Con đường dẫn vào Nghĩa trang liệt sĩ Tứ Trưng, xã Vĩnh Tường một sớm tháng Bảy thỉnh thoảng vọng lại tiếng gió lùa qua tán lá. Trong không gian trầm mặc, người đàn ông tóc điểm bạc vẫn cần mẫn, cặm cụi lau từng tấm bia, nhặt từng cọng cỏ. Đó là ông Đỗ Minh Sơn - người quản trang đã gắn bó với nghĩa trang này gần bốn mươi năm kể từ khi mới là chàng trai ngoài hai mươi tuổi.
Ông Đỗ Minh Sơn - người quản trang đã gắn bó với Nghĩa trang Tứ Trưng gần bốn mươi năm kể từ khi mới là chàng trai ngoài hai mươi tuổi.
Nghĩa trang liệt sĩ Tứ Trưng là nơi ghi danh 169 anh hùng liệt sĩ, quy tụ 59 ngôi mộ có hài cốt. Nơi đây là chốn yên nghỉ linh thiêng của những người con quê hương đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Cha ông Sơn cũng là một anh hùng liệt sĩ hy sinh tại mặt trận phía Nam vào năm 1968. Gần nửa thế kỷ trôi qua, đến nay gia đình vẫn chưa thể tìm lại được hài cốt. Chính nỗi đau riêng ấy đã trở thành nguồn động lực để ông gắn bó với công việc quản trang, chăm nom từng nắm đất, ngọn cỏ, nén hương bằng cả tấm lòng tri ân sâu nặng.
Mỗi sáng, ông Sơn có mặt ở nghĩa trang từ tinh mơ. Tay cầm chổi, tay xách bình tưới, ông đi hết dãy mộ này đến dãy mộ khác, cẩn thận lau sạch bụi thời gian trên từng dòng khắc tên. Các loài hoa quanh nghĩa trang đều do chính tay ông chăm bón. Mỗi dịp lễ, ông lại tự tay sắp lễ, thắp hương cho từng phần mộ như thể chính người thân mình đang yên nghỉ nơi đây.
Nhìn vào nghĩa trang lúc nào cũng sạch sẽ, thanh tịnh, những dãy mộ thẳng hàng rợp bóng cây và hoa nở bốn mùa, ít ai hình dung rằng sau tất cả là hình bóng một con người gần 40 năm không nề mưa nắng, lặng lẽ vun trồng. Ông Sơn tâm sự: “Tôi nghĩ đơn giản thế này, nếu cha tôi cũng nằm đâu đó chưa được ai nhang khói thì tôi chăm nom nơi này cũng như đang làm điều gì đó cho cha”.
Mỗi dịp lễ, ông lại tự tay sắp lễ, thắp hương cho từng phần mộ như thể chính người thân mình đang yên nghỉ nơi đây.
Ngày qua ngày, Nghĩa trang liệt sĩ Tứ Trưng hôm nay như một hoa viên yên tĩnh, rợp bóng cây xanh. Tất cả là nhờ một phần công sức âm thầm của ông Sơn. Không bảng vinh danh, không lễ nghi lớn nhưng mỗi người dân đi qua đều cảm phục trước tấm lòng của ông.
Ông Nguyễn Hữu Hạnh, người dân sống gần nghĩa trang và cũng là thân nhân gia đình liệt sĩ chia sẻ: “Bao năm nay, ngày nào tôi cũng thấy bác Sơn cần mẫn làm việc ở đây. Bản thân tôi vô cùng biết ơn tấm lòng của bác. Tôi chỉ mong sao thế hệ trẻ hôm nay không quên những gì cha ông đã hy sinh cho Tổ quốc và cũng không quên những người như bác Sơn đã lặng lẽ gìn giữ ký ức của quê hương.”
Cách đó không xa, ở xã Vĩnh Phú, ngay từ sáng sớm, tiếng chổi tre xào xạc đã vang lên giữa Nghĩa trang liệt sĩ Phú Đa. Bóng dáng của ông Trần Thành Giá - người quản trang già đã ngoài 80 tuổi vẫn đều đặn từng bước như thể đang bước vào một buổi chào cờ thiêng liêng giữa những đồng đội năm xưa. Gần 20 năm qua, chiếc xe đạp cũ kỹ của ông lặng lẽ lăn bánh trên con đường quê, bất kể nắng gắt hay mưa phùn. Điểm đến duy nhất là nghĩa trang liệt sĩ Phú Đa - nơi có 115 ngôi mộ, trong đó có cả người thân, người quen, người đồng đội đã từng cùng ông “đội mưa bom, nằm hố pháo”.
