Ấn Độ và Pakistan bước vào 'chiến tranh máy bay không người lái'?

Ấn Độ và Pakistan bước vào 'chiến tranh máy bay không người lái'?
6 giờ trướcBài gốc
Người dân tụ tập khi cảnh sát kiểm tra hiện trường vụ UAV bị bắn hạ ở Karachi vào ngày 8/5. Quân đội Pakistan cho biết họ đã bắn hạ 25 UAV của Ấn Độ. Ảnh: AFP.
Căng thẳng giữa hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân – Ấn Độ và Pakistan – đang leo thang nguy hiểm, khi cả hai bên cáo buộc lẫn nhau sử dụng máy bay không người lái (UAV) để tấn công vào lãnh thổ đối phương.
Sáng thứ Năm trong tuần, quân đội Pakistan thông báo hệ thống phòng không của nước này đã bắn rơi 25 UAV của Ấn Độ chỉ trong một đêm, trên bầu trời các thành phố trọng yếu như Lahore và Karachi. Vụ việc khiến ít nhất một dân thường thiệt mạng và năm người bị thương.
Vài giờ sau, Bộ Quốc phòng Ấn Độ lên tiếng xác nhận đã tiến hành các cuộc không kích nhằm vào hệ thống radar phòng không của Pakistan, và tuyên bố đã "vô hiệu hóa" một hệ thống tại Lahore. New Delhi cũng cáo buộc Pakistan phóng UAV và tên lửa tấn công các mục tiêu ở Ấn Độ và vùng Kashmir do Ấn Độ kiểm soát, nhưng khẳng định đã đánh chặn thành công.
Đây là diễn biến đáng ngại trong chuỗi leo thang căng thẳng giữa hai quốc gia, chỉ một ngày sau khi Ấn Độ tiến hành các đợt không kích chết người vào lãnh thổ Pakistan và vùng Kashmir do Islamabad kiểm soát. Đây được coi là cuộc tấn công lớn nhất của Ấn Độ vào sâu trong lãnh thổ Pakistan kể từ sau bốn cuộc chiến tranh giữa hai nước.
Ngòi nổ của cuộc leo thang bắt đầu hôm 22/4, khi một nhóm tay súng sát hại 25 du khách và một người dắt ngựa địa phương tại Pahalgam, thuộc vùng Kashmir do Ấn Độ kiểm soát. New Delhi cáo buộc các nhóm vũ trang do Pakistan hậu thuẫn đứng sau vụ thảm sát, nhưng Islamabad phủ nhận mọi liên quan.
Điều gì đã xảy ra?
Trong buổi họp báo sáng thứ Năm, người phát ngôn quân đội Pakistan – Trung tướng Ahmad Sharif Chaudhry – cho biết đất nước đã bị một làn sóng UAV tấn công trong đêm, nhắm vào nhiều thành phố đông dân nhất, trong đó có Karachi và Lahore.
Theo ông Chaudhry, hệ thống phòng không Pakistan đã đánh chặn thành công toàn bộ 25 UAV này. Tuy nhiên, mảnh vỡ từ các thiết bị rơi xuống đã khiến một dân thường thiệt mạng và một người khác bị thương tại tỉnh Sindh. Một UAV khác tấn công vào cơ sở quân sự ở Lahore, khiến bốn binh sĩ bị thương và gây hư hại một phần thiết bị quân sự.
Ông Chaudhry gọi các cuộc tấn công này là hành động “gây hấn trắng trợn” và “khiêu khích nghiêm trọng”, đồng thời cảnh báo rằng Pakistan “sẵn sàng đáp trả thích đáng”.
“Rõ ràng Ấn Độ đã đánh mất sự tỉnh táo và thay vì lựa chọn con đường lý trí, lại đang tiếp tục đổ thêm dầu vào ngọn lửa xung đột. Các lực lượng vũ trang Pakistan luôn trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu trước mọi mối đe dọa”, ông nói.
Người dân tụ tập bên ngoài một con phố gần Sân vận động Cricket Rawalpindi sau khi một UAV bị bắn hạ ở Rawalpindi vào ngày 8/5. Ảnh: AFP.
Phía Ấn Độ nói gì?
Trong tuyên bố đưa ra vào sáng 8/5, Bộ Quốc phòng Ấn Độ thừa nhận đã không kích các hệ thống phòng không Pakistan nhằm “đáp trả tương xứng”, sau khi cáo buộc Islamabad phóng UAV và tên lửa nhằm vào nhiều mục tiêu quân sự ở phía Bắc và phía Tây Ấn Độ, cũng như vùng Kashmir do nước này kiểm soát.
"Rạng sáng nay, lực lượng vũ trang Ấn Độ đã tấn công hệ thống radar phòng không tại một số địa điểm trên lãnh thổ Pakistan. Đây là phản ứng tương xứng cả về hình thức lẫn mức độ," tuyên bố của Bộ Quốc phòng Ấn Độ nêu. "Theo nguồn tin đáng tin cậy, một hệ thống phòng không tại Lahore đã bị vô hiệu hóa".
Phía Pakistan hiện chưa bình luận về cáo buộc từ Ấn Độ rằng họ đã sử dụng UAV và tên lửa tấn công lãnh thổ nước này.
