Ấn Độ và Pakistan từng thuộc cùng một đế chế do hậu duệ Thành Cát Tư Hãn cai trị như thế nào?

Ấn Độ và Pakistan từng thuộc cùng một đế chế do hậu duệ Thành Cát Tư Hãn cai trị như thế nào?
4 giờ trướcBài gốc
Đế chế Mughal từng cai trị lãnh thổ Pakistan và phần lớn Ấn Độ ngày nay trong suốt hơn 300 năm.
Thành Cát Tư Hãn, chúa tể thảo nguyên bất khả chiến bại, từng chinh phục hơn 40 quốc gia và nổi tiếng bất khả chiến bại. Nhưng ông chưa từng chinh phạt các vương quốc nằm ở tiểu lục địa Ấn Độ.
Gần 300 năm kể từ khi Thành Cát Tư Hãn qua đời, Babur, một hậu duệ ở Trung Á, đã thay ông làm điều này. Babur sáng lập triều đại riêng gọi là Đế chế Mughal (nghĩa là Mông Cổ trong tiếng Ba Tư cổ). Di sản của Babur nói riêng và Đế chế Mughal nói chung ngày nay có ảnh hưởng sâu sắc trong văn hóa Ấn Độ và Pakistan.
Dòng dõi quý tộc
Babur (tên thật: Zahir-ud-din Muhammad) sinh ngày 14/2/1483 tại thành phố Andijan, thung lũng Ferghana, nay thuộc Uzbekistan. Ông là con trai cả của Umar Shaikh Mirza II, tiểu vương vùng Ferghana. Nhà bên nội ông thuộc dòng dõi Thiếp Mộc Nhi – người sáng lập đế quốc Timur ở Trung Á. Thiếp Mộc Nhi tự nhận mình là hậu duệ của Tumanay Khan, tổ tiên trong phả hệ Mông Cổ có Thành Cát Tư Hãn.
Mẹ của Babur là Qutlugh Nigar Khanum, con gái của Yunus Khan – quốc vương xứ Moghulistan. Gia tộc bên ngoại của Babur thuộc dòng dõi bắt nguồn từ Sát Hợp Đài – con trai của Thành Cát Tư Hãn. Do đó, Babur cũng thường tự nhận mình là hậu duệ Thành Cát Tư Hãn.
Mặc dù là người gốc Mông Cổ nhưng Babur đã tiếp thu sâu sắc truyền thống Turco-Ba Tư (Thổ - Ba Tư) và theo đạo Hồi. Bên cạnh tiếng Thổ, ông còn thông thạo tiếng Ba Tư cổ điển, vốn là ngôn ngữ triều đình và văn hóa chính của giới quý tộc Timur.
Một trong số những người thân thích của Babur – như các chú Mahmud Khan (Moghul Khan) và Ahmad Khan – vẫn nhận họ là người Mông Cổ. Họ cho phép Babur sử dụng binh sĩ Mông Cổ để khôi phục thế lực trong những năm đầy biến động sau này.
Lên ngôi khi mới 11 tuổi
Babur là hậu duệ Thành Cát Tư Hãn, người sáng lập Đế chế Mughal hùng mạnh.
Năm 1494, tiểu vương Ferghana qua đời đột ngột, và Babur, 11 tuổi, được đưa lên kế vị. Tuy nhiên, ngai vàng của ông lúc ấy không hề vững chắc: nhiều người chú và anh em họ đều âm mưu giành quyền lực.
Nhận ra "tấn công là cách phòng thủ tốt nhất", Babur bắt đầu các chiến dịch mở rộng lãnh thổ. Năm 1497, khi mới 14 tuổi, ông được lực lượng trung thành với gia tộc giúp chinh phục thành phố Samarkand (nay thuộc Uzbekistan) nổi tiếng trên tuyến Con đường Tơ lụa. Tuy nhiên, khi Babur bận ổn định ở Samarkand, các lực lượng đối lập nổi dậy ở quê nhà Andijan. Khi quay về dẹp loạn, Babur để mất thành Samarkand.
Tới năm 1501, ông giành lại cả hai thành phố, nhưng bị thủ lĩnh người Uzbek là Shaibani Khan đánh bại nặng nề, chấm dứt quyền lực của Babur tại vùng đất nay là Uzbekistan.
Lưu vong sang Afghanistan
Trong ba năm sau đó, vị hoàng tử mất ngôi lang bạt khắp Trung Á, tìm kiếm đồng minh để phục quốc. Năm 1504, Babur ở tuổi 21 tuổi, dẫn đội quân nhỏ và những người trung thành băng qua dãy Hindu Kush phủ tuyết để tiến vào Afghanistan, nơi triều đại địa phương đang suy yếu sau cái chết của tiểu vương Mirza Ulugh Beg II. Kabul, kinh đô chiến lược của vương quốc, lúc đó gần như không có sự kiểm soát vững chắc.
