Theo thông báo từ Tổng cục Ngoại thương Ấn Độ, lệnh cấm có hiệu lực ngay lập tức. “Biện pháp này được áp dụng vì lý do an ninh quốc gia và nhằm bảo vệ lợi ích công cộng,” Reuters trích thông báo của Tổng cục Ngoại thương Ấn Độ.
Cũng trong ngày 3/5, Tổng cục Hàng hải Ấn Độ ra lệnh cấm tất cả tàu treo cờ Pakistan vào các cảng của nước này, đồng thời yêu cầu các tàu treo cờ Ấn Độ không được cập cảng Pakistan.
“Mệnh lệnh này được ban hành nhằm đảm bảo an toàn cho tài sản, hàng hóa và hạ tầng liên quan đến ngành hàng hải Ấn Độ, vì lợi ích công cộng và an ninh quốc gia,” Tổng cục Hàng hải Ấn Độ cho biết.
Xe chở bột mì tại Muzaffarabad, Pakistan để nhập khẩu vào Ấn Độ. Ảnh: Getty
Căng thẳng mới nhất giữa Ấn Độ - Pakistan bùng lên sau vụ xả súng 23/4 tại khu nghỉ dưỡng Pahalgam thuộc khu vực Jammu và Kashmir - vùng lãnh thổ tranh chấp giữa Ấn Độ và Pakistan, hiện do New Delhi quản lý. Vụ xả súng khiến 26 người thiệt mạng, bao gồm 25 công dân Ấn Độ và một công dân Nepal. Giới chức Ấn Độ cáo buộc các phần tử vũ trang thân Pakistan đứng sau vụ việc – cáo buộc mà Islamabad đã nhanh chóng bác bỏ.
Kashmir từ lâu là điểm nóng trong quan hệ Ấn Độ - Pakistan. Cả hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân này đều tuyên bố chủ quyền toàn bộ khu vực.
Reuters đưa tin, phát biểu trong cuộc họp báo ngày 23/4, Ngoại trưởng Ấn Độ Vikram Misri đã thông báo Ấn Độ sẽ đình chỉ Hiệp ước Nước sông Ấn năm 1960 “cho đến khi Pakistan từ bỏ hỗ trợ chủ nghĩa xuyên biên giới một cách đáng tin cậy và không thể đảo ngược”.
Hiệp ước Nước sông Ấn, do Ngân hàng Thế giới (WB) làm trung gian, chia đôi sông Ấn và các nhánh của dòng sông giữa hai nước và điều chỉnh việc chia sẻ nguồn nước. Hiệp ước này đã tồn tại ngay cả khi hai bên từng xảy ra chiến tranh.
Pakistan phụ thuộc lớn vào nguồn nước từ hệ thống sông Ấn chảy từ khu vực Kashmir để phục vụ nhu cầu thủy điện và tưới tiêu. Việc đình chỉ Hiệp ước sẽ cho phép Ấn Độ từ chối chia sẻ nguồn nước với Pakistan.
Một đoạn của sông Ấn. Ảnh: Getty
Về phía Pakistan, Islamabad cảnh báo rằng bất kỳ hành động nào nhằm can thiệp vào dòng chảy của các con sông theo hiệp ước nước sông ký từ nhiều thập niên trước sẽ bị xem là “tuyên chiến”.
“Bất kỳ hành động nào nhằm chiếm đoạt, ngăn chặn hoặc chuyển hướng dòng nước dành cho hạ lưu Pakistan đều sẽ bị coi là hành động chiến tranh và sẽ bị đáp trả bằng toàn bộ sức mạnh,” Đại sứ Pakistan tại Nga, ông Muhammad Khalid Jamali chia sẻ với RT ngày 3/5.
Tùng Dương