AI – Cơ hội hay thách thức?
Mở đầu buổi tọa đàm, GS. TS Tôn Quang Cường – Chủ nhiệm Khoa Công nghệ Giáo dục, trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) – đặt ra câu hỏi trực diện: “Nếu bạn không chủ động học cách dùng AI, liệu bạn có bị chính nó thay thế?”.
GS. TS Tôn Quang Cường – Chủ nhiệm Khoa Công nghệ Giáo dục, trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội), chia sẻ tại chương trình. Ảnh: DƯƠNG TRIỀU
AI đang len lỏi vào từng ngóc ngách đời sống: từ việc hỗ trợ học tập với ChatGPT, thiết kế sáng tạo bằng Canva AI, cho tới lập trình, nghiên cứu khoa học. GS. TS Tôn Quang Cường nhấn mạnh: "AI là công cụ, người làm chủ phải là chính các bạn. Đừng để mình trở thành nạn nhân của sự lười biếng hay phụ thuộc vào công nghệ".
Chia sẻ tại chương trình, ông Vũ Văn Thắng – Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Sinh viên ĐHQG Hà Nội cho biết: "Việc đưa AI vào hỗ trợ học tập và đời sống là xu hướng tất yếu. Tuy nhiên, sinh viên cần có kỹ năng sử dụng AI một cách sáng tạo, trách nhiệm và đạo đức".
Ông Vũ Văn Thắng – Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Sinh viên ĐHQG Hà Nội phát biểu tại chương trình.
Ông Vũ Văn Thắng cũng nhấn mạnh vai trò của Trung tâm trong việc đồng hành cùng sinh viên trong quá trình tiếp cận công nghệ mới, mở rộng các chương trình đào tạo kỹ năng số, đồng thời kêu gọi: "Sinh viên ĐHQG Hà Nội hãy biến AI thành công cụ thúc đẩy trí tuệ, chứ không phải phương tiện để sao chép hay cắt ngắn hành trình học tập".
Những băn khoăn rất "đời" từ sinh viên
Không khí buổi tọa đàm càng thêm sôi động khi sinh viên liên tục đặt ra những câu hỏi thiết thực: "Ngành học khối Xã hội có cần học AI?".
Trả lời câu hỏi “khó” của sinh viên, GS .TS Tôn Quang Cường khẳng định: "Cần! AI hỗ trợ phân tích dữ liệu, viết nội dung, dịch thuật... Ai biết tận dụng sẽ vượt trội".
Các bạn sinh viên đặt câu hỏi tại chương trình.
"Liệu AI có lấy mất việc của em?". GS. TS Tôn Quang Cương nói: "Chỉ những ai thiếu sáng tạo, thiếu bản sắc mới bị thay thế. Kỹ năng con người như tư duy phản biện, cảm xúc, sáng tạo – AI không thể sao chép".
"Em dùng AI học tiếng Anh có ổn không?". GS. TS Tôn Quang Cương chia sẻ: "Rất tốt, nếu bạn dùng AI để luyện tập chủ động, thay vì chỉ ỷ lại vào bản dịch máy".
GS. TS Tôn Quang Cương giải đáp thắc mắc của sinh viên tại chương trình.
Những câu hỏi, lo lắng chân thật ấy đã được các chuyên gia giải đáp thẳng thắn, truyền cảm hứng để sinh viên dám đối diện với thách thức thời đại.
GS. TS Tôn Quang Cường gửi gắm: "Trong thời đại AI, không ai chờ ai. Các bạn phải học nhanh để bắt kịp, nhưng càng phải học sâu để khác biệt".
Buổi tọa đàm khép lại, nhưng những câu hỏi lớn về vai trò, vị trí của con người trong thế giới AI vẫn còn đó. Với tinh thần chủ động, sáng tạo và trách nhiệm, sinh viên ĐHQG Hà Nội đang được kỳ vọng sẽ không chỉ bắt kịp mà còn dẫn đầu trong làn sóng công nghệ mới.
Dương Triều