Nhờ tài ngoại giao khôn khéo, sự dũng cảm và danh tiếng là hậu duệ của Thiếp Mộc Nhi – người từng cai trị khu vực này một thế kỷ trước – Babur nhanh chóng thu phục được sự ủng hộ của một số quý tộc và thủ lĩnh địa phương, trong đó có cả người gốc Mông Cổ, người Tajik và người Thổ.
Cuộc vây hãm Kabul không kéo dài quá lâu, vì lực lượng phòng thủ yếu và nội bộ chia rẽ. Cuối cùng, Babur chiếm được thành Kabul gần như không đổ máu lớn, và lần đầu tiên kể từ khi rời khỏi Ferghana, ông có được một vùng đất ổn định làm căn cứ vững chắc để tái thiết thế lực.
Vẫn nuôi mộng tái chiếm Thung lũng Fergana, Babur nhiều lần hợp tác với các vua vùng Herat và Ba Tư để phản công người Uzbek (1510–1511), nhưng tiếp tục thất bại. Không nản lòng vì phải rời xa quê hương, ông bắt đầu hướng tầm mắt về phương nam – nơi có vùng đất rộng lớn, giàu có và đang bất ổn. Đó là tiểu lục địa Ấn Độ và cũng là vùng đất Thành Cát Tư Hãn chưa từng chinh phạt.
Cơ hội từ sự mục nát của vương triều Delhi
Con đường tiến công của Babur từ Afghanistan, qua Pakistan và miền bắc Ấn Độ (ngày nay).
Năm 1521, cơ hội lý tưởng mở ra với Babur. Vua Ibrahim Lodi của Vương triều Delhi (cai trị vùng đất nay thuộc Afghanistan, miền bắc Ấn Độ, một phần Pakistan) bị dân chúng và tầng lớp quý tộc ghét bỏ vì phong cách cai trị độc đoán và ưu ái phe cánh riêng. Một số quan lại người Afghanistan trong triều đình đã gửi thư mời Babur – hậu duệ của Thiếp Mộc Nhi – đến lật đổ Lodi.
Babur vui vẻ nhận lời. Ông tổ chức một cuộc vây hãm thành Kandahar (nay thuộc Afghanistan), nơi giữ vị trí chiến lược quan trọng. Dù cuộc vây hãm kéo dài, nhiều quý tộc quan trọng của Lodi – như Alam Khan (chú của Lodi) và lãnh đạo vùng Punjab – đã quay sang ủng hộ Babur.
Khi Babur bắt đầu hành trình chinh phục tiểu lục địa, ông không có nhiều lựa chọn về đường đi. Từ căn cứ tại Kabul, để tiến quân vào tiểu lục địa Ấn Độ, con đường duy nhất khả thi lúc bấy giờ là vượt qua đèo Khyber – một lối đi hẹp xuyên dãy núi Hindu Kush, nối liền Afghanistan với vùng Punjab, nơi ngày nay là Pakistan.
Đây là tuyến đường lịch sử từng in dấu chân của nhiều đạo quân chinh phạt: từ quân Hy Lạp của Alexander Đại đế, các đoàn viễn chinh Hồi giáo thế kỷ 8, cho đến những chiến binh Thổ - Mông Cổ trước thời Babur. Tuy hiểm trở, Khyber là cánh cửa duy nhất đủ rộng, đủ bằng phẳng và đủ nguồn nước để một đội quân lớn – với ngựa, voi, đại bác và lương thảo – có thể vượt qua.
Babur đi đúng lối này. Tháng 11/1525, ông rời Kabul, đưa đại quân vượt Khyber, tiến vào thành phố Peshawar (nay thuộc Pakistan), sau đó nhanh chóng chiếm giữ các vùng Lahore và Dipalpur, đều thuộc Pakistan hiện nay. Chỉ trong vòng vài tuần, toàn bộ vùng Punjab đã nằm trong tay Babur – một bàn đạp chiến lược giúp ông tiến sâu vào tiểu lục địa Ấn Độ và giành thắng lợi quyết định trước quân Lodi trong trận Panipat năm 1526.
Tháng 4/1526, Babur chính thức tấn công quân Lodi trên cánh đồng Panipat, vùng Punjab (nay thuộc Ấn Độ và Pakistan). Quân đội ông chỉ có 24.000 người, phần lớn là kỵ binh, đối đầu với 100.000 quân và 1.000 voi chiến của Lodi. Tuy nhiên, Babur có một thứ mà đối thủ không có: súng hỏa mai và chiến thuật hiện đại.
Đội quân của Babur sử dụng súng hỏa mai (matchlock muskets) và đại bác kéo bằng voi, nhưng nguồn gốc của những loại vũ khí này không đến từ Trung Quốc, mà chủ yếu qua người Thổ Nhĩ Kỳ Ottoman và các kỹ sư pháo binh đến từ Trung Á.