Loại UAV nào đã được sử dụng trong đợt tấn công vào Pakistan?
Người phát ngôn quân đội Pakistan, Thiếu tướng Ahmed Sharif Chaudhry, xác định các phương tiện tấn công của Ấn Độ là UAV cảm tử Harop.
Harop là dòng máy bay không người lái do Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Vũ trụ Israel (IAI) phát triển. Đây là UAV tấn công tự sát, thường được điều khiển từ xa, có khả năng bay lượn trên không trong thời gian dài, chờ mục tiêu lộ diện để lao thẳng vào và kích nổ.
Loại khí tài này không được thiết kế để quay trở về sau khi tấn công, vì vậy còn được gọi là “UAV cảm tử” hoặc “drone cảm tử”.
Harop được đánh giá là một trong những UAV tấn công nguy hiểm nhất thế giới, kết hợp đặc tính của máy bay không người lái và tên lửa hành trình. Dài khoảng 2 mét, UAV này đủ nhỏ để tránh được hệ thống radar thông thường. Harop có thể hoạt động trong bán kính 200 km và thời gian bay khoảng 6 giờ. Trong trường hợp không xác định được mục tiêu, thiết bị này có thể tự quay về căn cứ ban đầu để hạ cánh an toàn.
Ấn Độ là một trong những khách hàng lớn nhất của Israel trong lĩnh vực UAV. Theo The Jerusalem Post, trong giai đoạn 2009–2019, Ấn Độ đã mua ít nhất 25 chiếc Harop, với một thương vụ gồm 10 chiếc trị giá khoảng 100 triệu USD.
Bên cạnh Harop, kho UAV của Ấn Độ còn bao gồm các dòng như Searcher và Heron, cũng do IAI sản xuất. Dòng Searcher chủ yếu được sử dụng cho các nhiệm vụ trinh sát, trong khi Heron có năng lực mang vũ khí tương tự Harop.
Một bức ảnh chụp ngày 21/6/2011, tại sân bay Bourget vào ngày thứ hai của Triển lãm hàng không quốc tế Paris, cho thấy một máy bay không người lái UCAV IAI Harop của Israel. Ảnh: AFP.
Tại sao vụ tấn công bằng UAV vào Pakistan lại gây lo ngại?
Việc hàng loạt UAV vượt qua không phận Pakistan, lượn trên những khu vực đông dân cư và tấn công vào các mục tiêu quân sự cho thấy New Delhi đang sở hữu năng lực vượt trội trong việc thâm nhập hệ thống phòng không của đối phương và tấn công các điểm huyết mạch.
Theo phía quân đội Pakistan, đây là “hành động khiêu khích nghiêm trọng”, có thể thổi bùng nguy cơ leo thang xung đột giữa hai cường quốc hạt nhân.
Vụ tấn công cũng khiến giới chức hàng không dân dụng Pakistan lo ngại, buộc nước này phải tạm thời đóng cửa bốn sân bay lớn gồm: Sân bay Quốc tế Allama Iqbal (Lahore), Sân bay Quốc tế Jinnah (Karachi), Sân bay Quốc tế Islamabad, và Sân bay Quốc tế Sialkot. Các sân bay đã hoạt động trở lại sau khi lệnh hạn chế được dỡ bỏ.
Bối cảnh căng thẳng
Kashmir – vùng đất nổi tiếng với những hồ nước trong vắt, thảo nguyên xanh và dãy núi tuyết trắng – từ lâu đã là tâm điểm tranh chấp giữa Ấn Độ và Pakistan.
Cả hai nước đều kiểm soát một phần vùng lãnh thổ này, song đồng thời tuyên bố chủ quyền toàn bộ. Trung Quốc cũng nắm giữ một phần nhỏ ở phía đông bắc. Ba trong số bốn cuộc chiến lớn giữa Ấn Độ và Pakistan đều bắt nguồn từ tranh chấp Kashmir – khu vực rộng hơn 22.000 km².
Ấn Độ từ lâu cáo buộc Pakistan hậu thuẫn, cung cấp vũ khí và huấn luyện cho các nhóm vũ trang ly khai chống lại New Delhi. Islamabad luôn phủ nhận, nói rằng họ chỉ “ủng hộ về mặt đạo lý và ngoại giao” phong trào ly khai tại Kashmir.
Sau vụ tấn công hồi tháng Tư, Ấn Độ đã quy trách nhiệm cho một nhóm vũ trang ít tên tuổi mang tên Mặt trận Kháng chiến (The Resistance Front – TRF), đồng thời cáo buộc tổ chức này có liên hệ với Pakistan. Về phía mình, Islamabad bác bỏ mọi cáo buộc, lên án vụ tấn công và kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra “minh bạch, đáng tin cậy và độc lập”.
Trong bối cảnh cả Ấn Độ và Pakistan đều sở hữu vũ khí hạt nhân, cộng đồng quốc tế đang theo dõi sát diễn biến tình hình, lo ngại rằng một bước đi sai lầm có thể châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng khu vực với hậu quả không thể lường trước.
Huyền Chi
Nguồn VietTimes : https://viettimes.vn/an-do-va-pakistan-buoc-vao-chien-tranh-may-bay-khong-nguoi-lai-post185424.html