AI vào lớp học: Cuộc cách mạng hay con dao hai lưỡi?

AI vào lớp học: Cuộc cách mạng hay con dao hai lưỡi?
một ngày trướcBài gốc
Khi công nghệ gặp giáo dục
Ngày 8.7 vừa qua đã chứng kiến một sự kiện đáng chú ý: 3 gã khổng lồ công nghệ OpenAI, Microsoft và Anthropic đã ký một thỏa thuận trị giá 23 triệu USD với các công đoàn giáo viên lớn nhất nước Mỹ, ra mắt "Học viện quốc gia về giảng dạy AI". Sáng kiến này mang tham vọng đưa AI vào từng lớp học, từ bậc mầm non đến trung học.
AI đang len lỏi vào các lớp học và tạo ra ý kiến trái chiều
Tại trụ sở mới ở New York, các giáo viên sẽ được đào tạo cách sử dụng AI không chỉ trong giảng dạy, mà còn trong những công việc hằng ngày như lập kế hoạch bài học và viết báo cáo. Điều này nghe có vẻ như một bước tiến tự nhiên của công nghệ, nhưng thực tế lại phức tạp hơn nhiều.
Tuy nhiên, điều này nhiều người lo lắng. Trong tâm thức công chúng, AI sử dụng trong giáo dục như một con dao hai lưỡi. Một mặt, nó hứa hẹn cá nhân hóa việc học tập, giúp giáo viên lập kế hoạch bài học nhanh chóng và sáng tạo hơn. Mặt khác, nó lại được xem như kẻ thù của tư duy phản biện - vốn là cốt lõi trong giáo dục.
Câu chuyện xôn xao trên tạp chí New York về việc sinh viên có thể "sống sót" qua đại học nhờ ChatGPT đã phần nào phản ánh nỗi lo này. Liệu AI có đang tạo ra một thế hệ học sinh biết gõ câu lệnh, nhưng thiếu khả năng tư duy độc lập?
Cần thẳng thắn rằng những công ty công nghệ này không phải là các tổ chức từ thiện. Anthropic đang cung cấp mô hình AI cho các trường đại học; OpenAI tổ chức các khóa học miễn phí cho giáo viên và Microsoft đang hướng dẫn cách sử dụng công cụ AI của họ. Tất cả đều hướng đến một mục tiêu: chuyển đổi giáo viên và học sinh thành người dùng, từ đó tạo ra lợi nhuận.
Điều này không có nghĩa là sáng kiến hoàn toàn xấu, nhưng nó đặt ra câu hỏi rằng liệu lời khuyên của các các công ty có khách quan?
Giữa những tranh cãi, một số nghiên cứu đã cho những dữ liệu cụ thể. Khảo sát gần đây của Trường Đại học Harvard với 1.500 thanh thiếu niên cho thấy trẻ em đang sử dụng AI để động não và đặt những câu hỏi mà chúng ngại hỏi trong lớp. Các nghiên cứu từ lớp học toán ở Nigeria đến các khóa học vật lý tại Harvard đều chỉ ra rằng gia sư AI có thể làm tăng sự tham gia của học sinh.
Tuy nhiên, "đồng tiền luôn có hai mặt". Cùng nghiên cứu Harvard đó cũng phát hiện ra rằng trẻ em cũng thường xuyên sử dụng AI để gian lận và tìm đường tắt đến đáp án. Nghiên cứu của Microsoft cũng cảnh báo việc phụ thuộc vào AI có thể hạn chế tư duy phản biện, chưa kể nguy cơ "ảo giác" - hiện tượng AI tạo ra thông tin sai lệch.
Vai trò của giáo viên
Trong khi các công ty công nghệ và công đoàn đang thảo luận, nhiều giáo viên đã chủ động tìm cách tích hợp AI vào giảng dạy. Christopher Harris, người điều hành hệ thống thư viện phục vụ 22 học khu nông thôn ở New York, đã tạo ra một chương trình giảng dạy kỹ năng AI, từ bài học về quyền riêng tư khi sử dụng loa thông minh cho học sinh lớp 2, đến thông tin sai lệch và deepfake cho học sinh trung học.
Harris nhấn mạnh rằng mục tiêu thực sự phải là dạy giáo viên sử dụng các công cụ mà giúp họ hiểu cách AI hoạt động để dạy học sinh sử dụng công nghệ một cách có trách nhiệm.
Tuy nhiên, điểm mấu chốt của cuộc tranh luận này nằm ở chỗ khác. Harris chỉ ra rằng tất cả những nỗ lực này sẽ trở nên vô nghĩa nếu các trường học không thay đổi cách thức đánh giá học sinh trong kỷ nguyên AI.
Harris nhấn mạnh: "Vấn đề lớn hơn là thay đổi cách giao bài tập, đánh giá trước thực tế gian lận bằng AI".
Không phải tất cả giáo viên đều ủng hộ sáng kiến này. Hàng trăm nhà giáo dục đã ký một lá thư ngỏ phản đối việc sử dụng AI trong giáo dục. Helen Choi, Phó giáo sư tại Đại học Nam California, đại diện cho quan điểm này: "Tôi nghĩ các nhà giáo dục có trách nhiệm xem xét cẩn thận các công cụ họ sử dụng trong lớp học và cần nhìn xa hơn".
Choi nhấn mạnh rằng cho đến khi chúng ta biết chắc rằng AI một công cụ là hữu ích, an toàn và đạo đức, chúng ta có nghĩa vụ kháng cự việc áp dụng hàng loạt những thứ không được thiết kế bởi các nhà giáo dục với mục đích giáo dục.
Sáng kiến này có tiềm năng tác động đến hàng triệu giáo viên thông qua Liên đoàn Giáo viên Mỹ (1,8 triệu thành viên) và Liên đoàn Giáo viên Thống nhất (200.000 thành viên ở New York). Sức ảnh hưởng này là không thể phủ nhận.
Tuy nhiên, khi được hỏi về chi tiết cụ thể của chương trình, cả OpenAI và Anthropic đều từ chối chia sẻ thông tin. Điều này làm tăng thêm sự hoài nghi về tính minh bạch của sáng kiến.
Lời kết
AI trong giáo dục không phải là câu hỏi “có hay không”, mà là “khi nào và như thế nào”. Công nghệ đã ở đây, học sinh đã dùng. Thay vì chạy theo hay cấm đoán, điều quan trọng nhất là hướng dẫn cách sử dụng AI một cách có trách nhiệm, hiệu quả và phục vụ đúng mục tiêu giáo dục.
Cuối cùng, thành công của bất kỳ sáng kiến nào cũng sẽ phụ thuộc vào việc liệu nó có thực sự phục vụ lợi ích của học sinh hay chỉ là phương tiện để các công ty công nghệ mở rộng thị trường. Thời gian sẽ trả lời câu hỏi này, nhưng một điều chắc chắn: cuộc cách mạng AI trong giáo dục đã bắt đầu và tất cả chúng ta đều là những người chứng kiến lịch sử.
Bùi Tú
Nguồn Một Thế Giới : https://1thegioi.vn/ai-vao-lop-hoc-cuoc-cach-mang-hay-con-dao-hai-luoi-235344.html