Âm mưu, thủ đoạn lợi dụng cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy để 'bất tuân dân sự'

Âm mưu, thủ đoạn lợi dụng cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy để 'bất tuân dân sự'
7 giờ trướcBài gốc
Phát biểu bế mạc hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13, Tổng Bí thư Tô Lâm đặt ra yêu cầu tiếp tục hoàn thiện mô hình chính quyền 2 cấp, đồng thời nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, tinh thần phục vụ, hiệu lực quản trị công. Ảnh: TTXVN
Bản chất phản động của “bất tuân dân sự”
Tư tưởng “Bất tuân dân sự” do Henry David Thoreau (nhà văn, triết gia người Mỹ) đề xuất vào năm 1849 trong tiểu luận “Civil Disobedience”, xuất phát từ việc ông từ chối nộp thuế, biện minh cho hành vi trốn thuế của mình rằng mỗi cá nhân không nhất thiết phải phục tùng tuyệt đối luật pháp hay mệnh lệnh của nhà nước nếu thấy những điều luật đó không phù hợp.
Về sau, tư tưởng “bất tuân dân sự” bị các thế lực thù địch, phản động lợi dụng để gây diễn biến hòa bình, “cách mạng nhung”, chống đối chế độ, chính quyền, các chính sách của các chính Đảng ở một số quốc gia.
Thủ đoạn chủ yếu là lôi kéo, kích động nhân dân tụ tập, tuần hành, biểu tình, tạo dựng phong trào phản kháng trong quần chúng, cản trở quá trình thực thi chính sách, luật pháp, yêu cầu nhà nước phải thay đổi. Từ đó, gây ra tình trạng mất ổn định chính trị, xã hội, thậm chí bạo loạn lật đổ, chống phá chính quyền thông qua bạo động.
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng (bìa trái) tặng quà động viên Đảng ủy, UBND xã Ia Grai. Ảnh: A.H
Nhận diện âm mưu, thủ đoạn lợi dụng cách mạng tinh gọn bộ máy để “bất tuân dân sự”
Thời gian qua, trước việc Trung ương Đảng ban hành các quan điểm chỉ đạo khẩn trương, quyết liệt đối với cuộc cách mạng về sắp xếp tổng thể tổ chức bộ máy hệ thống chính trị (HTCT) các cấp, không tổ chức cấp huyện, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, các thế lực thù địch đã núp dưới danh nghĩa “bất tuân dân sự” để chống phá. Chúng ra sức cổ xúy các hành vi chống đối chính quyền, nói xấu Đảng, cán bộ; bịa đặt, xuyên tạc chủ trương, kích động nhằm phá hoại, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.
Nhất là kể từ tháng 10-2024 đến thời điểm trước sáp nhập tỉnh và cấp xã, trên các diễn đàn mạng xã hội, nhân danh “phản biện xã hội”, “đóng góp ý kiến” cho Đảng, Nhà nước, các đối tượng thù địch, phản động tổ chức “livestream”, “đàm luận” đưa ra các “phương án” hợp nhất các tỉnh, thành phố, hiến kế hợp nhất ban, bộ, ngành một cách phản khoa học, trái với phương án do cấp có thẩm quyền đưa ra. Chúng bịa đặt, gán ghép về phương án sáp nhập, đặt tên đơn vị hành chính.
Các luận điệu được chúng đưa ra như “việc sáp nhập chỉ là cơ học, máy móc”, sẽ khiến “dân khổ hơn, vì xa chính quyền hơn”, do phải di chuyển xa hơn để làm thủ tục hành chính, sáp nhập sẽ làm “xóa bỏ bản sắc vùng miền”, “xóa sổ làng xã”, “đánh mất quê hương, truyền thống tổ tiên cha ông”.
Từ đó chúng cổ xúy cho quan điểm việc sáp nhập tỉnh, xã và bỏ cấp huyện là “không cần thiết, gây phiền hà cho người dân và tốn kém ngân sách”, “bỏ cấp huyện là phá vỡ hệ thống quản lý truyền thống”... Các luận điệu này được truyền thông rộng rãi, nhằm khơi dậy tâm lý bất mãn, phản kháng thụ động.
Điểm nguy hiểm là chúng định hướng những phản ứng này thành các biểu hiện của “bất tuân dân sự”, gây ra những xáo trộn tâm lý, gây hoài nghi, bất mãn; đánh tráo khái niệm, bản chất của chủ trương sắp xếp, cải cách mạnh mẽ bộ máy hệ thống chính trị, tạo ra những khoảng trống về mặt tư tưởng trong cán bộ, đảng viên, quần chúng, nhất là một bộ phận người dân có trình độ nhận diện thông tin còn thấp.
Đồng thời, gây ra nghi ngờ, mất niềm tin vào Đảng, Nhà nước, về đội ngũ cán bộ cấp cao của chúng ta, đánh vào tâm lý cảm xúc và truyền thống yêu quê hương, cội nguồn của người dân các vùng miền để gây chia rẽ.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn (giữa) cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành và địa phương thăm hỏi tình hình đời sống người dân xã Ya Ma. Ảnh: A.H
Đấu tranh, chống các luận điệu “bất tuân dân sự”
Thứ nhất, đối với một chính đảng cầm quyền, để đủ năng lực, vị thế lãnh đạo thì việc đổi mới tổ chức bộ máy của HTCT là hoạt động chính trị bình thường. Đổi mới theo hướng tinh gọn về bộ máy, cách thức tổ chức vận hành, hoạt động hiệu lực, hiệu quả cũng là xu thế chung hiện nay ở nhiều thể chế và các quốc gia trên thế giới.