Babur được hỗ trợ kỹ thuật quân sự bởi một chuyên gia người Thổ tên là Ustad Ali Quli, và một chỉ huy pháo binh khác tên Mustafa Rumi. Họ đều từng phục vụ trong quân đội Ottoman, vốn đã sử dụng rộng rãi súng hỏa mai và pháo binh trong các trận đánh từ thế kỷ 15 (ví dụ: trận Constantinople năm 1453).
Ustad Ali Quli huấn luyện quân đội Babur cách dàn quân theo kiểu hàng ngang, có pháo binh bắn yểm trợ từ phía sau – chiến thuật hoàn toàn mới lạ ở Ấn Độ lúc bấy giờ.
Kết quả là trận Panipat lần thứ nhất đi vào lịch sử: Babur tiêu diệt quân Lodi, giết chết nhà vua và 20.000 binh sĩ. Vương triều Delhi cuối cùng sụp đổ, mở đường cho Đế chế Mughal xuất hiện tại tiểu lục địa Ấn Độ.
Chiến tranh với các vương quốc Hindu
Minh họa trận Khanwa năm 1527.
Sau khi hạ Lodi, Babur tiến sâu hơn vào tiểu lục địa Ấn Độ, đối mặt với các vương quốc Hindu Rajput, đặc biệt là liên minh do Rana Sanga thuộc xứ Mewar (nay thuộc Ấn Độ) lãnh đạo. Khác với tổ tiên Mông Cổ – vốn chỉ đến cướp bóc rồi rút – Babur quyết tâm lập một đế chế lâu dài tại Ấn Độ và Pakistan, chọn Agra (nay thuộc bang Uttar Pradesh, Ấn Độ) làm kinh đô.
Năm 1527, tại trận Khanwa, quân đội Hindu Rajput đông hơn cả quân Lodi trước đó nhưng vẫn bị Babur đánh bại nặng nề. Tuy nhiên, các cuộc kháng cự của các vương quốc Hindu vẫn tiếp diễn trong nhiều năm sau đó.
Qua đời – truyền ngôi cho Humayun
Mùa thu năm 1530, Babur lâm bệnh nặng. Biết rằng một số quý tộc âm mưu đưa người khác lên thay, con trai cả Humayun vội vàng quay về Agra để giữ ngôi. Nhưng chính Humayun cũng mắc trọng bệnh. Truyền thuyết kể rằng Babur cầu xin Thượng đế lấy mạng mình để cứu con, và điều đó đã ứng nghiệm.
Ngày 26/12/1530, Babur qua đời ở tuổi 47. Humayun, mới 22 tuổi, lên ngôi giữa muôn vàn khó khăn. Dù có thời điểm mất ngôi một thời gian, Humayun sau này giành lại ngai vàng, và đến thời Akbar Đại đế – con trai ông – Đế chế Mughal bước vào thời kỳ cực thịnh.
Di sản để lại
Có thể nói, Babur sống một đời gian truân, chinh chiến và không ngừng tìm chỗ đứng cho mình. Cuối cùng, ông đã gây dựng nền móng cho một trong những đế chế lớn nhất thế giới. Là người yêu thơ và vườn cảnh, Babur để lại nhiều tác phẩm văn học – đặc biệt là cuốn "Baburnama" – hồi ký do chính ông viết.
Đế chế Mughal do Babur sáng lập kéo dài hơn 300 năm, cho đến khi rơi vào tay đế quốc Anh Anh vào năm 1868. Ở thời kỳ cực thịnh, đế chế Mughal kiểm soát lãnh thổ rộng 4 triệu km2 và có số dân khoảng 158 triệu người.
Hơn 500 năm sau khi Babur đặt chân đến tiểu lục địa, di sản của ông vẫn còn hiện hữu – nhưng được nhìn nhận rất khác nhau tại Ấn Độ và Pakistan. Tại Pakistan, Babur được coi là biểu tượng của thời kỳ huy hoàng Hồi giáo, người đặt nền móng cho sự hiện diện lịch sử – văn hóa của người Hồi giáo ở Nam Á. Ông thường được nhắc đến trong sách giáo khoa. Một số tuyến đường và công trình ở Pakistan mang tên ông.
Tại Ấn Độ, Babur được công nhận là người sáng lập triều đại Mughal, là một phần quan trọng trong bề dày lịch sử Ấn Độ. Nhưng Ấn Độ thường tránh đề cập đến ông, cũng một phần do mối quan hệ căng thẳng với nước láng giềng Pakistan.
Có thể nói, sự khác biệt này còn là biểu hiện rõ nét của hai bản sắc dân tộc được hình thành sau cuộc chia cắt năm 1947. Một bên nhấn mạnh vào di sản Hồi giáo như một phần căn cốt (Pakistan), bên kia lại cố gắng xây dựng bản sắc Hindu là trung tâm (Ấn Độ).
Đăng Nguyễn - Tổng hợp
Nguồn Người Đưa Tin : https://nguoiduatin.vn/an-do-va-pakistan-tung-thuoc-cung-mot-de-che-do-hau-due-thanh-cat-tu-han-cai-tri-nhu-the-nao-204252405235207551.htm