Mới đây, Bộ Chính trị ký ban hành Kết luận 150 hướng dẫn xây dựng phương án nhân sự cấp ủy cấp tỉnh thuộc diện hợp nhất, sáp nhập và cấp xã thành lập mới.
Trong đó nêu rõ, với đảng bộ cấp xã, phường, đặc khu (sau khi hợp nhất, sáp nhập, thành lập mới), có thể xem xét, bố trí nhân sự là cấp ủy viên cấp tỉnh làm bí thư đảng ủy cấp xã.
Trường hợp đặc biệt, nếu đảng bộ có vị trí quan trọng, quy mô kinh tế, hạ tầng giao thông đô thị phát triển, số lượng đảng viên, dân số đông, có thể xem xét, bố trí nhân sự là ủy viên ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy làm bí thư đảng ủy.
Trước đó, tại dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC), Bộ Nội vụ đề xuất chủ tịch UBND cấp tỉnh chỉ định chủ tịch, phó chủ tịch và các ủy viên UBND xã, phường sau sắp xếp cho đến khi UBND khóa mới được bầu ra.
Đảng bộ cấp xã, phường, đặc khu (sau khi hợp nhất, sáp nhập, thành lập mới) có thể xem xét, bố trí nhân sự là cấp ủy viên cấp tỉnh làm bí thư đảng ủy cấp xã. Ảnh minh họa: Thạch Thảo
Cùng với đó, khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp (gồm cấp tỉnh và cấp xã), không tổ chức cấp huyện, các cán bộ cấp huyện, có thể cả cán bộ cấp tỉnh sẽ về xã làm việc.
Mỗi xã sẽ có 32 biên chế
Trong Kết luận 150, Bộ Chính trị cũng lưu ý, trước khi kết thúc hoạt động của ĐVHC cấp huyện và thành lập ĐVHC cấp xã, ban thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy cần chủ động tổng rà soát nguồn cán bộ cấp huyện, cấp xã.
Từ đó có phương án xem xét, điều động, phân công, bố trí cấp ủy viên, ủy viên ban thường vụ cấp ủy, bí thư, phó bí thư. Đồng thời, rà soát cán bộ lãnh đạo các phòng, ban, tương đương ở cấp huyện, lãnh đạo cấp xã, phân công, chỉ định, bố trí, giới thiệu nhân sự giữ chức vụ lãnh đạo ở cấp xã mới ngay khi được thành lập.
Về số lượng biên chế cấp xã, trong đề án sắp xếp, tổ chức lại ĐVHC các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp mà Thủ tướng vừa phê duyệt, Chính phủ định hướng giao tổng biên chế chính quyền địa phương cấp xã cho các địa phương (dự kiến bình quân khoảng 32 biên chế/cấp xã) tùy theo quy mô dân số, diện tích tự nhiên, trình độ phát triển kinh tế xã hội của ĐVHC cấp xã đó.
Trên cơ sở đó, Chính phủ giao chính quyền địa phương cấp tỉnh quyết định số lượng biên chế đối với chính quyền địa phương từng ĐVHC cấp xã trên địa bàn cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
Tuy nhiên, trước mắt, Bộ Nội vụ đề xuất giữ nguyên số lượng biên chế của cấp huyện và cấp xã hiện có trước sắp xếp. Trong vòng 5 năm sau khi sắp xếp, sẽ thực hiện tinh giản cán bộ, công chức cấp xã không đủ tiêu chuẩn, điều kiện.
Theo thống kê của Bộ Nội vụ, hiện cả nước có 212.600 cán bộ, công chức cấp xã, trong đó có 92,4% tốt nghiệp đại học trở lên và 7,6% tốt nghiệp cao đẳng trở xuống. Bộ Nội vụ cho rằng số lượng cán bộ, công chức xã không đạt tiêu chuẩn chỉ chiếm tỷ lệ ít, tuy nhiên chưa đưa ra các tiêu chuẩn cụ thể.
Về chế độ, chính sách tiền lương và phụ cấp chức vụ cho cán bộ, công chức làm việc tại ĐVHC cấp xã mới, sẽ được giữ nguyên trong thời gian 6 tháng. Sau thời gian này sẽ thực hiện chế độ, chính sách tiền lương và phụ cấp chức vụ phù hợp với quy định mới của pháp luật.
Về việc tuyển dụng công chức sau khi thực hiện các chủ trương sáp nhập, tinh gọn bộ máy, thống nhất công chức từ cấp Trung ương tới cấp tỉnh, cấp xã, Bộ Nội vụ đề xuất ưu tiên hình thức xét tuyển. Đối với cơ quan có chỉ tiêu tuyển dụng ít thì phân cấp cho cơ quan tự tuyển dụng. Đối với cơ quan có nhu cầu tuyển dụng số lượng lớn, nên thuê tổ chức tuyển dụng độc lập.
Bộ cũng đề xuất bổ sung hình thức tuyển dụng nội bộ: Ưu tiên những người có kinh nghiệm trong khu vực công hoặc những người đang làm việc theo chế độ hợp đồng, tạo động lực thăng tiến trong nền công vụ.
Nguyễn Thảo