Âm vang chiêng nữ giữa đại ngàn Tơ Tung

Âm vang chiêng nữ giữa đại ngàn Tơ Tung
8 giờ trướcBài gốc
Từ đội chiêng “nhí” đến đội chiêng ba thế hệ, tiếng chiêng của họ không chỉ vang trong nghi lễ bản làng mà còn theo du khách đến các điểm tham quan, ngày hội văn hóa. Bằng đôi tay mềm và tình yêu với di sản, họ đang mở ra hướng đi mới: làm du lịch từ chính văn hóa truyền thống.
“Tay mềm” giữ nhịp chiêng ngân
Sau sáp nhập, xã Tơ Tung (tỉnh Gia Lai) gồm cả địa bàn xã Kông Lơng Khơng cũ, là nơi sinh sống lâu đời của cộng đồng người Ba Na. Trải qua chiến tranh, hòa bình và phát triển, nơi đây vẫn giữ được bản sắc, trong đó nổi bật là không gian văn hóa cồng chiêng – di sản gắn bó mật thiết với đời sống cộng đồng.
Tiếng chiêng vang lên từ những đôi tay mềm – hình ảnh quen thuộc trong các lễ hội văn hóa và tour trải nghiệm tại Tơ Tung, tỉnh Gia Lai. Ảnh: Tiêu Dao
Hiếm nơi nào trên cao nguyên lại có số lượng đội cồng chiêng đông đảo và đa dạng như ở Tơ Tung hiện nay. Nhiều làng tại đây có từ ba đến năm đội cồng chiêng ở các nhóm tuổi khác nhau. Làng Mơ Hra Đáp có tới năm đội với hơn 60 thành viên, trong đó có hai đội “nhí”; làng Kgiang có 45 thành viên; làng S’tơr có hơn 40 người tham gia; làng Leng có gần 60 người... Đặc biệt, một số đội cồng chiêng hiện nay hoàn toàn do phụ nữ đảm nhiệm – điều từng bị cấm theo luật tục truyền thống.
Theo tập tục của người Ba Na, phụ nữ không được phép đánh chiêng. Việc này xưa kia chỉ do đàn ông khỏe mạnh đảm nhận. Tuy nhiên, những năm gần đây, sự thay đổi trong nhận thức cộng đồng cùng tinh thần gìn giữ văn hóa đã mở đường cho nhiều đội cồng chiêng nữ ra đời.
Dù không có sức mạnh như các tay chiêng nam, nhưng chính sự uyển chuyển, mềm mại trong cách chơi đã tạo nên nét riêng cuốn hút. Âm thanh từ đôi tay phụ nữ vẫn giữ được độ vang, trầm hùng và sâu lắng – khi thì như bước chân thú rừng lặng lẽ, khi thì thủ thỉ như lời tiễn đưa người thân lên đường bảo vệ làng buôn.
Để có thể chơi tốt các bài chiêng truyền thống, các tay chiêng nữ đều phải trải qua quá trình rèn luyện nghiêm túc. Ở các làng như S’tơr, Leng, Kgiang, Mơ Hra Đáp…, việc truyền dạy được thực hiện bởi các già làng giàu kinh nghiệm.
Họ hướng dẫn cách mang chiêng, đánh chiêng, hòa âm và phối hợp nhịp nhàng trong dàn chiêng 6 đến 12 chiếc – mỗi chiếc mang một âm sắc riêng nhưng chỉ thật sự sống động khi được hòa tấu nhuần nhuyễn. Sau mỗi buổi lên nương, các chị em lại tập trung để luyện tập cùng nhau.
Đôi tay từng quen bẻ măng, làm rẫy, giờ nâng niu mặt chiêng – giữ lại thanh âm bản làng giữa thời đại mới. Ảnh: Tiêu Dao
Nhiều đội cồng chiêng còn có sự tham gia của ba thế hệ trong cùng một gia đình. Đội chiêng nữ làng Kgiang là một ví dụ, với nữ nghệ nhân ưu tú Đinh Thị Hiền cùng ba người con gái – Đinh Thị Hái, Đinh Thị Hằng, Đinh Thị Bem – đều là những tay chiêng cứng, tham gia đều đặn các hoạt động văn hóa cộng đồng.
Già làng Đinh Mưnh (làng Mơ Hra Đáp) cho biết, vào buổi tối hoặc cuối tuần, ông thường tập hợp các chị em tại nhà rông để truyền dạy chiêng và múa xoang. Đội cồng chiêng nữ đã duy trì hoạt động ổn định nhiều năm nay.
