Ấn Độ lần đầu tiên ghép nối thành công trong không gian

Ấn Độ lần đầu tiên ghép nối thành công trong không gian
6 giờ trướcBài gốc
"Việc ghép nối tàu vũ trụ đã hoàn tất thành công! Một khoảnh khắc lịch sử", Tổ chức nghiên cứu không gian Ấn Độ (ISRO) cho biết trên X.
Thí nghiệm Ghép nối Không gian (SpaDeX), được ISRO triển khai vào ngày 30/12 từ Trung tâm vũ trụ Satish Dhawan, đã thành công khi hai vệ tinh Target và Chaser, mỗi vệ tinh nặng khoảng 220 kg, thực hiện việc kết nối trên quỹ đạo. Sau quá trình phức tạp, chúng đã tách ra thành công, khẳng định khả năng ghép nối trong không gian của Ấn Độ.
Thành tựu này không chỉ chứng tỏ khả năng công nghệ tiên tiến của Ấn Độ mà còn mở rộng vai trò của quốc gia này trong thị trường không gian toàn cầu, dự kiến sẽ đạt giá trị 400 tỷ USD trong tương lai.
Ấn Độ đã phóng sứ mệnh ghép nối không gian đầu tiên vào ngày 30/12/2024. Ảnh: ISRO
Công nghệ này không chỉ có ý nghĩa trong việc bảo dưỡng vệ tinh mà còn trong các sứ mệnh quan trọng khác như vận hành trạm vũ trụ, xây dựng trạm vũ trụ quốc gia và thực hiện các sứ mệnh liên hành tinh.
Nhà vật lý thiên văn Jayant Murthy chia sẻ: "Để đạt được những sứ mệnh đầy tham vọng, chúng ta phải có công nghệ quan trọng. Nhiều sứ mệnh như xây dựng trạm vũ trụ cần lắp ráp trong không gian. Điều này không thể thực hiện được nếu không có sự kết nối không gian".
Mặc dù sứ mệnh đã phải hoãn lại hai lần vào đầu tháng 1 do các vấn đề kỹ thuật và sự trôi dạt giữa các vệ tinh, nhưng cuối cùng, thành công lần này đã chứng minh cho sự kiên trì của ISRO.
Các vệ tinh đã chứng minh khả năng truyền năng lượng điện giữa chúng, một yếu tố quan trọng để vận hành robot không gian, điều khiển tàu vũ trụ và phục vụ cho các nhiệm vụ trong tương lai.
Bộ trưởng Bộ Không gian Ấn Độ Jitendra Singh cho biết, công nghệ ghép nối sẽ giúp Ấn Độ thực hiện các kế hoạch lớn như đưa công dân lên Mặt trăng, xây dựng trạm vũ trụ và đưa mẫu vật từ Mặt trăng về Trái đất.
Đây là phần quan trọng trong chiến lược không gian của Ấn Độ dưới thời Thủ tướng Narendra Modi, người đã đưa ra các mục tiêu đầy tham vọng cho lĩnh vực vũ trụ.
Trong năm 2023, Ấn Độ đã gia nhập "câu lạc bộ" các quốc gia hạ cánh tàu vũ trụ lên Mặt trăng, trở thành quốc gia thứ tư thực hiện thành công sứ mệnh này. Mới đây, nhiệm vụ Chandrayaan-3 đã thu thập các mẫu vật từ Mặt trăng giúp các nhà khoa học nghiên cứu sự hình thành của thiên thể này.
Trong tương lai, Ấn Độ còn đặt mục tiêu đưa phi hành gia lên Mặt trăng vào năm 2040, xây dựng trạm vũ trụ vào năm 2035 và phát triển các sứ mệnh tới Sao Kim cùng các thiên thể khác.
Cùng với những bước tiến trong nghiên cứu và thám hiểm không gian, Ấn Độ cũng đang đẩy mạnh thương mại hóa ngành công nghiệp vũ trụ, cho phép các công ty tư nhân tham gia vào chế tạo vệ tinh và phóng các vệ tinh nhỏ vào quỹ đạo Trái đất với chi phí hợp lý. Chính phủ Ấn Độ đặt mục tiêu tăng thị phần không gian của mình lên 44 tỷ USD vào năm 2040, so với mức 8 tỷ USD hiện tại.
SpaDeX là một phần trong kế hoạch dài hạn của Ấn Độ, giúp nước này khẳng định vị thế là một trong những cường quốc vũ trụ hàng đầu thế giới.
Ngọc Ánh (theo ISRO, Reuters, CNN)
Nguồn Công Luận : https://congluan.vn/an-do-lan-dau-tien-ghep-noi-thanh-cong-trong-khong-gian-post330671.html