Ngày 12/5, chỉ vài phút trước khi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi có bài phát biểu quan trọng với người dân về Chiến dịch Sindoor, Tổng thống Mỹ Donald Trump một lần nữa tuyên bố ông đã đóng vai trò trung gian giúp Ấn Độ và Pakistan đạt được thỏa thuận ngừng bắn tại Kashmir, thông qua sức ép về thương mại.
Các nhà lãnh đạo Ấn Độ, Mỹ và Pakistan. Ảnh: India Today.
“Tôi đã nói với họ, nếu các bạn dừng lại, chúng ta sẽ làm ăn. Nếu không, sẽ không có thương mại gì cả”, Tổng thống Trump tuyên bố tại Nhà Trắng, khẳng định đòn bẩy kinh tế là công cụ buộc hai bên xuống thang. Ông Trump nhấn mạnh “Vì nhiều lý do, nhưng thương mại là một lý do lớn”.
Tổng thống Mỹ cũng cho biết Mỹ đang đàm phán thương mại với Ấn Độ và sẽ sớm bắt đầu các cuộc trao đổi với Pakistan. Đặc biệt, ông tuyên bố sẵn sàng “làm việc với cả hai bên để xem liệu sau một nghìn năm, có thể đưa ra được giải pháp nào cho Kashmir hay không.”
Tuyên bố trên ngay lập tức khiến Ấn Độ lúng túng. Trong nhiều thập kỷ, Ấn Độ luôn bác bỏ mọi hình thức hòa giải của bên thứ ba về Kashmir, xem đây là vấn đề song phương với Pakistan, và đã được đồng thuận trong Thỏa thuận Simla 1972. Mặc dù Ấn Độ chưa đưa ra phản ứng chính thức, nhưng Bộ trưởng Ngoại giao nước này Jaishankar nhanh chóng khẳng định lập trường cứng rắn: “Ấn Độ không khoan nhượng với khủng bố dưới bất kỳ hình thức nào.” Trong khi đó, Cựu Thứ trưởng Ngoại giao Shyam Saran nhấn mạnh, “việc một quốc gia bên ngoài tự nhận vai trò trung gian là đi ngược lại chính sách đối ngoại nhất quán của Ấn Độ.”
Tình hình càng phức tạp khi Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio sau đó tuyên bố Ấn Độ và Pakistan đã đồng ý đàm phán tại một địa điểm trung lập, thông tin mà New Delhi hoàn toàn chưa xác nhận.
Những diễn biến ngoài dự đoán này khiến dư luận trong nước Ấn Độ nổi sóng. Trong khi chính phủ của Thủ tướng Modi chọn cách giữ im lặng, các đảng phái đối lập lập tức yêu cầu Thủ tướng giải trình, đặt ra câu hỏi liệu có thay đổi nào trong chính sách ngoại giao của Ấn Độ không, đặc biệt khi “thỏa thuận ngừng bắn được công bố từ phía Washington.”
Trái ngược, Pakistan đã nhanh chóng hoan nghênh phát biểu của ông Trump, gọi đó là “thiện chí đáng trân trọng” và là một “thắng lợi ngoại giao”.
Những tuyên bố của Trump xuất hiện đúng thời điểm cực kỳ nhạy cảm khi Ấn Độ vừa phát động Chiến dịch Sindoor, không kích vào các trại khủng bố bị cáo buộc có liên hệ với Pakistan, sau vụ tấn công tại Pahalgam khiến 26 khách du lịch thiệt mạng. Đáp lại, Pakistan đã triển khai các cuộc tấn công bằng UAV, tên lửa và pháo binh tại khu vực dọc Đường Kiểm soát (LoC).
Nhiều chuyên gia cho rằng Mỹ đã âm thầm gây sức ép nhằm ngăn chặn một cuộc xung đột toàn diện giữa Ấn Độ và Pakistan. Tuy nhiên, việc Tổng thống Donald Trump công khai nhận vai trò trung gian bị xem là thiếu tinh tế và có thể gây khủng hoảng ngoại giao tiềm ẩn.
Giới quan sát nhận định rằng, với Ấn Độ, đây không chỉ là vấn đề nguyên tắc đối ngoại, mà còn là phép thử thực sự cho chính sách ngoại giao quyết đoán của nước này trong một khu vực đầy biến động.
Lê Dũng/VOV-New Delhi