Điều đó hoàn toàn phù hợp với xu hướng và quy luật chung để tồn tại và phát triển. V.I.Lênin trong bài viết nổi tiếng “Thà ít mà tốt” (1923) đã chỉ rõ: “Chúng ta phải tuân theo quy tắc này: thà ít mà tốt ... “chúng ta phải đơn giản hóa bộ máy hành chính, bỏ bớt các tầng nấc trung gian, tránh lãng phí người và của. Một tổ chức nhỏ nhưng có người tốt sẽ làm được nhiều hơn một hệ thống lớn mà rối rắm và yếu kém”.
Thứ hai, ở nước ta,sắp xếp, tổ chức bộ máy HTCT tinh gọn là quá trình liên tục gắn với lộ trình đổi mới phương thức cầm quyền, lãnh đạo của Đảng, đây không phải là vấn đề mới, không phải vấn đề nóng vội hay là “giật gấu vá vai” như các thế lực thù địch rêu rao. Các chủ trương xây dựng, sắp xếp và hoàn thiện trong cơ chế vận hành bộ máy HTCT được đề ra và thực hiện trong suốt tiến trình lãnh đạo của Đảng. Điều đó không tách rời khỏi lý luận về vai trò, về phương thức lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Để có một bộ máy HTCT tinh gọn, đáp ứng yêu cầu phát triển trong kỷ nguyên mới, dù được triển khai gấp rút với phương châm “vừa chạy vừa xếp hàng”, “không cầu toàn”, song công cuộc này đã có những bước đi thận trọng, được tính toán kỹ lưỡng, vì lợi ích chung. Trên thực tế, việc triển khai trên phạm vi cả nước và từng ngành, lĩnh vực chưa từng có trong tiền lệ, là cuộc cách mạng mang tính “lịch sử” đã và đang tiếp tục cho thấy những kết quả lớn lao.
Thứ ba, sắp xếp, tinh gọn bộ máy tổng thể HTCT nhằm giải quyết những bất cập, hạn chế của hệ thống chính trị đang đặt ra. Đây là thời cơ lớn, là điều kiện đã “chín muồi” để thực hiện một cuộc cách mạng toàn diện về đổi mới, tinh gọn, hoàn thiện bộ máy và cơ chế vận hành của hệ thống chính trị phù hợp với thời kỳ mới, kỷ nguyên mới mà không thể chần chừ, nấn ná thêm nữa.
Trong bài viết “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả”, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh: “Bộ máy cồng kềnh gây lãng phí và kìm hãm sự phát triển, là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều chủ trương, chính sách của Đảng chậm đi vào thực tiễn cuộc sống”.
Tính tới thời điểm trước sắp xếp, cả nước có 42 tổng cục; 826 cục, vụ thuộc các tổng cục; 7.280 phòng trong tổng cục,750 vụ cục và tương đương thuộc bộ (số liệu này chưa kể ngành Quân đội và Công an).
Việc sắp xếp tinh gọn bộ máy là giải quyết những hạn chế, bất cập tồn tại, những chồng chéo, mâu thuẫn, giẫm chân nhau để hướng đến hiệu lực, hiệu quả hơn. Quỹ lương chi trả và quản lý hành chính mỗi năm chiếm tới 65 - 67% tổng chi ngân sách nhà nước. Chất lượng mọi mặt của đội ngũ cán bộ, công chức dù đã nâng lên một bước đáng kể so với trước đây, song có nơi chưa đồng đều, thậm chí còn yếu, nhất là năng lực phát hiện vấn đề, tham mưu và đề xuất các biện pháp giải quyết. Do đó, như lời Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định “Càng làm sớm càng có lợi cho dân, cho nước”.
Thứ tư, trong giai đoạn đất nước bước vào kỷ nguyên mới, bộ máy HTCT đứng trước thách thức, buộc phải đổi mới để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn xã hội và phục vụ nhân dân.
Thứ năm, xu hướng bộ máy tinh - gọn - nhẹ, phục vụ nhân dân, lấy lợi ích nhân dân là động lực quan trọng nhất để tiến hành cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, không có chuyện “sáp nhập là đánh mất bản sắc vùng miền, là làm nhân dân khổ hơn vì đi lại xa hơn”. Ngược lại, sắp xếp tinh gọn bộ máy để tập trung được nguồn lực, tiết kiệm chi phí vận hành, trọng dụng được người tài giỏi, có tâm có tầm phục vụ nhân dân.
Do đó, nhân dân quan tâm, đồng tình, ủng hộ cao đối với chủ trương, chính sách; không có chuyện gây bất mãn, hoang mang, tự quyết mà không tôn trọng ý kiến nhân dân như luận điệu của các thế lực thù địch. Bản chất của cuộc sắp xếp, tinh gọn bộ máy là để chính quyền gần dân, sát dân, phục vụ nhân dân tốt hơn.
Thạc sĩ LÊ THỊ TÌNH
Nguồn Gia Lai : https://baogialai.com.vn/am-muu-thu-doan-loi-dung-cuoc-cach-mang-tinh-gon-bo-may-de-bat-tuan-dan-su-post561077.html