Người dân Ấn Độ đốt cờ Pakistan trong cuộc biểu tình phản đối vụ giết hại khách du lịch của phiến quân gần Pahalgam ở Kashmir do Ấn Độ kiểm soát vào ngày 24/4/2025. Ảnh: AP.
Chiếc xe buýt chở các nạn nhân đang đi từ đền Shiv Khori đến Katra đã mất lái, lao xuống một hẻm núi sâu sau khi những tay súng tấn công.
New Delhi đổ lỗi cho Pakistan, gọi vụ tấn công là “khủng bố xuyên biên giới” và đã thực hiện các biện pháp bao gồm đóng cửa biên giới đất liền giữa hai nước, thu hồi thị thực đối với người Pakistan và yêu cầu tất cả công dân Pakistan rời khỏi đất nước, ngoại trừ các nhà ngoại giao còn lại. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho biết những kẻ chịu trách nhiệm sẽ bị trừng phạt.
Pakistan phủ nhận trách nhiệm, Bộ trưởng Quốc phòng Khawaja Asif cho rằng Ấn Độ đã “dàn dựng” vụ tấn công này.
Trước căng thẳng giữa hai nước, Bộ trưởng Quốc phòng Pakistan đã đưa ra một số cảnh báo, cho biết Islamabad sẽ “đo lường phản ứng đối với bất kỳ hành động nào do Ấn Độ khởi xướng”.
“Nếu có một cuộc tấn công toàn diện hoặc điều gì đó tương tự, thì sẽ có một cuộc chiến tranh toàn diện”, ông nói. “Nếu mọi thứ trở nên tồi tệ, có thể có một kết cục bi thảm cho cuộc đối đầu này”.
Sau đó, ông kêu gọi thế giới, đặc biệt là Tổng thống Mỹ Donald Trump với tư cách là người “lãnh đạo cường quốc thế giới” can thiệp, vì Ấn Độ và Pakistan đều là cường quốc hạt nhân.
"Nếu Ấn Độ hành động, chúng tôi sẽ đáp trả tương tự. Chúng tôi sẽ không có lựa chọn nào khác, hoàn toàn không có lựa chọn nào cả", Asif nói.
Liên quan đến vụ việc, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh tuyên bố: "Chúng tôi không chỉ tiếp cận những kẻ đã thực hiện vụ việc này. Chúng tôi sẽ tiếp cận những kẻ phía sau hậu trường, đã âm mưu thực hiện những hành vi đê tiện như vậy trên đất Ấn Độ. Những kẻ chịu trách nhiệm cho những hành vi này sẽ nhận được sự đáp trả thích đáng trong tương lai gần."
Walter Ladwig, cộng tác viên tại Viện nghiên cứu Royal United Services (RUSI) và là giảng viên cao cấp tại King’s College London, cho biết: "Cả Ấn Độ và Pakistan đều có vũ khí hạt nhân và các cuộc tấn công giữa hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân này đều rất nghiêm trọng. Đó là điều chúng ta phải lo lắng".
Nhà sử học quân sự Srinath Raghavan, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Ấn Độ thuộc Đại học King’s College London, cho biết: “Kể từ năm 2016 và đặc biệt là sau năm 2019, ngưỡng trả đũa đã được đặt ở mức không kích hoặc xuyên biên giới”. "Sẽ rất khó để chính phủ hành động dưới mức đó bây giờ. Pakistan có thể sẽ phản ứng, như đã từng làm trước đây. Rủi ro, như thường lệ, là tính toán sai lầm ở cả hai bên".
Năm 2016, New Delhi đã tiến hành các cuộc không kích vào những gì họ cho là cơ sở quân sự ở Kashmir do Pakistan kiểm soát để đáp trả một cuộc tấn công ở Uri khiến 29 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng.
Năm 2019, Ấn Độ đã tiến hành không kích vào nơi mà nước này cho là trại lính phiến quân ở Balakot, sau khi ít nhất 40 nhân viên bán quân sự thiệt mạng ở Pulwama.
Ấn Độ và Pakistan đã xảy ra xung đột về vấn đề Kashmir kể từ khi cả hai nước giành được độc lập từ Anh vào năm 1947. Cả hai đều tuyên bố Kashmir là của mình, nhưng trên thực tế, mỗi bên kiểm soát những phần lãnh thổ khác nhau.
Tranh chấp đã gây ra 3 cuộc chiến tranh vào các năm 1947, 1965 và 1999, cũng như nhiều cuộc giao tranh và căng thẳng biên giới đang diễn ra.
Đường kiểm soát, được quân sự hóa ở cả hai bên, chia cắt phần Kashmir do Ấn Độ quản lý và phần Kashmir do Pakistan quản lý. Trong nhiều thập kỷ, các cuộc nổi loạn ly khai cũng nổ ra ở vùng Kashmir do Ấn Độ quản lý, khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng.
Pakistan vẫn khẳng định họ ủng hộ quyền tự quyết của người Kashmir, trong khi Ấn Độ cáo buộc nước láng giềng hậu thuẫn cho các chiến binh hoạt động xuyên biên giới, một cáo buộc mà Pakistan phủ nhận.
TD