Chính phủ Ấn Độ vừa gửi công hàm pháp lý yêu cầu nhà đấu giá Sotheby’s Hong Kong ngay lập tức dừng cuộc đấu giá cổ vật được cho là đã được chôn cất cùng với tro cốt Đức Phật hơn hai thiên niên kỷ trước, theo Guardian.
Bộ Văn hóa Ấn Độ nhấn mạnh, đây không chỉ là những báu vật khảo cổ đơn thuần, mà là "thân thể thiêng liêng" của Đức Phật, không thể bị thương mại hóa.
Các hiện vật này được khai quật từ khu di tích Piprahwa tại bang Uttar Pradesh vào năm 1898 bởi William Claxton Peppé - một địa chủ người Anh thời thuộc địa. Trong số đó, khoảng 1.800 viên ngọc, đá quý và trang sức đã được chuyển giao cho Bảo tàng Ấn Độ tại Kolkata. Tuy nhiên, Peppé được giữ lại một phần, được mô tả là "bản sao" của các hiện vật chính.
Các báu vật Piprahwa của Đức Phật, thuộc Đế chế Maurya, thời kỳ vua Ashoka, khoảng năm 240-200 trước Công nguyên. Ảnh: Sotheby's.
Tuần này, ba hậu duệ của Peppé, trong đó có Chris Peppé - một đạo diễn truyền hình sống tại Los Angeles - đã đưa các cổ vật này ra đấu giá tại Hong Kong. Cuộc đấu giá do nhà Sotheby’s tổ chức, dự kiến diễn ra vào ngày 7/5, với mức định giá ước tính lên đến 100 triệu HKD (tương đương khoảng 12,9 triệu USD).
Phản ứng trước thông tin trên, Bộ Văn hóa Ấn Độ cho rằng việc đấu giá những báu vật gắn liền với di hài Đức Phật là hành vi "tiếp tay cho di sản chủ nghĩa thực dân", đồng thời "xúc phạm nghiêm trọng đến niềm tin của hơn 500 triệu tín đồ Phật giáo trên toàn thế giới".
Trong công hàm được đăng tải trên Instagram chính thức, Bộ này khẳng định các di vật là “tài sản văn hóa và tôn giáo không thể chuyển nhượng” của Ấn Độ và cộng đồng Phật giáo toàn cầu.
Bộ Văn hóa yêu cầu Sotheby’s và các bên liên quan không chỉ hủy bỏ cuộc đấu giá mà còn phải công khai xin lỗi chính phủ Ấn Độ và các tín đồ Phật giáo. Đồng thời, họ cũng yêu cầu cung cấp toàn bộ giấy tờ chứng minh nguồn gốc hiện vật cũng như các cổ vật khác đang được hậu duệ Peppé nắm giữ hoặc đã chuyển nhượng.
Trong trường hợp các bên không tuân thủ, Ấn Độ tuyên bố sẽ tiến hành các hành động pháp lý tại tòa án Hong Kong, Ấn Độ và các diễn đàn quốc tế để bảo vệ di sản văn hóa.
Ngoài ra, một chiến dịch truyền thông sẽ được phát động nhằm lên án vai trò của Sotheby’s trong việc "duy trì bất công thuộc địa" thông qua hành vi thương mại hóa di vật tôn giáo.
Các cổ vật được đem đấu giá bao gồm ngọc thạch anh, san hô, hồng ngọc, ngọc trai, tinh thể đá, vỏ sò và vàng dưới dạng chuỗi hạt, mặt dây chuyền hoặc vật trang trí. Tất cả từng được chôn cất trong một bảo tháp hình vòm tại Piprahwa, cùng với tro cốt của Đức Phật - người mất vào khoảng năm 480 trước Công nguyên.
Ấn Độ nhấn mạnh rằng, theo quan niệm Phật giáo, các vật phẩm được chôn cất trong tháp Phật là "đồ tùy táng thiêng liêng", không thể tách rời khỏi thân thể Phật và tuyệt đối không thể bị thương mại hóa.
Chris Peppé, người đại diện gia đình, cho biết trong một bài viết trên trang web của Sotheby’s rằng họ là "người bảo hộ" các cổ vật và tuyên bố: “Chúng tôi vẫn giữ quyền sở hữu hợp pháp và không ai thách thức điều đó”.
Tuy nhiên, trước làn sóng phản đối, ông cam kết sẽ dành 25% số tiền thu được từ cuộc đấu giá để hỗ trợ trưng bày các cổ vật Piprahwa tại Kolkata phục vụ cộng đồng Phật giáo, và 25% khác sẽ được quyên góp cho các tổ chức Phật giáo.
Bất chấp áp lực từ phía Ấn Độ, đại diện Sotheby’s cho biết phiên đấu giá sẽ diễn ra như kế hoạch và nhà đấu giá đã "thực hiện đầy đủ quy trình xác minh pháp lý và nguồn gốc hiện vật".
Phương Linh