AMRO nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2025. Ảnh minh họa: TTXVN
Bernama - Hãng Thông tấn quốc gia của Malaysia và tờ The Business Times ngày 23/7 dẫn báo cáo của Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) cho biết, các nền kinh tế trong khối ASEAN được dự báo sẽ duy trì mức tăng trưởng ổn định lần lượt là 4,4% trong năm 2025 và 4,2% vào năm 2026, bất chấp môi trường toàn cầu đầy thách thức.
Mức dự báo tăng trưởng năm 2025 của khu vực đã được điều chỉnh giảm nhẹ so với con số 4,7% được AMRO đưa ra hồi tháng 4/2025. Lý giải về điều này, nhà kinh tế trưởng của AMRO, ông Dong He, cho biết nguyên nhân chính đến từ tác động của chính sách thuế quan của Mỹ.
Trái ngược với xu hướng điều chỉnh giảm của khu vực, AMRO đã nâng dự báo tăng trưởng năm 2025 của kinh tế Việt Nam lên 7%, cao hơn mức 6,5% đưa ra hồi tháng 4/2025.
Sự điều chỉnh tích cực này dựa trên kết quả kinh tế hết sức khả quan của Việt Nam trong nửa đầu năm. Cụ thể, GDP trong 6 tháng đầu năm 2025 của Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng 7,52%, mức cao nhất trong nhiều năm, nhờ tiêu dùng nội địa, xuất khẩu và sự phục hồi mạnh mẽ của lĩnh vực sản xuất, dịch vụ.
Ông Dong He cho rằng Việt Nam có đủ dư địa chính sách để hỗ trợ nền kinh tế khi cần. Các cải cách nhằm cải thiện môi trường đầu tư và hạ tầng cũng đang giúp Việt Nam củng cố vị thế vững chắc hơn.
Chuyên gia này khuyến nghị, ngoài các mục tiêu ngắn hạn, Việt Nam cần tiếp tục hội nhập sâu rộng hơn với các nền kinh tế trong khu vực để thu hút hiệu quả đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Về sức tăng trưởng kinh tế của ASEAN, ông Dong He nhấn mạnh những thế mạnh cốt lõi của ASEAN sẽ giúp khu vực vượt qua các thách thức. Theo ông, sức bật của khu vực được củng cố bởi ba trụ cột chính gồm nhu cầu nội địa mạnh mẽ, nền tảng kinh tế ngày càng đa dạng và dư địa chính sách để ứng phó linh hoạt.
Ông cũng lưu ý rằng một số ngân hàng trung ương trong khu vực đã nới lỏng chính sách tiền tệ, trong khi các chính phủ triển khai các biện pháp tài khóa có mục tiêu để hỗ trợ những lĩnh vực bị ảnh hưởng.
Báo cáo của AMRO chỉ rõ những rủi ro tiêu cực vẫn còn hiện hữu, đặc biệt là sự khó lường trong các chính sách thương mại của Mỹ.
Trong một kịch bản bất lợi, nếu căng thẳng thương mại tiếp tục leo thang, AMRO ước tính tăng trưởng kinh tế của ASEAN có thể giảm xuống dưới 3% vào năm 2026, mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu (không tính giai đoạn đại dịch).
Kịch bản này giả định các nền kinh tế liên kết với Nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS phải đối mặt với mức thuế bổ sung 10%, và các ngành trọng yếu như bán dẫn, dược phẩm bị áp thuế 25%.
Theo ông Dong He, chủ nghĩa bảo hộ toàn cầu đang tạo ra động lực mới, thúc đẩy ASEAN tăng cường hội nhập sâu rộng hơn. Trong môi trường hiện tại, hội nhập ASEAN không chỉ là điều mong muốn mà còn là điều thiết yếu.
Các lĩnh vực trọng tâm bao gồm thúc đẩy dòng vốn đầu tư nội khối, tăng cường kết nối hạ tầng và khai thác tiềm năng thương mại. Dù thương mại nội khối hiện chiếm 23% tổng kim ngạch xuất khẩu, tiềm năng liên kết đầu tư vẫn còn rất lớn.
Viên Luyến/vnanet.vn