Lá bài của Ấn Độ dùng để đối phó Pakistan sau vụ khủng bố Kashmir
Ấn Độ đang cân nhắc phương án tăng đáng kể lượng nước họ lấy từ một con sông lớn chuyên cung cấp nước cho các nông trại của Pakistan nằm ở vùng hạ lưu của sông này. Bốn nguồn tin nắm rõ về vấn đề này cho biết, đây là một phần trong kế hoạch hành động của Ấn Độ nhằm trả đũa cho vụ tấn công vào tháng 4/2025 khiến 26 du khách thiệt mạng.
Ấn Độ coi vụ tấn công ở vùng Kashmir (phần họ kiểm soát) là hành động khủng bố và Ấn Độ quy trách nhiệm về vụ này cho Pakistan. Về phần mình, Pakistan phủ nhận dính líu vào vụ tấn công.
Các dự án thủy điện của Ấn Độ ở vùng Kashmir, sát Pakistan. Đồ họa: Reuters.
Để đáp trả Islamabad, New Delhi đã đình chỉ tham gia Hiệp ước Nguồn nước sông Ấn (tức sông Indus) năm 1960. Hiệp ước này, quản lý việc sử dụng hệ thống sông Ấn, đã không được hồi sinh dù cả Ấn Độ và Pakistan đã đồng ý triển khai lệnh ngừng bắn hôm 10/5 sau những đụng độ quyết liệt giữa hai bên.
Tuần qua, Thủ tướng Ấn Độ Modi đã phát biểu: “Nước và máu không thể chảy cùng nhau”. Còn phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ấn Độ Randhir Jaiswal nói với các phóng viên vào hôm 13/5 rằng Ấn Độ “sẽ tiếp tục ngưng Hiệp ước nói trên cho đến khi nào Pakistan thực sự ngừng ủng hộ chủ nghĩa khủng bố xuyên biên giới”.
Các bộ thủy lợi và ngoại giao của Pakistan đã không phản ứng lại đề nghị đưa ra bình luận trước các tuyên bố của Ấn Độ. Tuy nhiên Ngoại trưởng Pakistan Ishaq Dar nói với giới lập pháp nước này trong tuần qua rằng chính phủ Pakistan đã gửi công văn cho phía Ấn Độ để lập luận rằng việc ngừng Hiệp ước là bất hợp pháp và phía Pakistan vẫn coi Hiệp ước này tiếp tục có hiệu lực.
Islamabad cho biết, sau khi New Delhi hoãn Hiệp ước vào tháng 4/2025, Islamabad coi “bất cứ nỗ lực nào nhằm ngưng hoặc chuyển hướng dòng chảy của nước thuộc về Pakistan” là một “hành động chiến tranh”.
New Delhi mở rộng kênh hút nước, tạo áp lực lớn lên Islamabad
Sáu nguồn tin cho biết, sau vụ khủng bố 22/4, Thủ tướng Ấn Độ Modi đã lệnh cho các quan chức dưới quyền đẩy nhanh việc lập kế hoạch và triển khai các dự án trên sông Chenab, sông Jhelum và sông Ấn - ba thủy vực trong hệ thống sông Ấn được dành riêng cho Pakistan khai thác nước.
Một trong những kế hoạch chủ chốt đang được thảo luận là việc tăng gấp đôi độ dài của con kênh Ranbir (trên sông Chenab) lên mức 120km. Hai nguồn tin cho biết, con kênh này chạy xuyên qua Ấn Độ đến vựa nông nghiệp Punjap của Pakistan. Con kênh này xây vào thế kỷ 19, từ lâu trước khi Hiệp ước Nguồn nước sông Ấn được ký kết.
Ấn Độ được phép hút một lượng nước giới hạn từ sông Chenab để phục vụ tưới tiêu. Tuy nhiên, 4 nguồn tin cho hay, với một con kênh mở rộng, Ấn Độ có thể chuyển hướng tới 150m3 nước mỗi giây, tăng lên từ mức khoảng 40m3 nước/giây hiện nay. Bốn nguồn tin phát biểu như vậy dựa trên các thảo luận chính thức và các tài liệu mà họ được xem. Tất nhiên, việc xây dựng một kênh lớn như vậy sẽ phải mất nhiều năm.
