Ấn Độ khởi xướng điều tra 3 mặt hàng của Việt Nam

Ấn Độ khởi xướng điều tra 3 mặt hàng của Việt Nam
3 ngày trướcBài gốc
Ảnh minh họa.
Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) cho biết chỉ trong vài ngày cuối tháng 12/2024, Ấn Độ đã tiến hành 3 vụ điều tra phòng vệ thương mại với 3 sản phẩm hàng hóa Việt Nam xuất sang nước này.
Cụ thể, ngày 26/12, Tổng vụ Phòng vệ thương mại Ấn Độ (DGTR) đã khởi xướng vụ việc điều tra chống bán phá giá đối với sợi nylon filament yarn có xuất xứ hoặc xuất khẩu từ Trung Quốc, Việt Nam.
Sản phẩm bị điều tra là sợi nylon filament yarn có các mã HS: 54021910; 54021990; 54023100; 54023200; 54024500; 54025100; 54026100 và 54021920. Nguyên đơn là Công ty Century Enka Private Limited, Gujarat Polyfilms Private Limited, Oriilon India Private Limited.
Thời kỳ điều tra bán phá giá (POI) từ 01/04/2023 đến 30/6/2024 (15 tháng); thời kỳ điều tra thiệt hại từ 01/4/2020-31/3/2021, 01/4/2021-31/3/2022, 01/4/2022-31/3/2023 và POI.
Nguyên đơn chưa đề xuất các mã phân loại sản phẩm làm cơ sở so sánh giá. DGTR đề nghị các bên liên quan đề xuất, bình luận về phạm vi sản phẩm và mã phân loại sản phẩm trong vòng 15 ngày kể từ ngày khởi xướng, tức muộn nhất là ngày 09 tháng 01 năm 2025.
Tiếp đến ngày 27/12, Tổng vụ Phòng vệ thương mại Ấn Độ ra thông báo khởi xướng điều tra chống trợ cấp đối với mặt hàng calcium carbonate filler masterbatch có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Việt Nam.
Vụ việc được khởi xướng trên cơ sở hồ sơ đề nghị của ngành sản xuất nội địa Ấn Độ, đại diện là Hiệp hội các nhà sản xuất hợp chất và masterbatch Ấn Độ và Hiệp hội các nhà sản xuất Masterbatch Ấn Độ.
Trước đó, ngày 30/9/2024, DGTR đã ra thông báo khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với mặt hàng calcium carbonate filler masterbatch nêu trên có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Việt Nam.
Nguyên đơn cáo buộc rằng sản phẩm bị điều tra nhập khẩu vào Ấn Độ có nguồn gốc hoặc xuất khẩu từ Việt Nam với khối lượng đáng kể, được hưởng trợ cấp có thể đối kháng, và là nguyên nhân gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất nội địa Ấn Độ.
Các chương trình bị điều tra thuộc 6 nhóm: chương trình miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và miễn/hoàn thuế nhập khẩu nguyên liệu; chương trình cho vay ưu đãi/đảm bảo vay; chương trình xúc tiến xuất khẩu, chương trình cung cấp nhiên liệu, nguyên liệu đầu vào thấp hơn giá thông thường, miễn giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước; chương trình hỗ trợ các nhà đầu tư nước ngoài; chương trình phát triển ngành nhựa.
Cụ thể bao gồm: Cung cấp đá vôi thấp hơn giá thông thường; kế hoạch phát triển ngành Nhựa Việt Nam; miễn thuế thu nhập doanh nghiệp; miễn/hoàn thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu; cho vay ưu đãi cho các nhà đầu tư; xúc tiến xuất khẩu; cho vay ưu đãi cho doanh nghiệp xuất khẩu; tín dụng đầu tư; hỗ trợ đầu tư cho nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào doanh nghiệp vừa và nhỏ; tín dụng xuất khẩu cấp bởi Ngân hàng Phát triển Việt Nam; bảo đảm tài chính bởi Vietinbank; cung cấp khí/điện/than thấp hơn giá thông thường; Chính phủ cấp đất thấp hơn giá thông thường và miễn hoặc giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước.
