Việc Ấn Độ ký hợp đồng trị giá 7 tỷ euro vào ngày 2/4 để mua 26 tiêm kích Rafale-M nhằm trang bị cho tàu sân bay INS Vikrant bỗng khiến họ gặp rắc rối lớn khi máy bay không tương thích với cơ sở hạ tầng có sẵn.
New Delhi đã mua 22 chiếc Rafale-M (bản 1 chỗ ngồi) và 4 chiếc Rafale-M (2 chỗ ngồi) cùng với dịch vụ hậu cần và vũ khí đi kèm. Theo tờ IDRW, các tiêm kích này dự kiến sẽ thay thế phi đội MiG-29K cũ kỹ, tính năng hạn chế và thường xuyên trục trặc kỹ thuật.
Rafale-M là phiên bản trên hạm của tiêm kích Rafale thế hệ 4.5, chiếc máy bay được trang bị hệ thống điện tử hàng không tiên tiến, trọng tâm là radar mảng pha quét chủ động RBE2 được thiết kế tối ưu hóa cho hoạt động tác chiến trên biển.
Tương tự bản Rafale dành cho không quân, Rafale-M sử dụng được nhiều loại vũ khí tối tân bao gồm tên lửa không đối không ngoài tầm nhìn Meteor, mang lại ưu thế đáng kể khi đặt cạnh tiêm kích J-15 của Trung Quốc.
"Mặc dù vậy hợp đồng mua sắm này đã làm dấy lên mối lo ngại về khả năng tương thích vật lý giữa tiêm kích Rafale-M với các tàu sân bay cỡ nhỏ của Hải quân Ấn Độ, khi chúng vốn được thiết kế cho tiêm kích hạng nhẹ MiG-29K", tờ IDRW nhấn mạnh.
MiG-29K có sải cánh 11,99 m, giảm xuống còn 7,8 m khi gấp gọn; trong khi sải cánh của Rafale-M chỉ là 11 m nhưng không thể gập lại. Chiều rộng của thang máy để đưa phi cơ lên sàn cất hạ cánh của tàu sân bay INS Vikramaditya là 9,9 m, còn đối với tàu INS Vikrant là 10 m.
Như vậy không tàu sân bay nào của Ấn Độ có thể triển khai tiêm kích Rafale-M một cách bình thường bởi chỉ tiêm kích MiG-29K với cánh gập mới vừa vặn với cơ sở hạ tầng có sẵn, làm nổi bật bất cập khi mua Rafale-M.
Theo đánh giá từ các chuyên gia, để đặt tiêm kích Rafale-M lên thang máy rộng 10 m, máy bay sẽ cần phải để nghiêng theo đường chéo khoảng 23,5°, khiến áp lực dồn lên cánh và càng đáp ở mức cao, rất dễ gây hư hỏng và còn phải có biện pháp cố định đặc biệt.
Trần hangar của tàu sân bay Ấn Độ cao 5 - 6 m, trong khi tiêm kích Rafale-M cao 5,34 m, như vậy cũng không thể đưa vào bên trong khoang dưới sàn đáp để thực hiện công tác bảo trì kỹ thuật.
Với thực tế trên, tàu sân bay INS Vikrant được thiết kế để chở 26 chiếc MiG-29K, dự kiến sẽ mang theo ít hơn đáng kể số lượng tiêm kích Rafale-M (14 - 18 chiếc), và chỉ có thể đặt trên sàn cất hạ cánh, sẽ khiến chiến đấu cơ tối tân dễ bị ăn mòn do môi trường nước biển.
Nhiều chuyên gia quân sự Ấn Độ tin rằng Rafale-M chỉ phát huy được hết tiềm năng trên tàu sân bay IAC-2 65.000 tấn dự kiến sẽ thay thế chiếc INS Vikramaditya vào năm 2035 - 2036 khi có thang máy lớn hơn, đủ khả năng phục vụ tiêm kích do Pháp chế tạo.
Nhưng vấn đề cơ sở hạ tầng vẫn cần được cái thiện ngay bây giờ, đã có ý kiến đề xuất nâng cấp thang máy trên tàu sân bay INS Vikrant nhằm mở rộng thêm 1 - 2 m, bất chấp con tàu chỉ mới được hoàn thiện gần đây.
Nếu được phê duyệt, đây sẽ là một chương trình đầy tốn kém, có khả năng yêu cầu tới 100 - 200 triệu USD và phải sửa đổi cấu trúc toàn diện, khiến con tàu ngừng hoạt động trong 1 - 2 năm.
"Lựa chọn khả thi nhất hiện nay có vẻ sẽ là triển khai hạn chế tiêm kích Rafale-M trên tàu sân bay INS Vikrant cho đến khi chiếc IAC-2 lớn hơn giải quyết được vấn đề", tờ IDWR kết luận.
Đây rõ ràng là một bài học lớn khác dành cho Hải quân Ấn Độ, khi họ mua sắm vũ khí trang bị mà không nghiên cứu kỹ cơ sở hạ tầng có sẵn của mình.
Việt Dũng
Theo IDRW