Trước đây chưa có bên nào thông tin chi tiết về ý đồ của chính phủ Ấn Độ mở rộng kênh Ranbir. Một nguồn tin nói rằng việc thảo luận về ý định này khởi động vào tháng 4 và tiếp tục diễn ra sau lệnh ngừng bắn hôm 10/5 vừa qua.
Khoảng 80% trang trại của Pakistan và gần như tất cả các dự án thủy điện của nước này (với dân số khoảng 250 triệu người) phụ thuộc vào hệ thống sông Ấn.
Chuyên gia an ninh nước David Michel (thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế CSIS có trụ sở ở Washington) cho hay, Ấn Độ sẽ phải “mất nhiều năm” để thực hiện việc xây đập, kênh hoặc các cơ sở hạ tầng khác phục vụ mục tiêu lưu giữ hoặc chuyển lượng lớn dòng chảy khỏi hệ thống sông Ấn. Tuy nhiên, ngay cả khi đó, Pakistan vẫn thấy trước thứ áp lực lớn mà họ đối diện từ phía Ấn Độ: Nước tại một điểm tiếp nhận quan trọng của Pakistan đã sụt nhanh tới 90% vào đầu tháng 5 sau khi Ấn Độ bắt đầu công tác bảo trì đối với một số dự án nằm trên hệ thống sông Ấn.
Kế hoạch toàn diện của Ấn Độ nhằm giảm mạnh nước chảy vào Pakistan
Hệ thống sông Ấn chảy qua một số khu vực căng thẳng hàng đầu thế giới về địa chính trị. Hệ thống này bắt nguồn gần hồ Mansarovar ở Tây Tạng và uốn lượn qua miền Bắc của Ấn Độ cùng miền Đông và miền Tây Nam của Pakistan trước khi đổ ra biển Arab.
Hiệp ước Nguồn nước sông Ấn được xem là một trong những hiệp định chia sẻ nguồn nước thành công nhất thế giới. Hiệp ước đã tồn tại qua một số cuộc chiến tranh lớn cũng như những căng thẳng kéo dài giữa Ấn Độ và Pakistan.
Hiệp ước quy định Ấn Độ chủ yếu chỉ được phép xây dựng các dự án thủy điện có tác động thấp trên 3 con sông được phân bổ cho Pakistan. Ấn Độ được quyền tự do tận dụng nước thuộc 3 con sông khác, đó là các phụ lưu Sutlej, Beas và Ravi.
Các tài liệu chính phủ mà Reuters được xem và các cuộc phỏng vấn của Reuters với 5 người am hiểu vấn đề này cho thấy, theo kế hoạch mở rộng kênh Ranbir, Ấn Độ đang xem xét những dự án có khả năng giảm đáng kể lượng nước chảy vào Pakistan từ các sông được phân bổ cho Pakistan.
Một tài liệu gợi ý rằng nước từ các sông Ấn, Chenab và Jhelum “có tiềm năng được phân phối vào những con sông” ở 3 bang miền Bắc của Ấn Độ. Một trong những nguồn tin kể rằng tài liệu này được tạo ra để thảo luận với các quan chức bộ năng lượng của Ấn Độ sau vụ tấn công ngày 22/4.
New Delhi cũng đã lập danh sách các dự án thủy điện ở vùng lãnh thổ Jammu và Kashmir mà họ hy vọng sẽ nâng công suất lên thành 12.000 megawatt từ mức 3.360 megawatt hiện tại.
Các dự án sắp tới này cũng bao gồm cả các con đập có thể trữ lượng lớn nước, theo 2 người nắm sâu về vấn đề. Ấn Độ đã xác định được ít nhất 5 dự án trữ nước khả thi, trong đó có 4 dự án trên các phụ lưu của sông Chenab và sông Jhelum, theo tài liệu của bộ năng lượng nước này.
Trước kế hoạch của Ấn Độ, phía Pakistan cho biết ho đang chuẩn bị hành động pháp lý để đối phó tại một số diễn đàn quốc tế, bao gồm Ngân hàng Thế giới (tổ chức hỗ trợ cho Hiệp ước Nguồn nước sông Ấn) cũng như Tòa Trọng tài thường trực (PCA) và Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) ở La Hay.
Bộ trưởng Tài chính Muhammad Aurangzeb nói với hãng tin Reuters rằng “không nên vũ khí hóa nguồn nước”.
Trung Hiếu/VOV.VN biên dịch Nguồn: Reuters