Ấn Độ can thiệp quyết liệt vụ việc đấu giá 'Xá lợi đức Phật'

Ấn Độ can thiệp quyết liệt vụ việc đấu giá 'Xá lợi đức Phật'
9 giờ trướcBài gốc
Cuộc đấu giá dự kiến tổ chức tại Hồng Kông ngày 07/05 bởi Sotheby’s, liên quan đến các di vật được cho là xá lợi của đức Phật, bất ngờ bị hoãn lại sau khi Chính phủ Ấn Độ có hành động pháp lý khẩn cấp nhằm ngăn chặn.
Bộ sưu tập, được biết đến với tên gọi “Di vật Piprahwa”, từng được phát hiện vào năm 1898 trong thời kỳ thuộc địa, bao gồm các mảnh châu báu cùng tro cốt và xương, mà nhiều học giả tin là hài cốt của đức Phật Thích Ca Mâu Ni.
Ảnh: theguardian.com
Bộ Văn hóa Ấn Độ khẳng định cuộc đấu giá này vi phạm nghiêm trọng luật di sản văn hóa và tuyên bố rằng nếu sự kiện được tiến hành, Sotheby’s sẽ bị xem là “tiếp tay cho hành vi khai thác kiểu thực dân” (The Guardian).
Những di vật này do hậu duệ của William Claxton Peppé, người từng đứng đầu cuộc khai quật ban đầu tại Piprahwa, nay thuộc bang Uttar Pradesh, đứng tên sở hữu và đưa ra đấu giá. Tuy nhiên, chính phủ Ấn Độ đã phát hành thông báo chính thức yêu cầu hoàn trả hiện vật, đồng thời nhấn mạnh rằng chúng nên được bảo tồn và tôn kính thay vì mua bán.
Sotheby’s sau đó đã đưa ra tuyên bố ngày 07/05, xác nhận việc hoãn lại đấu giá nhằm “tạo điều kiện cho các bên liên quan tiếp tục đối thoại”.
Trang thông tin về phiên đấu giá cũng đã bị gỡ khỏi website chính thức, Sotheby’s vẫn chưa đưa ra thời gian tổ chức lại, hoặc liệu việc bán có được tiến hành nữa hay không.
Các cuộc trao đổi giữa nhà đấu giá, gia đình Peppé và Chính phủ Ấn Độ vẫn đang tiếp diễn (The New York Times).
Trên website của Sotheby’s, một bài viết do ông Chris Peppé, hậu duệ đang quản lý di vật, cho biết gia đình ông từ lâu đã mong muốn công khai “xá lợi” để phật tử có thể chiêm bái miễn phí. “Chúng tôi luôn hy vọng các di vật (“xá lợi”) này có thể đến được với công chúng, đặc biệt là cộng đồng Phật giáo”.
Các di vật, dù có kích thước chỉ vài milimét, được sắp xếp thành hình tròn và đường nét đối xứng tinh xảo. Việc đấu giá các vật phẩm này đã gây tranh luận về quyền sở hữu văn hóa, giá trị tâm linh và vấn đề bồi hoàn hậu thực dân.
“Đây là thời điểm cần thiết để nhìn nhận lại vai trò của các hiện vật có giá trị văn hóa đặc biệt”, Giáo sư Ashley Thompson từ Đại học London phát biểu. “Chúng thuộc về ai? Có thể định giá chúng ra sao? Liệu chúng có nên bị thương mại hóa?”.
Không được lưu giữ trong các cơ quan nhà nước hay bảo tàng, Di vật Piprahwa vẫn thuộc quyền sở hữu tư nhân, yếu tố khiến việc hoàn trả trở nên phức tạp hơn. Những năm gần đây, phong trào đòi hoàn trả cổ vật trên thế giới ngày càng mạnh mẽ. Một số quốc gia như Hà Lan và các tổ chức tại Hoa Kỳ đã trả lại các cổ vật về nơi xuất xứ, trong khi Bảo tàng Anh liên tục đối mặt với áp lực trao trả các hiện vật đang gây tranh cãi, bao gồm cả các bảo vật Phật giáo.
Phòng mộ chứa các mảnh châu báu, lá vàng, hộp đựng xá lợi nhỏ, cùng tro và xương, mà theo truyền thống Phật giáo là những phần thiêng liêng còn lại sau khi Đức Phật nhập Niết bàn.
Sau khi khai quật, phần lớn số di vật đã được chuyển giao cho chính quyền thực dân Anh và từ đó phân phối đến bảo tàng, các vị lãnh đạo Phật giáo như Vua Xiêm và Bảo tàng Ấn Độ ở Kolkata.
Gia đình Peppé được phép giữ lại một phần và họ đã lưu giữ số hiện vật này trong hơn một thế kỷ.
Chia sẻ với BBC News, Chris Peppé cho biết gia đình từng cân nhắc hiến tặng cho các tổ chức Phật giáo nhưng gặp nhiều trở ngại. Theo ông, đấu giá là “cách minh bạch và công bằng nhất” để trao lại di vật cho người phật tử (The New York Times).
Tuy nhiên, Bộ Văn hóa Ấn Độ phản đối mạnh mẽ. Trong một tuyên bố công khai trên mạng xã hội, Bộ này nhấn mạnh rằng gia đình Peppé không có thẩm quyền pháp lý hay đạo đức để bán các di vật, yêu cầu họ phải hoàn trả lại cho Chính phủ Ấn Độ nhằm đảm bảo được bảo tồn và phụng thờ đúng cách.
Giáo sư Naman Ahuja, sử gia mỹ thuật thuộc Đại học Jawaharlal Nehru ở New Delhi, cho biết các chính phủ thời hậu thuộc địa cần được phân biệt rõ với cá nhân thời thực dân. “Năm 1952, Nhà nước Anh đã làm điều đúng đắn khi trả lại một số Xá lợi Phật giáo. Nhưng các cá nhân từng nắm giữ đặc quyền thuộc địa thì vẫn chưa chịu trách nhiệm trước lịch sử”.
Hiện nay, với dân số khoảng 8,5 triệu phật tử, Ấn Độ ngày càng quan tâm tới việc phục hồi và bảo vệ di sản Phật giáo, cả về mặt tinh thần lẫn lịch sử.
Di chỉ Piprahwa vẫn là một trong những địa điểm thiêng liêng gắn liền với truyền thống phân chia xá lợi đức Phật sau khi Ngài viên tịch, được trao lại cho các cộng đồng trọng yếu, trong đó có dòng họ Thích Ca.
Tác giả: Justin Whitaker/Chuyển ngữ và biên tập: Thường Nguyên/Nguồn: buddhistdoor.net
Nguồn Tạp chí Phật học : https://tapchinghiencuuphathoc.vn/an-do-can-thiep-quyet-liet-vu-viec-dau-gia-xa-loi-duc-phat.html