Alo cử tri: Băn khoăn dự án 'nắn' quy hoạch Quốc lộ 6, Hà Nội

Alo cử tri: Băn khoăn dự án 'nắn' quy hoạch Quốc lộ 6, Hà Nội
2 giờ trướcBài gốc
Gia đình ông Trần Trọng Màn (xã Đông Phương Yên, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) sinh sống và buôn bán ổn định dọc Quốc lộ 6 suốt 25 năm qua. Nay được thông báo thuộc diện giải tỏa để phục vụ dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai, gia đình ông rất bất ngờ khi toàn bộ diện tích của gia đình phải giải tỏa.
Theo phản ánh, vì biết trước sẽ mở rộng Quốc lộ 6, người dân thuộc 2 xã ven đường là Trường Yên và Đông Phương Yên đã dành diện tích 28m lưu không chờ dự án. Với quy mô mở rộng đường quốc lộ 6 từ 50 - 60m, việc lấy đất cho dự án đều sang 2 bên từ mốc đường cũ được xem là đảm bảo quy hoạch và giúp nhà nước tiết kiệm được chi phí giải phóng mặt bằng.
Tuy nhiên, nếu như đoạn trước mở rộng về 2 phía thì đoạn từ khu vực đồi 3, thôn Phù Yên, Nhật tiến lại chỉ mở rộng về 1 phía. Vấn đề này, người dân cho rằng chưa phù hợp.
Theo lý giải của cơ quan chức năng với người dân, việc bẻ quy hoạch, không theo tuyến hiện trạng nhằm bảo vệ công trình đê ở phía Nam.
Tuy nhiên, người dân cho rằng, tuyến đê cũ này từ lâu đã không còn phát huy tác dụng. Những cửa khẩu này chỉ còn sót lại bờ gạch; hành lang đê bị xây dựng, xâm phạm thô bạo.
Thừa nhận tuyến đê này có nhiều chỗ xuống cấp nhưng lãnh đạo UBND xã Đông Phương Yên khẳng định trên giấy tờ, đây vẫn là tuyến đê hiện hữu.
Nghị định 04 ngày 14/01/2011 của Chính phủ và Quyết định 1821 ngày 07/10/2014 của Thủ tướng Chính phủ đều đã xác định "xóa bỏ vùng chậm lũ trước đây thuộc địa bàn huyện Chương Mỹ".
Băn khoăn về tính hiệu quả của con đê vẫn tồn tại trên giấy tờ này, người dân gửi kiến nghị lên UBND thành phố Hà Nội.
Theo chỉ đạo của thành phố, UBND huyện Chương Mỹ có báo cáo như sau:
Mới đây, dự án cải tạo nâng cấp tuyến đê tả Bùi, hữu Đáy đã được triển khai theo quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ. Huyện cho rằng, tuyến đê đắp từ năm 1972 tới nay chưa từng được sử dụng, không được tu bổ, không còn đảm bảo và kết luận: "Hiện không có cơ sở để đánh giá vai trò, nhiệm vụ của tuyến đê đường 6 trong phòng chống lũ".
Sau phản hồi từ huyện, người dân càng băn khoăn khi tuyến đê không rõ giá trị, cùng với các dãy nhà kiên cố, vi phạm hành lang đê sẽ được giữ lại nhờ điều chỉnh quy hoạch. Trong khi, khu dân cư hiện hữu thì sẽ bị xóa bỏ với một chi phí giải phóng mặt bằng không nhỏ. Toàn dự án mở rộng đang dành tới 5,1 nghìn tỷ đồng cho giải phóng mặt bằng.
Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!
Truyền hình Quốc hội Việt Nam
Nguồn Quốc Hội TV : https://quochoitv.vn/alo-cu-tri-ban-khoan-du-an-nan-quy-hoach-quoc-lo-6-ha-noi-243467.htm