Ông Trần Thành Giá ngày ngày nhang khói cho hàng trăm ngôi mộ tại Nghĩa trang Phú Đa.
Ông Giá kể: “Tôi trở về sau chiến tranh, thân thể không còn khỏe như trước, nhưng sống là phải làm điều gì đó có nghĩa. Khi tôi xin làm quản trang năm 2002, chẳng ai bảo ai, chỉ có lòng mình thúc giục”. Với ông Giá, nghĩa trang không phải là nơi lạnh lẽo, đó là một vùng ký ức, một không gian sống tiếp của những người lính đã ngã xuống. Mỗi phần mộ là một tên người, một mảnh đời và một câu chuyện khác nhau. Trong trí nhớ đã đầy nếp nhăn của người cựu binh già, từng ngôi mộ đều có vị trí rõ ràng, mỗi người lính như vẫn đang hiện hữu trong từng bông cúc, tán cây, làn gió.
Không phải ai cũng đủ kiên nhẫn để dọn từng nắm cỏ, trồng từng gốc hoa, thắp từng nén nhang vào mỗi ngày rằm, mùng một hay mỗi dịp 27/7, nhưng ông Giá đã làm tất cả những việc đó như một sự tri ân tự thân, không cần nhắc nhở. Ông khẳng định: “Tôi nghĩ các anh em đã hy sinh cho mình được sống thì mình phải sống sao cho tử tế”. Nhiều đêm, ông còn thắp nhang rồi ngồi một mình giữa nghĩa trang, nghe tiếng gió rì rào qua tán cây như tiếng gọi của những người đồng đội. Có người từng học cùng lớp, có người nhập ngũ cùng ngày, cùng đơn vị, bây giờ chỉ còn là nấm mồ lặng câm. Ông Giá nhớ từng vị trí, tên tuổi của hơn 80 liệt sĩ đang nằm lại nơi đây. “Tôi vẫn thường nói với con cháu rằng: Còn sống được ngày nào thì tôi vẫn lo cho các anh em, đồng đội ngày đó”, ông chậm rãi nói.
Ông Trần Thành Giá nhớ từng vị trí, tên tuổi của hơn 80 liệt sĩ đang nằm tại Nghĩa trang liệt sĩ Phú Đa.
Không chỉ riêng ông Sơn hay ông Giá, trên khắp tỉnh Phú Thọ hôm nay, vẫn còn hàng trăm người đang lặng lẽ làm công việc “canh giấc ngủ” cho các anh hùng liệt sĩ. Mỗi nơi đều có một người quản trang âm thầm gìn giữ, nhiều người trong số họ là thương binh, cựu chiến binh, là thân nhân của các liệt sĩ, tự nguyện nhận việc chẳng ai giao, làm việc chẳng ai trả công đầy đủ mà chỉ vì một chữ “Nghĩa”. Họ dù tuổi cao sức yếu, vẫn mỗi sáng cầm chổi ra quét lá, thắp nhang, lau bia mộ như một thói quen sống. Những người ấy, có thể chẳng ai nhớ tên nhưng chính họ lại đang gìn giữ linh hồn cho một phần quá khứ thiêng liêng của dân tộc.
Chúng ta vẫn thường tổ chức long trọng các lễ tưởng niệm, xây những tượng đài hoành tráng, thả những vòng hoa tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ nhưng có lẽ ít ai biết, ở góc yên tĩnh nào đó của quê hương vẫn còn những người quản trang ngày, đêm làm công việc âm thầm, lặng lẽ. Họ không cần được tuyên dương rầm rộ chỉ mong sao những ngôi mộ kia không lạnh lẽo, cỏ không mọc đầy, khói nhang không tắt. Cả cuộc đời của họ dành sự biết ơn, trân trọng đối với các anh hùng liệt sĩ bằng những giọt mồ hôi rơi trên bia mộ giữa trưa hè, bằng tiếng chổi tre mỗi sớm mai thức dậy, bằng ánh đèn dầu le lói trong mỗi đêm rằm. Và cũng có thể, đó là lời thầm thì giữa người sống với người đã khuất: “Đồng đội ơi, hãy yên nghỉ. Có chúng tôi ở lại canh giấc ngủ cho các anh!” .
Lê Minh