Những viên ngọc Piprahwa sắp được đưa ra đấu giá. Ảnh: Sotheby's
Lời kêu gọi hồi hương các di vật thiêng liêng
Cuộc đấu giá các viên đá quý Piprahwa, dự kiến diễn ra vào ngày 7.5, đã gây ra làn sóng phản đối mạnh mẽ từ giới học giả và cộng đồng Phật giáo thế giới.
Những viên đá này, bao gồm thạch anh tím, san hô, garnet, ngọc trai, pha lê, vỏ sò và vàng, đã được chế tác thành mặt dây chuyền, chuỗi hạt và đồ trang sức, hoặc vẫn giữ nguyên dạng tự nhiên.
Ban đầu, những viên đá quý Piprahwa được chôn cất trong một đài tưởng niệm hình vòm gọi là bảo tháp tại Piprahwa, bang Uttar Pradesh (Ấn Độ ngày nay), vào khoảng năm 240–200 trước Công nguyên.
Chúng được cho là đã được trộn lẫn với một phần tro cốt của Đức Phật, người qua đời vào khoảng năm 480 trước Công nguyên.
Trong số 1.800 viên ngọc, phần lớn đã được chuyển đến Bảo tàng Ấn Độ tại Kolkata. William Claxton Peppé, người phát hiện ra chúng, chỉ được phép giữ lại khoảng 1/5 số ngọc, được cho là "bản sao" của phần còn lại.
Chính phủ Ấn Độ đã phát hành thông báo pháp lý yêu cầu ngừng cuộc đấu giá mà họ gọi là "phi đạo đức", bởi những viên đá quý này được coi là di vật thiêng liêng liên quan đến Đức Phật.
Bộ Văn hóa Ấn Độ cho rằng cuộc đấu giá tại Hong Kong vi phạm luật pháp quốc gia và quốc tế, cùng các công ước của Liên Hợp Quốc. Bộ yêu cầu các di vật này phải được trả lại Ấn Độ để được bảo tồn và tôn kính.
Thông báo pháp lý đã được gửi tới nhà đấu giá Sotheby’s Hong Kong và Chris Peppé, một trong ba người thừa kế của William Claxton Peppé.
Bộ Văn hóa Ấn Độ chỉ trích Chris Peppé vì “không có thẩm quyền” để bán các di vật này, đồng thời cáo buộc Sotheby’s đã “tiếp tay cho việc khai thác thuộc địa kéo dài”.
Cơ quan này yêu cầu cuộc đấu giá phải dừng ngay lập tức, nhấn mạnh rằng các di vật là “di sản văn hóa và tôn giáo bất khả xâm phạm của Ấn Độ và cộng đồng Phật giáo toàn cầu”.
Ngoài ra, họ còn kêu gọi Sotheby’s và Chris Peppé công khai xin lỗi chính phủ Ấn Độ và các tín đồ Phật giáo trên toàn thế giới, đồng thời cung cấp đầy đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc cũng như danh sách các di vật khác mà gia đình Peppé đang sở hữu hoặc đã chuyển giao.
Lá thư cũng cảnh báo rằng nếu không tuân thủ, các bên liên quan sẽ phải đối mặt với thủ tục pháp lý tại tòa án Ấn Độ và Hong Kong, cũng như thông qua các cơ quan quốc tế vì "vi phạm luật bảo tồn di sản văn hóa."
Ảnh: Sotheby’s
Câu hỏi về quyền sở hữu - đạo đức và di sản văn hóa
Bộ Văn hóa Ấn Độ cho biết thêm họ sẽ phát động chiến dịch công khai nhằm nêu bật vai trò của Sotheby’s trong việc “duy trì bất công thời thuộc địa và tham gia vào hoạt động buôn bán di vật tôn giáo một cách phi đạo đức.”
Về nguồn gốc và quyền sở hữu, Bộ Văn hóa nhấn mạnh rằng theo quan niệm Phật giáo, các hiện vật trong bảo tháp là “đồ tùy táng thiêng liêng, không thể tách rời khỏi xá lợi và không thể được xem là hàng hóa”.
Xá lợi của Đức Phật không thể bị xem như một mẫu vật khảo cổ, mà là một phần thân thể thiêng liêng – một bảo vật cúng dường linh thiêng, vốn được chôn cất cùng Đức Phật từ thuở ban đầu,” văn bản nêu rõ.
Văn bản kết luận rằng cuộc đấu giá đề xuất “xúc phạm đến đức tin của hơn 500 triệu Phật tử trên toàn thế giới”, vi phạm đạo đức và phá vỡ truyền thống tâm linh lâu đời.
Chris Peppé, người sở hữu di sản, hiện chưa phản hồi yêu cầu bình luận. Trước đó, ông nói với tờ Guardian rằng: “Những viên ngọc Piprahwa là vật phẩm cúng dường xá lợi khi cải táng tro cốt Đức Phật hơn 200 năm sau khi Ngài viên tịch. Tôi chưa từng thấy Phật tử nào khẳng định những viên ngọc đó là xá lợi.”
Về quyền bán, ông khẳng định: “Về mặt pháp lý, quyền sở hữu của chúng tôi là không thể tranh cãi.”
Sotheby’s cũng đã được liên hệ để bình luận. Công ty này từng cho biết đã tiến hành “thẩm định đầy đủ”, bao gồm kiểm tra nguồn gốc và tính hợp pháp của các di vật.
Bài đăng trên Instagram của Bộ Văn hóa Ấn Độ cho hay Sotheby’s đã phản hồi bằng lời đảm bảo rằng vấn đề “đang được xem xét nghiêm túc”.
Cuộc đấu giá các viên đá quý Piprahwa không chỉ là một cuộc tranh cãi về quyền sở hữu, mà còn làm nổi bật những mâu thuẫn giữa lợi ích thương mại và các giá trị văn hóa, tôn giáo.
Sự việc này đặt ra câu hỏi lớn về đạo đức trong việc xử lý di sản văn hóa, và mở ra cuộc đối thoại về việc bảo vệ các di vật quý giá khỏi sự xâm phạm của thị trường toàn cầu.
NGHIÊM THANH