Một số quy định
Trong đó, có một số nội dung sau: Vi phạm quy định bảo đảm ATTP (sản xuất, kinh doanh, bảo quản, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến, dụng cụ, vật liệu bao gói...), mức phạt cao nhất 40 triệu đồng; Vi phạm quy định bảo đảm ATTP (vận chuyển, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến, dụng cụ, vật liệu, bao gói..), mức phạt cao nhất 20 triệu đồng; Vi phạm quy định bảo đảm ATTP dịch vụ ăn uống (suất ăn sẵn, căn tin, bếp ăn tập thể; bếp ăn, nhà hàng; cửa hàng, quầy hàng...), mức phạt cao nhất 30 triệu đồng; Vi phạm quy định bảo đảm ATTP thức ăn đường phố, mức phạt cao nhất 6 triệu đồng; Vi phạm quy định giấy chứng nhận điều kiện ATTP, mức phạt cao nhất 120 triệu đồng.
Nếu tổ chức vi phạm thì phạt gấp đôi; nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1.1.2025.
Tôi đã bỏ bớt 2/3 câu từ của nghị quyết nhưng vẫn đảm bảo những nội dung về các loại vi phạm và mức xử phạt.
Và những trăn trở...
Ở các nước phát triển, chỉ có các mức phạt về ATTP; tùy quy mô sản xuất, kinh doanh; hình phạt rất nặng, dựa vào thành phẩm, điều kiện kinh doanh và buộc đền bù thiệt hại cho người bị nạn, nếu có. Họ không quan tâm đến dây chuyền sản xuất, nguyên liệu, phụ gia, bao bì, vận chuyển... Hễ thực phẩm không đảm bảo an toàn, môi trường sản xuất, kinh doanh dịch vụ không đúng chuẩn là phạt kịch khung.
Các cơ sở sản xuất và kinh doanh dịch vụ càng nhỏ, tỉ lệ vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm càng cao. Phòng bao giờ cũng tốt hơn chống. Căn cơ là xử lý cái gốc, tức từ nơi sản xuất thành phẩm. Kinh doanh ẩm thực đường phố, bao gồm cả trong hẻm, hàng rong; cần phải có quy định chặt chẽ về sức khỏe (không mắc bệnh truyền nhiễm), về tiêu chuẩn sản phẩm sử dụng và điều kiện cụ thể (khu vực và diện tích được kinh doanh).
Nên quy định gia cảnh để sắp xếp kinh doanh vỉa hè và có thu phí tượng trưng, thể hiện trách nhiệm của người bán; quy định thuế khoán theo mức doanh thu tối thiểu và minh bạch; cần có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, dù là vỉa hè hay bán hàng rong; thủ tục đơn giản, cấp miễn phí nhưng vi phạm là thu hồi.
Ngoài vệ sinh ATTP, vệ sinh môi trường, kinh doanh vỉa hè còn phải đảm bảo không gian cho người đi bộ. Mỗi lề đường nên dành ít nhất 1,5 - 2m cho người đi bộ. Hai việc này phải song hành, không thể chỉ làm tốt một trong hai. Quan trọng nhất là việc thực hiện, giám sát và chế tài để “không dám vi phạm”.
Trong quy định có ghi mức phạt 6 triệu đồng chẳng nhằm nhò gì so với những thiệt hại lâu dài về sức khỏe của người dân và hậu quả xã hội. Mức đó chỉ răn đe phần nào người bán hàng rong. Kinh doanh vỉa hè, có quán thu cả chục triệu đồng mỗi ngày.
Kinh tế vỉa hè góp phần quan trọng vào việc giải quyết việc làm và thu nhập, giảm bớt khó khăn cho người lao động, kích thích tiêu vặt, góp phần tăng ngân sách (nhờ tiêu thụ sản phẩm); đặc biệt trong tình hình hiện nay. Trên thực tế, nhiều quốc gia có kinh doanh ẩm thực vỉa hè và hàng rong, nhưng không xô bồ, mất vệ sinh, lấn chiếm lề đường như ở một số đô thị của Việt Nam hiện nay.
Người kinh doanh hay bán hàng rong sợ nhất là thu hồi, giấy phép, thẻ đeo, tương tự như tài xế sợ thu bằng lái. Việc kinh doanh vỉa hè nếu ngăn nắp, môi trường sạch và an toàn còn góp phần tích cực giới thiệu thương hiệu ẩm thực đường phố Việt Nam với du khách thế giới, thúc đẩy du lịch phát triển.
* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của người viết
Nguyễn Văn Mỹ