Theo thông tin từ Bộ Công Thương Ấn Độ, một tổ công tác đặc biệt đã được thành lập để theo dõi nguy cơ tăng đột biến nhập khẩu từ các quốc gia như Trung Quốc, với giả định Trung Quốc có thể tìm cách chuyển hướng hàng hóa sang Ấn Độ sau khi Mỹ áp thuế nhập khẩu lên đến 54%. Tổ công tác do Tổng cục Phòng vệ thương mại (DGTR) phụ trách, với nhiệm vụ giám sát và đề xuất các biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp.
Bộ Công Thương Ấn Độ cũng đang xúc tiến chiến lược đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nhằm giảm phụ thuộc vào các thị trường truyền thống như Mỹ. Theo đó, Ấn Độ đang thúc đẩy đàm phán các hiệp định thương mại tự do (FTA) với nhiều đối tác tiềm năng như Liên minh châu Âu (EU), Oman, New Zealand và Vương quốc Anh.
Người dân Ấn độ mua sắm hàng hóa tại siêu thị - Ảnh: TTXVN
Ngoài ra, các cuộc họp song phương với 20 quốc gia trọng điểm, trong đó có Mỹ, Australia, Brazil, Trung Quốc, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, UAE và Việt Nam cũng sẽ được tổ chức trong thời gian tới để thúc đẩy hợp tác thương mại và giải quyết các rào cản kỹ thuật.
Để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME), chính phủ đang xây dựng các chương trình cung cấp tín dụng ưu đãi và các công cụ tài chính thay thế, như bảo lãnh tín dụng và bảo hiểm rủi ro thương mại. Các sáng kiến này là 1 phần trong nhiệm vụ thúc đẩy xuất khẩu trị giá gần 300 triệu USD trong Ngân sách Liên bang năm tài khóa 2025-2026.
Ngoài ra, Ấn Độ cũng đang nghiên cứu các biện pháp phi thuế quan mà các quốc gia đối tác áp dụng, để có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu vượt qua các rào cản kỹ thuật như tiêu chuẩn vệ sinh, kiểm định chất lượng và yêu cầu chứng nhận.
Trong năm tài chính 2023-2024, Mỹ tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ với kim ngạch hàng hóa đạt 120 tỷ USD và thặng dư đạt 35 tỷ USD nghiêng về phía Ấn Độ. Trong khi đó, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ hai với kim ngạch song phương đạt 118 tỷ USD. Tuy nhiên, cán cân nghiêng hẳn về phía Bắc Kinh, khi xuất khẩu từ Ấn Độ chỉ đạt gần 17 tỷ USD, trong khi nhập khẩu lên tới 101 tỷ USD.
Với những biện pháp đang triển khai, Chính phủ Ấn Độ thể hiện quyết tâm chủ động thích ứng trước biến động toàn cầu, bảo vệ lợi ích doanh nghiệp nội địa, đồng thời mở rộng vai trò trong thương mại quốc tế.
Lê Dũng/VOV-New Delhi