Thời kỳ điều tra trợ cấp từ 01/4/2023-30/6/2024; điều tra thiệt hại từ 01/4/2020-31/3/2021; 01/4/2021-31/3/2022; 01/4/2022-31/3/2023 và thời kỳ điều tra trợ cấp.
Vụ việc thứ 3 là mới đây, DGTR đã ra thông báo khởi xướng điều tra tự vệ đối với mặt hàng thép cán phẳng hợp kim hoặc không hợp kim nhập khẩu vào Ấn Độ.
Vụ việc này được khởi xướng trên cơ sở hồ sơ đề nghị của Hiệp hội Thép Ấn Độ đại diện cho nhiều doanh nghiệp thép lớn của Ấn Độ như Arcelor Mittal Nippon Steel, AMNS Khopoli, Jindal Steel and Power, Steel Authority of India….
Sản phẩm bị điều tra là thép hợp kim hoặc không hợp kim cán phẳng thuộc mã HS: 7208, 7209, 7210, 7211, 7225, 7226. Phạm vi sản phẩm bị điều tra bao gồm các sản phẩm thép cán nóng, thép cán nguội, thép phủ kim loại chống ăn mòn (bao gồm thôn thép mạ kẽm, mạ lạnh, mạ hợp kim kẽm – magie) và thép phủ màu.
Các sản phẩm thép được loại trừ khỏi phạm vi điều tra gồm: Thép điện định hướng hạt cán nguội, thép cuộn/tấm không định hướng hạt cán nguội, thép mạ điện, thép lá mạ thiếc, thép không gỉ.
Nguyên đơn cáo buộc rằng sản phẩm bị điều tra nhập khẩu vào Ấn Độ với khối lượng gia tăng nhanh, mạnh và đột biến, là nguyên nhân gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất nội địa Ấn Độ.
Nguyên đơn đã chỉ ra yếu tố diễn tiến không lường trước được gây ra sự gia tăng nhập khẩu đột biến, bao gồm: Sau khi Hoa Kỳ áp thuế 25% thuế thép theo Mục 232, Đạo luật Mở rộng thương mại, nhiều quốc gia đã áp dụng liên tiếp các biện pháp phòng vệ thương mại với thép nhập khẩu; sự dư thừa công suất sản xuất thép đáng kể ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc; chính sách nội địa của Trung Quốc chuyển sản xuất thép dài sang thép cán phẳng để xuất khẩu; đầu tư sản xuất thép của Trung Quốc sang các nước ASEAN; các nghĩa vụ của Ấn Độ thực thi theo GATT 1994 và các hiệp định khác.
Thời kỳ điều tra từ 01/10/2023 - 30/9/2024. DGTR cho biết sẽ điều tra số liệu từ 01/4/2021-31/3/2022; 01/4/2022-31/3/2023; 01/4/2023-31/3/2024 và thời kỳ điều tra.
Nguyên đơn đề nghị DGTR áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời do có tồn tại tình trạng khẩn cấp và áp dụng biện pháp tự vệ trong thời gian 4 năm.
Trước các vụ việc trên, để kịp thời ứng phó vụ việc, Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị hiệp hội, các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu sản phẩm bị đề nghị điều tra cần nghiên cứu kĩ thông báo khởi xướng, đơn kiện bản công khai, gửi ý kiến bình luận về vụ việc (nếu có), gửi bản trả lời bản câu hỏi điều tra dành cho nhà sản xuất, xuất khẩu theo đúng thể thức và định dạng quy định về cơ quan điều tra Ấn Độ.
Đồng thời bố trí nguồn lực để xử lý vụ việc (cân nhắc thuê luật sư tư vấn hỗ trợ nếu cần thiết). Cần hợp tác đầy đủ và toàn diện với cơ quan điều tra để tránh bị kết luận không hợp tác (thường dẫn tới mức thuế rất cao). Giữ liên lạc, phối hợp với Cục phòng vệ thương mại để nhận được sự hỗ trợ kịp thời.
Vũ Khuê
Nguồn VnEconomy : https://vneconomy.vn/an-do-khoi-xuong-dieu-tra-3-mat-hang-cua-viet-nam.htm