố giác tội phạm và quy trình điều tra, xét xử các vụ án liên quan đến dữ liệu cá nhân cũng cần được quy định rõ ràng, đảm bảo xử lý kịp thời và nghiêm minh.
Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân được kỳ vọng sẽ là một bước tiến quan trọng, nhưng sự chung tay của cả cộng đồng, từ ý thức của người dân đến trách nhiệm của doanh nghiệp và sự nghiêm minh của pháp luật mới là yếu tố then chốt để xây dựng một không gian mạng an toàn và đáng tin cậy.
Việt Hưng
Nguồn Nhà Quản Trị : https://theleader.vn/ai-se-bao-ve-nguoi-dan-khoi-nhung-cuoc-goi-lua-dao-hoa-don-dien-nuoc-d40346.html