Cồng chiêng hiện diện trong hầu hết các lễ hội quan trọng của người Ba Na như lễ mừng lúa mới, lễ cúng bến nước, lễ cưới, lễ bỏ mả… Mỗi lễ hội đều có bài chiêng riêng với ý nghĩa gắn với thần linh, thiên nhiên, cầu mong sức khỏe, mùa màng bội thu và bình an cho buôn làng.
Sức hút mới cho du lịch Tơ Tung
Sự tham gia tích cực của phụ nữ đã mang đến sức sống mới cho không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, đặc biệt trong công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di sản.
Cùng với đội chiêng nam giới, các đội chiêng nữ đảm nhận một phần trách nhiệm trong việc giữ gìn nét văn hóa truyền thống của dân tộc. Nhiều hoạt động văn hóa – lễ hội tại cộng đồng đều có sự tham gia của chị em, tạo nên nét độc đáo và sinh động cho các buổi trình diễn.
Đội chiêng nữ ba thế hệ ở làng Kgiang cùng biểu diễn trong một sự kiện du lịch cộng đồng, góp phần gìn giữ và lan tỏa không gian văn hóa cồng chiêng. Ảnh: Tiêu Dao
Riêng tại Gia Lai, đến nay đã có hơn 40 đội chiêng nữ với hàng ngàn thành viên là phụ nữ Ba Na, Jrai. Việc phụ nữ tham gia biểu diễn cồng chiêng tại lễ hội, sự kiện không còn là hình ảnh xa lạ trong các buôn làng đồng bào dân tộc thiểu số. Không chỉ góp phần làm phong phú đời sống văn hóa cộng đồng, hoạt động này còn góp phần quan trọng trong việc duy trì và lan tỏa giá trị của di sản cồng chiêng.
Nhiều đội chiêng nữ cũng đã chủ động tham gia các chương trình biểu diễn như “Cồng chiêng cuối tuần” tại phố thị, Festival Cồng chiêng Tây Nguyên, các ngày hội văn hóa trong và ngoài tỉnh. Đây là dịp để quảng bá di sản văn hóa cồng chiêng, đồng thời giới thiệu hình ảnh Gia Lai giàu bản sắc đến với du khách.
Tại xã Tơ Tung (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai), nhiều đội chiêng đã tích cực ứng dụng công nghệ trong quá trình bảo tồn. Khi luyện tập, thành viên đội chiêng dùng điện thoại ghi lại màn trình diễn để cả đội cùng xem lại, rút kinh nghiệm, điều chỉnh đội hình và kỹ thuật. Cách làm này không chỉ giúp cải thiện chất lượng biểu diễn mà còn tạo nguồn tư liệu quý phục vụ việc gìn giữ và truyền dạy cho thế hệ trẻ. Việc lưu trữ các bài chiêng cổ thông qua ghi hình cũng giúp lan tỏa di sản đến nhiều cộng đồng khác.
Việc phụ nữ tham gia biểu diễn cồng chiêng tại lễ hội, sự kiện không còn là hình ảnh xa lạ trong các buôn làng. Ảnh: Tiêu Dao
Tùy theo truyền thống và điều kiện cụ thể, mỗi cộng đồng ở Tây Nguyên có cách tiếp cận riêng trong bảo tồn cồng chiêng. Với người Ba Na, nếu trước đây cồng chiêng được cất giữ kín đáo trong nhà rông thì nay đã được đưa ra phục vụ phát triển du lịch cộng đồng. Tiếng chiêng ngày càng hiện diện nhiều hơn trong các sự kiện văn hóa – xã hội tại địa phương, góp phần gắn kết cộng đồng và nuôi dưỡng bản sắc.
Ở Tơ Tung, một số mô hình du lịch như Làng kháng chiến S’tơ, làng du lịch cộng đồng Mơ H’ra Đáp hay du lịch sinh thái tại làng K’giang đã lồng ghép biểu diễn cồng chiêng, mang lại thu nhập cho các đội chiêng và người dân. Theo ông Lê Thanh Sơn, Chủ tịch UBND xã Tơ Tung, đây là hướng đi thiết thực giúp người dân “lấy di sản nuôi di sản”, vừa gìn giữ bản sắc vừa góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Tiêu Dao
Nguồn Sài Gòn Tiếp Thị : https://sgtt.thesaigontimes.vn/am-vang-chieng-nu-giua-dai-ngan-to-tung/