AI thành 'chiến địa' then chốt, Mỹ - Trung tung ra kế hoạch lớn thúc đẩy hợp tác toàn cầu

AI thành 'chiến địa' then chốt, Mỹ - Trung tung ra kế hoạch lớn thúc đẩy hợp tác toàn cầu
8 giờ trướcBài gốc
Trung Quốc muốn AI được chia sẻ công khai
Trung Quốc muốn giúp điều phối các nỗ lực toàn cầu để quản lý công nghệ AI đang phát triển nhanh chóng và chia sẻ những tiến bộ của nước này, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường phát biểu hôm 26/7 tại Hội nghị Trí tuệ Nhân tạo Thế giới thường niên được tổ chức tại Thượng Hải.
Các công ty công nghệ Mỹ đã rót hàng tỷ USD vào các dự án AI kể từ khi nền tảng ChatGPT ra mắt vào năm 2022. Ảnh: AFP
Trước đó hai ngày, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã công bố một kế hoạch chi tiết về AI nhằm mục đích mở rộng đáng kể xuất khẩu sản phẩm AI của Mỹ sang các đồng minh, nhằm duy trì lợi thế của Washington so với Bắc Kinh trong cuộc đua công nghệ quan trọng này.
Thủ tướng Trung Quốc không nêu đích danh Mỹ, nhưng dường như ám chỉ đến những nỗ lực của Washington nhằm cản trở những tiến bộ của Trung Quốc trong lĩnh vực AI, đồng thời cảnh báo rằng công nghệ này có nguy cơ trở thành "trò chơi độc quyền" của một số ít quốc gia và công ty, theo Reuters.
Ông Lý Cường cho biết Trung Quốc muốn AI được chia sẻ công khai và tất cả các quốc gia và công ty đều có quyền sử dụng công nghệ này như nhau, đồng thời khẳng định Bắc Kinh sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm phát triển và sản phẩm của mình với các quốc gia khác, đặc biệt ở "Nam Bán cầu". Thuật ngữ "Nam Bán cầu" ám chỉ các quốc gia đang phát triển, mới nổi hoặc có thu nhập thấp, chủ yếu ở khu vực Nam Bán cầu.
Thủ tướng Trung Quốc cũng lưu ý đến một mối quan ngại khác là làm thế nào để kiểm soát những rủi ro ngày càng tăng của AI, đồng thời đề cập đến các nút thắt bao gồm nguồn cung chip AI không đủ và những hạn chế trong việc trao đổi nhân tài.
"Nhìn chung, quản trị AI toàn cầu vẫn còn phân mảnh. Các quốc gia có những khác biệt lớn, đặc biệt là về các lĩnh vực như khái niệm pháp lý và quy định thể chế", ông Lý Cường nói. "Chúng ta nên tăng cường phối hợp để hình thành một khuôn khổ quản trị AI toàn cầu có sự đồng thuận rộng rãi càng sớm càng tốt", Thủ tướng Trung Quốc đề nghị.
Thúc đẩy hợp tác thiết thực về AI
Hội nghị Trí tuệ Nhân tạo Thế giới năm nay diễn ra trong 3 ngày ở Thượng Hải, quy tụ các đại diện doanh nghiệp đầu ngành và các nhà hoạch định chính sách trong bối cảnh cạnh tranh công nghệ giữa Trung Quốc và Mỹ ngày càng gia tăng, trong đó AI nổi lên như một "chiến địa" then chốt.
Kể từ năm 2022, Mỹ đã tìm cách hạn chế khả năng tiếp cận của Trung Quốc đối với các chất bán dẫn tiên tiến để đào tạo các mô hình AI, bao gồm cả dòng chip AI cao cấp nhất được sản xuất bởi các công ty hàng đầu Mỹ như Nvidia, cùng với thiết bị sản xuất chip, bởi Washington lo ngại rằng công nghệ này có thể tăng cường năng lực quân sự của Trung Quốc.
Bất chấp những hạn chế, Trung Quốc vẫn tiếp tục đạt được những đột phá về AI, thu hút sự giám sát chặt chẽ từ các quan chức Mỹ.
Đầu tháng này, Nvidia cho biết Mỹ đã cho phép họ tiếp tục xuất khẩu phiên bản chip H20 kém tiên tiến hơn sang Trung Quốc, sau khoảng 3 tháng tạm dừng. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã và đang phát triển các sản phẩm nội địa thay thế, được CEO Jensen Huang của Nvidia đánh giá là "đáng gờm" trong chuyến thăm Trung Quốc tháng này, chuyến đi thứ ba của ông tới Trung Quốc trong năm nay.
Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Ma Zhaoxu phát biểu tại một hội nghị bàn tròn với đại diện từ hơn 30 quốc gia, bao gồm Nga, Nam Phi, Qatar, Hàn Quốc và Đức, rằng Trung Quốc muốn tổ chức này thúc đẩy hợp tác thiết thực trong lĩnh vực AI và đang xem xét đặt trụ sở chính tại Thượng Hải.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã công bố trực tuyến một kế hoạch hành động về quản trị AI toàn cầu, mời các chính phủ, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp và viện nghiên cứu cùng hợp tác và thúc đẩy các trao đổi quốc tế, kể cả thông qua một cộng đồng nguồn mở xuyên biên giới.
Hội nghị Trí tuệ Nhân tạo Thế giới có sự góp mặt của các diễn giả hàng đầu trong lĩnh vực AI, đáng chú ý là Anne Bouverot, đặc phái viên của Tổng thống Pháp về AI; nhà khoa học máy tính Geoffrey Hinton, người được mệnh danh là "Bố già AI"; và cựu CEO Google Eric Schmidt.
Giám đốc điều hành Elon Musk, người thường xuyên xuất hiện tại lễ khai mạc trực tiếp hoặc qua video trong những năm qua, đã không phát biểu tại hội nghị năm nay.
Theo Ban tổ chức, Hội nghị Trí tuệ Nhân tạo Thế giới năm nay thu hút hơn 800 công ty tham gia, trưng bày hơn 3.000 sản phẩm công nghệ cao, 40 mô hình ngôn ngữ lớn, 50 thiết bị hỗ trợ AI và 60 robot thông minh.
Bên cạnh các diễn đàn trao đổi, hội nghị có bố trí các khu vực triển lãm, chủ yếu có sự góp mặt của các công ty hàng đầu Trung Quốc, trong đó có hai "gã khổng lồ" công nghệ Huawei và Alibaba, và nhà sản xuất robot hình người Unitree. Các công ty phương Tây tham gia bao gồm Tesla, Alphabet và Amazon.
Đông Phong
Nguồn Đầu Tư : https://baodautu.vn/ai-thanh-chien-dia-then-chot-my---trung-tung-ra-ke-hoach-lon-thuc-day-hop-tac-toan-cau-d341859.html